Dự án đường sắt trên cao: "Không nên lo tàu điện TQ kém"

Kiều Linh |

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Chúng tôi cần sự giúp đỡ của anh với việc giúp đỡ thực sự chứ không cần những thứ giúp đỡ rác rưởi".

Không nên lo tàu điện Trung Quốc kém

Mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ mua 13 đoàn tàu, loại tàu B1 của Trung Quốc với kết cấu mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ.

Thông tin này khi được phát đi đã khiến dư luận băn khoăn, lo ngại về chất lượng của tàu.

Bởi lẽ, trước đó, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tập đoàn Cục 6), đơn vị thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã từng bị cảnh cáo vì lý do thi công gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Thủy về vấn đề này.

Theo ông Thủy, thời gian làm đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng được tiến độ, liên tục đội vốn và mất an toàn lao động khiến người dân ái ngại về việc chọn tàu điện Trung Quốc cho tuyến đường này sẽ tiềm ẩn rủi ro.

Tuy nhiên, nếu nói chất lượng tàu điện Trung Quốc không tốt là không chính xác vì nền công nghiệp đường sắt của Trung Quốc có từ lâu đời, họ sản xuất được đầu máy điện, toa xe, các công trình đường sắt đều làm rất tốt.

Thậm chí, Trung Quốc còn làm được cả máy bay, làm được cả vệ tinh thì chuyện sản xuất được tàu đường sắt cao tốc cũng không có vấn đề gì.

“Rút kinh nghiệm từ việc chọn nhà thầu thi công đường sắt trên cao, có thể đánh giá cả phía bạn Trung Quốc và phía ta đều sai.

Sai là do ta chọn đối tác không tốt. Khi chọn, ta phải xem sản phẩm người ta đã từng làm ở đâu, làm ở nước nào, chất lượng ra sao, có đảm bảo không thì hãy chọn chứ không phải ký hợp đồng vu vơ với công ty nào đó mà họ làm ra các sản phẩm không theo ý mình.

Vốn ODA Trung Quốc cấp cho mình, trong hợp đồng ghi rõ phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật, phương tiện của họ sản xuất là đúng nhưng cũng không nên lo tàu điện Trung Quốc kém.

Nếu phải lo thì lo đối tác mình chọn có đúng hay không, sự ràng buộc của mình có chặt chẽ hay để họ dễ dàng lọt lưới, đưa tàu không tốt vào Việt Nam với giá quá cao”, ông Thủy nói.

Tai nạn ở tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khiến nhiều người lo ngại chất lượng tàu Trung Quốc

Tai nạn ở tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khiến nhiều người lo ngại chất lượng tàu Trung Quốc

TS Thủy cũng nhấn mạnh, dù dự án đội vốn lên hơn 250 triệu USD và đang đợi Ngân hàng Trung Quốc phê duyệt để được vay thêm nhưng việc chi thêm hơn 60 triệu USD để mua tàu thời điểm này là hoàn toàn hợp lý.

“Bên kia họ chế tạo tàu, bên này mình hoàn thành nốt tuyến đường sắt trên cao, thế nên chẳng có gì phải bàn trong việc có quyết định mua tàu lúc này hay không. Vì làm đường thì hiển nhiên phải mua tàu”, TS Thủy nói.

Cần giám định chất lượng trước khi đưa tàu về

TS Nguyễn Xuân Thủy khuyến cáo, trước khi quyết định mua 13 tàu điện Trung Quốc, người chọn phương án của Bộ Giao thông nên so sánh với các tàu trên thế giới, về ưu nhược điểm, công nghệ và giá cả có hợp lý hay không.

TS Nguyễn Xuân Thủy khuyến cáo về việc lựa chọn tàu điện Trung Quốc

TS Nguyễn Xuân Thủy khuyến cáo về việc lựa chọn tàu điện Trung Quốc

Thứ nhất, theo vị chuyên gia giao thông này, tàu phải đảm bảo kỹ thuật công nghệ tiên tiến thế giới.

Hiện nay đã có nhiều nước chế tạo, xuất khẩu tàu như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Nga, Đức, Pháp...

Các chuyên gia trong nước nên so sánh tàu mua của Trung Quốc với những nước này để xem thiết bị, vật liệu là gì, có đảm bảo chạy trên đường phố hay không.

Thứ hai, so sánh mỗi toa tàu cần đảm bảo thiết bị có độ bền cao, mỹ thuật đẹp, đảm bảo được các yếu tố tốc độ từ 80-90km/g trở lên, động cơ tốt, động cơ điện 60 - 90 kW trở lên, tuổi thọ động cơ tốt.

Bên cạnh đó, tàu điện trên cao có thể dùng loại 700V - 750V, chủ yếu là dòng điện 1 chiều.

Thứ ba, tăng độ kéo hệ thống an toàn, mỗi tàu có 3 loại hãm (phanh): hãm điện, hãm cơ, hãm từ tính để lập tức tàu dừng lại, tránh tai nạn. Tuổi thọ của tàu điện phải tốt, thường từ 20 năm trở lên.

Và cuối cùng, điều kiện trên tàu tiện nghi, mỗi toa chứa được ít nhất 100-200 người, trong giờ cao điểm có thể chở 200-300 người, năng suất vận tải cao, giải tỏa được vào những giờ cao điểm.

Tuy nhiên, TS Thủy cũng bày tỏ lo ngại: "Nhiều người lo tàu Trung Quốc không ra gì, chất lượng kém, nhanh hỏng, dễ gây tai nạn.

Tàu Trung Quốc nếu là cơ sở đóng tốt, có công nghệ tốt thì nó vẫn tốt so với các nước chứ không phải vật liệu, vật tư kém. Vấn đề ở đây là kinh doanh trên thương trường.

Việt Nam phải chọn chuyên gia giỏi, hiểu biết sâu về điện, tự động hóa, cơ điện, phải từng người một giám sát, kiểm định chất lượng rồi mới đưa tàu về.

Nên nhớ là hợp đồng phải ràng buộc chặt chẽ giữa hai bên, nếu tàu quá hư hỏng thì anh phải thay tàu khác cho tôi.

Tôi nhận viện trợ ODA của anh, tôi đảm bảo cho anh được đấu thầu, được cung cấp vật liệu, kỹ thuật nhưng đổi lại tàu anh bán cho tôi phải tốt, an toàn, nếu không thì tôi không cần ODA của anh nữa, không thể nhận ODA bằng mọi giá như thế.

Chúng tôi cần sự giúp đỡ của anh với việc giúp đỡ thực sự chứ không cần những thứ giúp đỡ rác rưởi”.

Sáng 9/6, trao đổi về đề nghị mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, việc này thực hiện theo điều kiện sử dụng vốn ODA.

Cụ thể, đối với các dự án sử dụng vốn ODA, nhà tài trợ vốn đồng thời là tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, cung cấp vật liệu và cũng là nhà thầu thi công.

Nguyên tắc này được áp dụng với mọi quốc gia dù là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc.

Vì vậy, việc mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng thực hiện theo điều kiện của hiệp định vay vốn.

Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.

Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Bộ môn CN&QL xây dựng, ĐHXD Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Đình Thám
Từ trước đến nay, không riêng gì các đoàn tàu, đã có rất nhiều thứ chúng ta bắt buộc phải mua của TQ mặc dù biết chất lượng của họ không phải loại 1, đó chính là tư tưởng con nhà nghèo ham của rẻ. Nghĩa là chúng ta đang chấp nhận với yêu cầu của mình hiện nay, thì đáp ứng được chấp nhận vì dự án đã đặt ra mục tiêu, đáp ứng được mục tiêu thì được chấp nhận, không thì không chấp nhận. Theo tôi, rất cần thuê một hội tư vấn để đánh giá khách quan, người đánh giá có trình độ, nếu đã không biết rõ thì phải có đơn vị hỗ trợ, bởi số tiền chúng ta bỏ ra không hề nhỏ, không nên để cuối cùng rẻ lại thành đắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại