Đại gia Lê Thanh Thản và chuyện làm từ thiện (2)

Thanh Thảo |

(Soha.vn) - Ngoài việc suy tính cách để kiếm được thật nhiều tiền cho bản thân, ông Lê Thanh Thản còn là người luôn biết tri ân với nơi chôn nhau, cắt rốn, vùng đất đã sinh thành, dưỡng dục.

Nói đến doanh nhân thành đạt nhưng lại có tinh thần hướng thiện, luôn biết giúp đỡ những người khó khăn, gặp bất hạnh trong cuộc sống thì ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu là một tấm gương tiêu biểu. Bên cạnh việc kiếm tiền làm giàu cho bản thân, ông luôn biết tri ân với quê hương nơi ông chôn nhau, cắt rốn. Chứng kiến cuộc sống khốn khó của người dân quê mình, ông tự nhủ sẽ cố gắng làm được nhiều việc có ích cho quê hương.

1. Xây trường học cho trẻ

Khi nhìn lũ trẻ phải lội bộ đến trường trên những con đường xa lắc, ông Lê Thanh Thản đã quyết định xây trường học tại huyện Diễn Châu phục vụ mục tiêu khuyến học và từ thiện như một sự trả nghĩa với quê hương.

Trường THPT Tư thục Nguyễn Du với 20 phòng học khang trang, đầy đủ tiện nghi và các phòng chức năng như thư viện, phòng máy tính, xưởng thực hành đã giúp các thế hệ tương lai bớt nhọc nhằn hơn trong việc đi lại, điều kiện học tập tốt hơn trong khi mức đóng học phí lại thấp hơn rất nhiều so với các trường ngoài công lập. Trường được điều hành và giảng dạy bởi các nhà giáo giỏi, nhiệt tình.

Vì thế, ngay từ năm học đầu tiên, 2006 - 2007, trường đã thu hút được rất đông con em ở địa phương, trong đó có nhiều em thuộc diện gia đình nghèo và gia đình chính sách. Ông Thản còn xây 1 trường cấp 3, 1 trường cấp 1-2, 4 trường mẫu giáo, 1 trạm xá, 5 Km đường liên thôn, khôi phục đình làng...

Đại gia Lê Thanh Thản và chuyện làm từ thiện (2)
 

2. Xây bệnh viện tư nhân tại quê hương

Ngay ở quê Diễn Lâm, Diễn Châu (Nghệ An), ông Thản kể về việc xây bệnh viện 200 giường thật chẳng giống ai. Ngoài việc thương bà con ở miền quê bán sơn địa mỗi lần đi cấp cứu đường xa cách trở, cảnh bà con ốm đau phải phó thác sinh mạng cho những cơ sở khám chữa bệnh nghèo nàn, thiếu thốn… còn có một lý do khác.

Một lần về quê tắm biển bị sứa cắn, ông phải nhập bệnh viện huyện cấp cứu.  Nhờ hết lãnh đạo tỉnh can thiệp mà các bác sỹ ở đây vẫn thờ ơ, cuối cùng ông phải chi tiền lót tay để được cứu chữa kịp thời. Lúc đó, ông thầm nhủ, đến mình mà còn bị ứng xử thế này, người dân nghèo thì còn khổ nữa.

Bởi theo ông, người dân nghèo không chỉ cần được học tập mà còn cần được khám chữa bệnh đầy đủ. Với quyết tâm đó, sau gần 10 tháng xây dựng, tổng kinh phí đầu tư khoảng 68 tỷ đồng, ngày 28/5/2007, Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, quy mô được trang bị máy móc hiện đại cùng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ, luôn biết giữ gìn y đức, trong đó có các giáo sư, tiến sĩ đến từ Hà Nội, chính thức được khánh thành.

Đây là bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên ưu tiên phục vụ người nghèo với tổng diện tích 19.000 m2. Đặc biệt, bệnh viện còn tạo điều kiện thuận lợi cho 12 trạm y tế xã nghèo vùng phía Bắc huyện Diễn Châu có cơ hội biết thêm nhiều thông tin về y học, sớm phát hiện và phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm cho nhân dân.

Ngay sau khi khánh thành, Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn đã thực hiện “Tuần khám chữa bệnh dành cho người nghèo” kéo dài từ 28/5 - 3/6/2007 để phục vụ bà con địa phương và các vùng lân cận. Bệnh viện Phủ Diễn ra đời thu hút hết các bác sỹ, y tá của bệnh viện nhà nước kia (nơi ông từng cấp cứu) với phương châm sạch sẽ, viện phí rẻ và không vòi vĩnh bệnh nhân.

Đại gia Lê Thanh Thản và chuyện làm từ thiện (2)
 

3. Tạo công ăn việc làm cho người lao động

Ngoài ra, trang trại gần 70 ha của gia đình ông trên đất Diễn Lâm, còn tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động địa phương. Hàng chục con bò đang nuôi trong trang trại, ông cũng cho các hộ nghèo mượn 3 năm liên tục để chăn nuôi. Và vào mỗi dịp Tết, hàng tấn gạo lại được ông chở về quê để phát cho các hộ trong làng...

Chưa hết, bằng sự cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn, bất hạnh, ông Thản còn đóng góp vào các quỹ từ thiện - xã hội hàng tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi của thiếu nhi ở TP Điện Biên Phủ, Điện Biên; xây nhà tình nghĩa và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng… Ông cho xây một sở thú rộng 300 ha nằm nguyên trên một quả đồi (chủng loại thú có khi còn nhiều hơn Công viên Thủ Lệ Hà Nội, trong đó có nhiều động vật quý sinh nở như hổ trắng, gấu, tê giác…).

Tất cả những công trình ở quê hầu như phi lợi nhuận. Thậm chí, ông Thản còn phải cấp tiền thêm để hỗ trợ. Con cháu trong họ, trong quê được ông kéo đi làm khắp nước. Nhiều người cứ đùa rằng, tập nói tiếng Diễn Châu quê ông Thản sẽ dễ được nhận vào chuỗi khách sạn nằm rải rác từ Bắc vào Nam.

“Những năm đầu tôi đầu tư toàn bộ và bù lỗ tiền lương, chi phí. Những năm sau này bắt đầu có lời chút ít, tôi đặt ra định mức một năm trường học và bệnh viện phải trích tiền lời đó ra để làm từ thiện. Với người nghèo và gia đình chính sách đều có chính sách miễn giảm”, ông Thản kể.

“Tôi quan niệm làm thật, ăn thật, không có ý đánh bóng tên tuổi hay xây dựng thương hiệu kiểu thùng rỗng kêu to. Hoành tráng để làm gì, khi không có thực lực. Việc gọi tên tập đoàn này kia rồi đánh bóng tên tuổi không hợp với tôi”, ông cho biết.

(còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại