Không thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400, Mỹ gạ Ấn Độ mua Patroit, THAAD

Minh Thu |

Tờ Hindustan Times cho hay, Washington đã đề nghị New Delhi mua Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống tên lửa phòng không Patriot (PAC-3) thay vì tên lửa S-400 của Nga.

Theo Sputnik, nếu Ấn Độ quyết mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 , quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt chiểu theo Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA) nhằm ngăn chặn các quốc gia khác tiến hành đàm phán mua bán vũ khí với Nga, Triều Tiên và Iran.

Về phần mình, Moscow cho rằng đạo luật CAATSA của Mỹ là lời tuyên bố cho một “cuộc chiến thương mại toàn diện”.

Hồi tháng Chín năm ngoái, Mỹ đã lên tiếng đe dọa cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt với Ấn Độ vì tiến hành thương vụ mua bán S-400 với Nga và quá trình xem xét đã hết hạn vào đầu tháng Năm này.

Còn hồi tháng Ba, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Washington đang bàn thảo về “lựa chọn khác” cho New Delhi.

Mới đây, tờ Hindustan Times cho biết, Washington đã đề nghị New Delhi mua Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống tên lửa phòng không Patriot (PAC-3) thay thế cho thương vụ mua tên lửa S-400 của Nga.

S-400 hiện được xem là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới với khả năng phóng được 3 loại tên lửa khác nhau ở cả tầm ngắn cho tới cực xa. S-400 còn có thể tấn công nhiều loại mục tiêu như máy bay trinh sát, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

New Delhi đã ký kết thỏa thuận mua bán S-400 vào tháng 10/2018 theo bản hợp đồng trị giá 5,43 tỷ USD với Nga. Quá trình chuyển giao S-400 của Nga cho Ấn Độ sẽ được tiến hành vào tháng 10/2020 và tháng 4/2023.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ sở hữu S-400 khiến Pakistan không khỏi lo lắng. Pakistan, quốc gia đồng minh của Mỹ, cũng đã bày tỏ quan ngại khi cho rằng sự xuất hiện của S-400 có thể đe dọa thế ổn định chiến lược của khu vực.

Trên thực tế, Ấn Độ không phải là quốc gia đầu tiên mong muốn sở hữu S-400. Thương vụ mua bán S-400 cũng đã trở thành đề tài gây tranh cãi và sứt mẻ mối quan hệ giữa Washington và Ankara trong thời gian qua.

Cụ thể, trong hơn một năm qua, Mỹ đã tìm mọi cách thuyết phục quốc gia đồng minh trong khối NATO là Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hợp đồng mua S-400 của Nga có giá trị là 2,5 tỷ USD, cũng như đe dọa nếu Ankara không “nghe lời”, Washington sẽ cho dừng chuyển giao các chiến đấu cơ F-35.

Theo Mỹ, S-400 của Nga không thể tích hợp chiến đấu với các hệ thống vũ khí của NATO cũng như gây rủi ro cho hoạt động của F-35.

Điều đáng nói, Ankara cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích lời đe dọa của Mỹ và khẳng định thương vụ mua S-400 của Nga đã hoàn tất và không thể thay đổi.

“Khi Thổ Nhĩ Kỳ ký kết một thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ lời hứa. Chúng tôi đã ký kết thỏa thuận mua S-400 và chi trả một phần chi phí trong hợp đồng. Tôi cho rằng những lời phản đối và quan ngại như trên không thể làm thay đổi tình hình”, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh hồi tuần trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại