Khuyến khích dân làm giàu?

Nguyễn Hoàng Linh |

Đúng ra không nên để cái “tít” bài báo như thế này, bởi nó không có gì mới. Đã từ lâu, trong chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã khẳng định vấn đề này. Thậm chí, các đảng viên được quyền làm kinh tế tư nhân đã cả chục năm nay.

Vậy tại sao lại phải bàn tiếp về chuyện khuyến khích dân làm giàu, một chuyện mà như các cụ thường nói “xưa như trái đất”?

Chẳng là vừa rồi nghe tin, một startup Việt Nam có tên là Vntrip.vn đã thuyết phục thành công John Wu, nhà đầu tư kiêm giám đốc công nghệ của Alibaba gần 10 năm, rót vốn đầu tư 3 triệu USD.

Thời gian gần đây, cụm từ startup đã trở thành quen thuộc ở Việt Nam, đặc biệt với giới trẻ.

Theo khái niệm phổ thông, “startup” được hiểu là khởi nghiệp, là một tổ chức của con người được thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất. Vâng, “không chắc chắn nhất” mà ngay lập tức thu hút được đến 3 triệu USD đầu tư (!).

Một câu hỏi được đặt ra, có đúng là cách đây nhiều chục năm, chúng ta đã thực sự khuyến khích người dân làm giàu? Và nếu đúng, tại sao ở nhiều nước phát triển, cứ 15 - 20 người dân có 1 DN mà ở nước ta, sau vài chục năm khuyến khích dân làm giàu, bình quân gần 200 người dân mới có 1 DN?

Trở lại câu chuyện của Vntrip.vn, một nhóm tư nhân khởi nghiệp nhỏ bé tại Việt Nam, một startup du lịch với sản phẩm cốt lõi là đặt phòng khách sạn trực tuyến. Với lợi thế dựa trên công nghệ để phát triển và mở rộng, Vntrip.vn định hướng thị trường của mình là toàn cầu, bắt đầu bằng việc chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Đến nay, Vntrip.vn đã sở hữu hệ thống đặt phòng trực tuyến lớn nhất trên cả nước với mạng lưới hơn 6 nghìn khách sạn nội địa và gần 900 nghìn khách sạn quốc tế. Đây cũng là DN du lịch đầu tiên của Việt Nam triển khai đặt phòng khách sạn 100% trực tuyến trên cả website và ứng dụng di động.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, nhận xét: “Chúng ta cần nhớ lại bài học Nhật Bản, Hàn Quốc, suốt thời gian dài trọng dụng DN tư nhân nên chỉ khoảng 25 năm họ đã giàu có”.

Và ông đưa ra một ý tưởng rất đáng trân trọng: “Tôi cho rằng Việt Nam cần phát động một phong trào khởi nghiệp, đồng thời với nó là một chương trình quốc gia về phát triển DN với mục tiêu đến năm 2020, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu đất nước ít nhất có 5 triệu DN trong tương lai xa và 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020”.

Có lẽ phải đạt được những con số cụ thể ấy mới thực sự thể hiện việc khuyến khích người dân làm giàu của nước nhà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại