Đến tận nhà giành khách, siêu thị vẫn... ế

Liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, tranh giành khách hàng,... dù đã dùng rất nhiều chiêu thức nhưng hiện nhiều siêu thị vẫn rơi vào tình trạng ế khách

Siêu thị mùa... ế

Ghi nhận của PV tại thị trường Hà Nội, mặc dù các cửa hàng, siêu thị đang đua nhau “tung” hàng loạt đợt giảm giá lớn về thời trang, đồ gia dụng… nhưng thỉnh thoảng mới có một khách tới hỏi, đa phần đều đang chung cảnh ngộ “ngồi chơi xơi nước”.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C cho rằng trong bối cảnh mọi gia đình phải loay hoay tính toán chi tiêu hàng ngày, thì bài toán “làm sao kéo người tiêu dùng đến siêu thị mua sắm” đang là thách thức với mọi hệ thống bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart, cũng không ngần ngại cho biết: “Hiện nay chỉ còn hy vọng vào việc bán được các mặt hàng thuộc nhu cầu thiết yếu hàng ngày”.

Ở các siêu thị, một số nhà cung cấp đã buộc phải ra khỏi quầy kệ khi lượng hàng bán không đạt đủ doanh số mà siêu thị yêu cầu. Các hệ thống Co.opmart, Big C, đều gia tăng nhãn hàng riêng hoặc nhãn hàng thời trang có giá “rẻ hơn thị trường” (tức các shop, cửa hàng bên ngoài) để mong kéo khách. Bà chủ hiệu giày dép MT (chuyên bán sỉ) chợ An Đông, cho biết: “Chuẩn bị vào hè là thời điểm bán các loại giày dép du lịch, nhưng năm nay không có siêu thị nào đặt hàng, mà cũng chưa thấy shop nào đến xem mẫu mới…!”

Lập luận rằng do trời nắng nóng, người tiêu dùng bỏ chợ vào siêu thị, cửa hàng mua sắm cho mát nay dường như không còn đúng, những nơi này dễ dàng quan sát thấy nhiều lúc cũng đìu hiu như chợ.

Hàng loạt siêu thị liên tục in tờ rơi, cho nhân viên gõ cửa tận từng nhà dân để thông báo khuyến mãi, giảm giá và mời người tiêu dùng đến mua hàng.

Đến tận nhà giành khách, siêu thị vẫn... ế - Ảnh 1
Các hình thức giảm giá, khuyến mãi lớn để thu hút người tiêu dùng.

Big C là siêu thị tung ra các chương trình khuyến mãi nhiều nhất, hướng vào chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như hoa quả, rau xanh, thịt, cá, dầu ăn, bánh kẹo, nước giải khát, áo quần... Lotte Mart cũng liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi. Mới đây nhất là từ 9/5 đến 25/5 có chương trình lễ hội trái cây, giả nhiệt mùa hè... với hàng trăm sản phẩm giảm giá.

Các siêu thị nhỏ cũng bắt nhập cuộc trong việc đến tận nhà giành giật khách hàng. Mới đây nhất, Ocaen Mart đã phát tờ rơi, giới thiệu về chương trình "tiện lợi hơn, tiết kiệm hơn" với với giảm giá và quà tặng. Coop Mart cũng có chương trình giảm giá tương tự với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu...

Nhiều gia đình trong các khu dân cư cho biết có ngày nhận tới 2-3 tập tờ rơi của các siêu thị phát đến tận tay với hàng trăm mặt hàng giảm giá, mời đến mua hàng.

Vì là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, nên họ đều xem kỹ giá công bố trong các tờ rơi, so sánh xem ở đâu rẻ nhất thì đến mua hàng.

Các siêu thị liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi lớn

Theo một số khách hàng nếu vào các chương trình khuyến mãi của siêu thị mua hàng tiết kiệm được từ 10-15% so với mua tại các cửa hàng nhỏ lẻ trong khu dân cư. Vì vậy không thể bỏ qua.

Kinh tế khó khăn, khách hàng thắt chặt chi tiêu, doanh số nhiều siêu thị giảm, bên cạnh đó ngày càng có thêm DN mới kinh doanh siêu thị, khiến cho cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn và các siêu thị phải chào giá đến tận từng gia đình để giành khách.

Hệ thống siêu thị vốn có nhiều lợi thế nên giá mua từ nhà sản xuất bao giờ cũng được ưu ái, chiết khấu cao nên luôn có điều kiện giảm giá cho khách hàng. Ngoài ra các siêu thị còn có chế độ ưu đãi cho khách hàng bằng thẻ giảm giá, thẻ VIP, thẻ khách hàng, được tích điểm sau các lần mua, mua nhiều sẽ được chiết khấu cao nên ngày càng hấp dẫn người mua hơn chợ và cửa hàng lẻ.

Đến tận nhà giành khách, siêu thị vẫn... ế - Ảnh 2
Tuy nhiên việc một số siêu thị lớn tồn tại việc bày bán hàng không đảm bảo chất lượng khiến khách hàng mất lòng tin và tẩy chay.

Chủ một cửa hàng bán đồ thực phẩm tại Thanh Xuân Bắc - Hà Nội cho biết, thời gian này khách hàng đến với các hàng giảm đi trông thấy, nguyên nhân do các siêu thị cạnh tranh quá mạnh.

Theo đó, giá nhiều mặt hàng như sữa, mỳ tôm... tại một số siêu thị rẻ hơn, trong khi các chương trình khuyễn mãi diễn ra liên tục. Hiện tại do kinh tế khó khăn thu nhập giảm, nhiều người tiêu dùng chỉ chờ đợi có khuyến mãi sẽ đi mua hàng, khi đến siêu thị thì mua luôn một thể. Không những thế khách hàng có thẻ của siêu thị mua nhiều còn được tích điểm, được chiết khấu cao nên các cửa hàng nhỏ lẻ giờ rất khó khăn trong việc giữ khách.

Thông thường các siêu thị thường lựa chọn những mặt hàng có lợi thế về giá, do mua nhiều hoặc khai thác được từ nguồn có giá rẻ để tung ra chương trình giảm giá. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng phần mềm quản lý hiện đại nên các nhà quản lý có thể cập nhật ngay được những mặt hàng nào đang bán tốt, đang tồn kho và giá cả các mặt hàng, lợi nhuận, qua đó có thể ra quyết định rất nhanh các chương trình giảm giá, khuyến mãi. Càng siêu thị lớn, thương hiệu ngoại, càng có nhiều chương trình liên tục.

Tuy nhiên, không chỉ có mặt tốt, nhiều siêu thị, kể cả những siêu thị lớn thương hiệu nổi tiếng vẫn đang tồn tại việc bán những mặt hàng không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng khiến khách hàng bức xúc, mất lòng tin và tẩy chay.

Ngay trong tháng 1/2014, khi đoàn liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất một số siêu thị đã phát hiện rau bán trong các siêu thị lớn tại Hà Nội không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể tại siêu thị Big C Thăng Long đã phát hiện 11 loại rau an toàn không có nhãn mác và không ghi xuất xứ hay nhà cung cấp. Tại các siêu thị nhỏ như Minh Hoa, Le's Mart, Citimart cũng cung cấp rau an toàn không có nguồn gốc.

Các mặt hàng hoa quả, luôn được gắn "mác ngoại" bày bán tại các siêu thị cũng "có vấn đề". Đơn cử như hàng loạt vụ bán thực phẩm bẩn đã được người tiêu dùng phát hiện như nho không rõ nguồn gốc được dán mác nho Ninh Thuận, táo Mỹ thối đen, xôi gà ôi thiu, hay vụ gà đồi Yên Thế giả, rau sạch Vân Nội ( Đông Anh) là rau thu gom tự do...

Tại nhiều nhiều siêu thị có tình trạng sản phẩm được gắn nhãn mác theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", hàng hóa vốn của một đơn vị sản xuất này nhưng lại được sang bao, đóng gói, gắn nhãn mác của siêu thị và không có hạn sử dụng, bán cá thối, rau trồng tại Hải Dương nhưng đóng gói ở Lâm Đồng...

Với cách làm mất uy tín như trên liệu việc đến tận nhà giành khách hàng có thuyết phục được khách hàng?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại