Kim Jong-un không chỉ biết xử tử, ông ấy còn biết làm kinh tế

Linh Nguyễn |

Trong suốt hàng chục năm qua, chưa một lần Triều Tiên hé lộ bất cứ thông tin hay số liệu gì về tình hình kinh tế đất nước.

Phải làm việc với nhiều ước tính và phỏng đoán, nhưng các chuyên gia có cùng quan điểm rằng trong những năm trở lại đây, Triều Tiên cho thấy tình hình kinh tế phát triển đáng ngạc nhiên.

Theo Guardian. các luồng ý kiến bi quan cũng cho rằng mức tăng trưởng hàng năm của Triều Tiên vào khoảng 1,5%, trong khi giới phân tích lạc quan ước tính con số này có thể đạt đến gần 4%.

Bất ngờ ở chỗ, theo Guardian, nguyên nhân quan trọng đứng sau số liệu nói trên chính là sự xuất hiện của nền kinh tế tư nhân. Mặc dù theo lý thuyết thì ở Triều Tiên, mọi hoạt động kinh doanh tư nhân đều trái phép, nhưng trên thực tế, điều luật này hiếm khi, thậm chí là chẳng bao giờ được chính phủ thực hiện triệt để. 

Nhờ đó, một bộ phận người dân Triều Tiên - những người có óc kinh doanh, nhiều mối quan hệ, may mắn và đôi khi cả tàn nhẫn - đã gây dựng nên kinh tế tư nhân từ con số 0. Kết quả là hiện nay, nhiều người Triều Tiên là chủ mỏ quặng tư nhân, công ty vận tải hoặc nhà máy lọc dầu trong nước.

Tất nhiên, những doanh nghiệp tư nhân đều phải đăng ký trên giấy tờ như tài sản quốc doanh. Nhưng bản chất thật của những cơ sở này là gì thì ai cũng biết. Theo ước tính, hiện nền kinh tế tư nhân góp khoảng 30 - 50% GDP của Triều Tiên.

Sự xuất hiện của tầng lớp thượng lưu, những ông chủ tư nhân, đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa đến những tầng lớp xã hội khác ở thủ đô Bình Nhưỡng và nhiều thành phố lớn. Họ chính là những vị khách trong các nhà hàng sang trọng mọc lên khắp nơi. 

Mặc dù mỗi bữa ăn nhà hàng có giá từ 15 đến 25 USD - xấp xỉ mức thu nhập 1- 2 tuần của một gia đình lao động, những nơi này luôn tấp nập khách. Nhờ vào nguồn thu nhập phát sinh từ công ăn việc làm do các chủ doanh nghiệp cung cấp, ngày càng có nhiều gia đình Triều Tiên được ăn thịt vào cuối tuần và có cháo không độn trong bữa ăn hàng ngày.

Nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Jim Rogers, người đồng sáng lập Quỹ Quantum với Georges Soros thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng đầu tư vào Triều Tiên. Ông cũng đưa ra những dự đoán rất khả quan về tiềm năng phát triển của nền kinh tế "đóng cửa" này. 

Trả lời The Wall Street Journal, Rogers khẳng định "nếu có thể đổ hết tài sản vào Triều Tiên thì tôi cũng làm," và cho rằng Triều Tiên đang nằm ở tình trạng "giống Trung Quốc hồi năm 1980."

Rogers nhận xét: "Trong lịch sử, khi một đất nước rơi xuống mức tồi tệ và rồi bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề, đó là điểm khởi đầu của quá trình hồi phục."

Khác biệt trong chính sách 

Những thay đổi trên đã có từ thời Kim Jong-il vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng ngài chủ tịch khi đó lại tỏ ra khá lúng túng trong cách quản lý mô hình kinh tế mới. Đôi khi ông cho đàn áp nhỏ lẻ, còn lại thì luôn "cắn răng" chứng kiến nền kinh tế chuyển mình.

Người kế nghiệp Kim Jong-un đã hành động khác. Guardian cho rằng, nhà lãnh đạo trẻ tuổi luôn ngầm ủng hộ kinh tế thị trường. Thành tựu lớn nhất đến thời điểm hiện tại của ông là cải cách nông nghiệp đất nước, cho nông dân trồng trọt trên ruộng công và người dân sẽ được hưởng từ 30% đến 50% sản lượng thu hoạch.

Kết quả của những thay đổi này là vài năm gần đây, sản lượng nông nghiệp của Triều Tiên đều đạt mức kỷ lục so với chính họ trước kia, và thậm chí, đất nước này đã gần đến mức có thể tự túc lương thực.

Kim Jong-un không chỉ biết xử tử, ông ấy còn biết làm kinh tế - Ảnh 1.

Kim Jong-un thăm một vườn cây. Ảnh: KFAUSA

Về chính sách quản lý kinh tế, các học giả tại Học viện Mỹ-Hàn tại SAIS thuộc ĐH John Hopkins  (Mỹ) nhận xét rằng vẫn còn quá sớm để đoán biết được liệu quân đội và các nhóm lợi ích khác có phản đối việc nhường lại quyền lực kinh tế hay không.

Trong tương lai, có thể các doanh nghiệp nhà nước và có một phần vốn nhà nước sẽ xuất hiện và phát triển nhiều nhánh lớn của nền kinh tế. Những ngành nghề nhỏ hơn sẽ do một số cơ quan nhà nước các cấp và doanh nghiệp tư nhân tham gia.  Chính quyền sẽ thực hiện các mục tiêu kiềm chế tham nhũng và giảm thiểu hành vi mà nước này coi là ảnh hưởng xấu.

Những chuyển biến nêu trên sẽ không dẫn tới việc nới lỏng gọng kìm chính trị dưới thời Kim Jong-un. Thậm chí nhà lãnh đạo trẻ tuổi sẽ còn siết chặt áp chế hơn cả cha mình là Kim Jong-il, do nỗi sợ việc thả lỏng sẽ khiến người dân có thông tin về thế giới bên ngoài. 

Cố lãnh đạo Kim Jong-il không chấp nhận cải cách do ông hiểu quá rõ về mối đe dọa trên. Con trai ông đã có quyết định trái ngược, nhưng để nắm thật chắc toàn quyền trong tay, Kim Jong-un đã lựa chọn kết hợp tự do hóa kinh tế với xử tử công khai.

Điều này đã cho đương kim lãnh đạo Triều Tiên cơ hội thành công trong việc cải tổ đất nước mà không phải đối mặt với nguy cơ bị lật đổ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại