'Cải cách chưa đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp'

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong năm 2012 niềm tin của các doanh nghiệp giảm sút kéo theo chỉ số PCI giảm có một phần tác động lớn từ sự suy yếu của nền kinh tế và hơn thế chính là do vẫn đề cải cách chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên lề buổi lễ công bố chỉ số PCI được tổ chức vào sáng ngày 14/3 tại Hà Nội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Vũ Tiến Lộc đã có cuộc trao đổi ngắn với PV.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, sở dĩ trong năm 2012 niềm tin của các doanh nghiệp giảm sút kéo theo chỉ số PCI giảm có một phần tác động lớn từ sự suy yếu của nền kinh tế và hơn thế chính là do vẫn đề cải cách chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Khó khăn của nền kinh tế trong năm 2012 sẽ làm cho niềm tin của doanh nghiệp bị giảm sút. Điểm thứ hai cũng phải nói đó là Việt Nam đang bước vào giai đoạn thứ hai của cải cách và trong những năm qua, các địa phương đã làm rất tốt việc cải thiện ra nhập thị trường, giảm các thủ tục, nhũng nhiễu, chi phí trong kinh doanh… 

Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, cải cách đang đi vào chiều sâu hơn và đòi hỏi phải có những nỗ lực trong việc cải cách những thể chế quan trọng, đặc biệt trong tiếp cận đất đai, tạo nên những thiết chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng bộ máy điều hành, nguồn lao động… 

Tất cả những nỗ lực ở chiều sâu của thể chế như vậy đòi hỏi phải có thời gian và nỗ lực lớn hơn. Nhưng có lẽ, động lực của cải cách chưa đủ để chúng ta gia tốc hơn nữa trong việc cải cách thể thế và điều đó, chưa đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của doanh nghiệp. Điều này cũng dẫn đến việc chỉ số PCI năm 2012 giảm”, ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đánh giá về điểm đặc biệt nhất trong báo cáo PCI năm 2012 và lần đầu xảy ra trong 8 năm điều tra PCI, đó là không có bất cứ địa phương nào đạt điểm số rất tốt, ông Lộc cho rằng:“Điều đó cũng đúng là trong bối cảnh môi trường kinh doanh gia tăng nói chung, doanh nghiệp luôn luôn có cảm giác không hài lòng về chính quyền trong bối cảnh khó khăn. Thêm vào đó, cải cách đang đi vào chiều sâu và đi vào những lĩnh vực khó khăn hơn rất nhiều nhưng kỳ vọng của doanh nghiệp lại lớn hơn. 

Các địa phương ở top đầu họ đã thực hiện rất tốt trong những cải cách đơn giản nhưng đây là lúc các doanh nghiệp mong muốn họ có sự nỗ lực gia tốc và có những đột phá lớn hơn trong lĩnh vực cải cách thể chế. 

Nhưng các địa phương lại không đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp, ngay cả các địa phương đi đầu. Ở đây, dường như đang có một sự chững lại trong cải cách của địa phương”.

Về những dư địa lớn nhất trong cải cách ở một số địa phương đã phát triển so với mặt bằng chung, ông Lộc cho hay:“Theo tôi, những dư địa lớn nhất trong cải cách đó là những cải cách theo chiều sâu của chúng ta. Đó là những cải cách về thể chế pháp lý nhằm tạo nên những thiết chế nhằm bảo vệ doanh nghiệp tốt hơn hay là cải cách trong tiếp cận đất đai, bất động sản, cải cách trong việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực đáp ứng công cuộc phát triển sắp tới.

Tôi nghĩ rằng tiềm năng của con người và năng lực bộ máy là vô cùng lớn nhưng nếu có những biện pháp để phát huy những điều đó sẽ tạo ra dư địa rất tốt cho cải cách”.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, sau 8 năm tiến hành điều tra, giờ đây PCI dường như chỉ còn là những thước đo về mặt hình thức, ông Lộc khẳng định: “PCI sẽ ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp, nếu mà khi doanh nghiệp hài lòng với chính quyền, niềm tin vào môi trường kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Điều đó cho thấy rõ ràng, niềm tin, hài lòng của doanh nghiệp có vai trò rất quyết định tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ở đây, rõ ràng, chỉ số PCI có những tác dụng thực tế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ số PCI về sự hài lòng và niềm tin của doanh nghiệp cũng chỉ là một yếu tố trong quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Bởi nó còn liên quan đến các yếu tố khác về cơ sở hạ tầng, về điều kiện địa lý. PCI là một căn cứ để doanh nghiệp quyết định chứ không phải là tất cả. Nhưng rõ ràng đây là một căn cứ quan trọng”.

Cũng theo ông Lộc: “PCI phản ánh một xu thế với cải cách của các địa phương và nó cũng tạo ra một cuộc đua tranh rất lành mạnh cho các địa phương trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Thông qua, việc công bố chỉ số PCI hàng năm thì tất cả các địa phương đều có nỗ lực để cải thiện thông qua việc rà soát lại hệ thống thể chế của mình và học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác, đặc biệt là các địa phương điều hành tốt nhất. Từ đó tìm ra bài học tốt nhất để có thể áp dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương mình và tạo động lực để cải cách”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại