Không riêng Việt Nam, đến Mỹ cũng phải đau đầu với việc thu thuế dân bán hàng trên Facebook

Băng Tâm |

Nghe có vẻ phi lý nhưng đây lại là sự thật tại Mỹ. Nhiều bang của nền kinh tế số 1 thế giới này không thu thuế thu nhập với các cửa hàng online và người tiêu dùng có thể mua hàng mà không phải trả thêm thuế.

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Facebook đang làm thay đổi phương thức kinh doanh trên toàn cầu. Nhiều cửa hàng nhỏ nằm trong ngõ ngách lại có doanh số cao nhờ biết chạy quảng cáo Facebook trong khi những đại lý lớn lại ế dài vì tốn quá nhiều chi phí cho mặt bằng.

Đi kèm với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng loạt các ngành nghề như shipper, cho thuê nhà kho, thiết kế trang web... đang nở rộ nhằm đáp ứng xu thế kinh doanh mới thời công nghệ cao. Dẫu vậy, một vấn đề nảy sinh mà không nhiều người chú ý đến hiện nay, đó là thuế cho ngành kinh doanh online.

Một cửa hàng online hoặc buôn bán trực tuyến trên các trang mạng như Facebook thường không có chi nhánh thật và việc truy tra doanh thu của những doanh nghiệp hay cá nhân này là khá khó khăn.

Lấy Malaysia làm ví dụ, những cá nhân hay doanh nghiệp kinh doanh online, bất kể là qua website, sử dụng quảng cáo trực tuyến hay dùng các trang cá nhân như Facebook đều phải đóng thuế. Nếu lợi nhuận ròng của việc kinh doanh này vượt 34.000 RM/năm thì họ sẽ phải nộp thuế doanh nghiệp 19-24%.

Không riêng Việt Nam, đến Mỹ cũng phải đau đầu với việc thu thuế dân bán hàng trên Facebook - Ảnh 1.

Trong trường hợp dưới mức lợi nhuận trên thì chủ sở hữu có thể đóng theo mức thuế cá nhân dao động từ 0-28%. Tất cả tùy thuộc vào hồ sơ chủ kinh doanh đăng ký với cơ quan thuế cũng như quyết định của chính phủ Malaysia.

Tất nhiên, khoản thu nhập này chỉ được tính cho những mảng kinh doanh trên thị trường Malaysia hoặc có chi nhánh trên quốc gia này.

Mặc dù cả kinh doanh online lẫn truyền thống đều phải tuân thủ theo luật thuế thu nhập ITA 1967 của Malaysia nhưng những cửa hàng online sẽ được khấu trừ các chi phí như tiền duy trì trang web, chi phí bảo dưỡng thiết bị và vận hành máy móc công nghệ, phí Internet, lương nhân công... vào doanh thu đánh thuế.

Đến Mỹ cũng phải đau đầu thu thuế kinh doanh online

Nếu Malaysia là quốc gia có quy định khá rõ về mức thuế cho các chủ kinh doanh online thì Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới lại gặp rắc rối về vấn đề này.

Nghe có vẻ phi lý nhưng đây lại là sự thật tại Mỹ. Nhiều bang của nền kinh tế số 1 thế giới này không thu thuế thu nhập với các cửa hàng online và người tiêu dùng có thể mua hàng mà không phải trả thêm thuế.

Thông tin này có thể khiến những chủ cửa hàng trực tuyến và người tiêu dùng vui sướng nhưng lại khiến chính quyền méo mặt khi họ phải dựa vào nguồn thu thuế để chi trả cho các khoản chi tiêu công.

Bên cạnh đó, chính việc quy định thu thuế khác nhau ở các bang của Mỹ khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương phải bối rối.

Thông thường, Tòa án tối cao của Mỹ hay phán quyết rằng các bang không được buộc những cửa hàng online nộp thuế nếu không chứng minh thấy họ có chi nhánh thật hoạt động ở bang đó.

Tuy nhiên, khái niệm “hoạt động” thường được các bang hiểu theo nghĩa khác nhau và đây là lý do người tiêu dùng ở bang này phải trả thuế trong khi bang khác lại không dù cùng đặt hàng qua các trang như Amazon.

Không riêng Việt Nam, đến Mỹ cũng phải đau đầu với việc thu thuế dân bán hàng trên Facebook - Ảnh 2.

Một số bang như Arkansas, California, Connecticut, Illinois, New York... đã từng thông qua luật “Amazon Tax”, qua đó thu thuế 6,25% đối với người tiêu dùng mua của những cửa hàng online bất chấp họ có đại lý hay thuê nhân viên tại những bang này hay không.

Luận điểm những bang này đưa ra là cho dù không có cửa hàng nhưng chắc chắn các website hay những trang mạng xã hội này phải bán hàng cho người tiêu dùng trong bang và như vậy thì buộc phải đóng thuế.

Công ty Amazon và một số nhà kinh doanh online khác như Overstock đã từng kiện Amazon Tax lên tòa án tại một số bang trên. Trong khi tòa án tại bang Illinois chấp nhận phủ quyết Amazon Tax thì chính quyền bang New York lại đưa vấn đề này lên tòa án tối cao để giải quyết.

Một vấn đề nữa khiến chính quyền Washington phải đau đầu là việc đóng thuế kinh doanh online tại Mỹ hiện nay vẫn còn rất phức tạp. Ví dụ như những cửa hàng kinh doanh trên Facebook sẽ đóng thuế qua dịch vụ Paypal trong khi các hộ kinh doanh trực tuyến khác lại không có chế tại hay quy định rõ ràng thu thuế qua đâu.

Điều này tạo nên một thực tại trớ trêu là người tiêu dùng phải đóng thuế mua hàng online ở New York nếu mua của các trang lớn như Amazon hay trên Facebook nhưng lại có thể chẳng phải nộp gì nếu mua qua các shop trực tuyến nhỏ khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại