Không phải S-400, sự hậu thuẫn cho “mối đe dọa” mới phá hủy quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Vũ Thu Hương |

Kể cả khi thương vụ S-400 được giải quyết, sự hỗ trợ của Mỹ cho PKK, lực lượng mà Ankara xem là mối đe dọa, sẽ tiếp tục làm hại mối quan hệ Washington-Ankara.

Theo Huriyetdailynews, chia sẻ với một quan chức Mỹ ở Washington tuần trước trong cuộc họp Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay:

Tôi khuyên bạn hãy mở website của Lầu Năm Góc và tìm ngân sách năm 2020 của Mỹ dành cho Iraq và Syria. Bạn sẽ thấy một gói ngân sách được đánh dấu để đầu tư cho chất nổ C4 sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố. Đừng chống khủng bố với chất nổ C4, hãy chỉ sử dụng C4 nếu bạn muốn khủng bố".

Giải thích rõ hơn vị quan chức cho biết: "Đảng Công nhân người Kurd (PKK) truyền đến người Mỹ thông điệp rằng "Chúng tôi đã chiến đấu chống khủng bố IS, chúng tôi đã mất nhiều người lính trong cuộc chiến này vì thế hãy trao cho chúng tôi điều mà chúng tôi muốn".

Năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho lính Mỹ đi qua lãnh thổ của Ankara để tấn công vào Iraq và điều này được xem là động thái trả đũa cho việc ủng hộ của Mỹ với người Kurd.

Sự chối từ của Ankara đã để lại một khoảng trống sâu trong quá trình xây dựng quân đội Mỹ, và chắc hẳn Mỹ sẽ không thể cho qua.

"Quân đội Mỹ luôn khẳng định "bất công cho chúng tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều này". Nhưng "Mỹ cần phải quên điều đó đi", Chủ tịch ủy ban thương mại Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ Mehmet Ali Yalgindag cho biết.

Sự hỗ trợ hiện tại của Mỹ với lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria khiến Ankara không hài lòng. Sự hỗ trợ này được xem là sự hậu thuẫn trực tiếp với PKK, một tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Ankara cho rằng YPG là một cánh của PKK ở Syria.

Điều này để lại một vết thương sâu cho Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Washington hỗ trợ quân sự cho PKK càng đẩy sâu thêm những nghi ngờ hàng thập kỷ qua từ Ankara về ý định của Mỹ trong mối quan hệ với những nhóm người Kurd khác nhau trong khu vực kể từ chiến tranh vùng Vịnh.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cũng nghi ngờ rằng Mỹ có nhiều hoạt động chống lại chính quyền đảng Công lý và phát triển (AKP) và cũng là chống lại Ankara.

Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng so với mối quan hệ thân thiết với Nga, Ankara có ít sự lựa chọn hơn khi gắn bó với Mỹ.

Và Ankara đã quyết mua hệ thống phòng thủ chống đạn đạo S-400 của Nga.

Trước cuộc gặp của Bộ trưởng tài chính và ngân khố Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak với Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước, thương vụ S-400 đã được nhắc đến nhiều.

Các quan chức của cả hai bên, ngoại trừ lãnh đạo tối cao của Ankara, đều cảnh báo về mua S-400 có thể phá hủy mối quan hệ giữa hai nước và thậm chí nền kinh tế Ankara sẽ không thể chống đỡ nổi.

Tổng kim ngạch thương mại Ankara và Washington lên tới 75 tỉ USD và dự kiến hai nước còn nâng kim ngạch thương mại tăng thêm 20 tỉ USD nữa.

Điều này chỉ ra rằng có thể kim ngạch thương mại hai nước tăng liên quan đến việc Ankara mua vũ khí từ các công ty quân sự hoặc hàng không Mỹ.

Dẫu vậy, kể cả khi thương vụ S-400 được giải quyết, sự hỗ trợ của Mỹ cho PKK, lực lượng mà Ankara xem là mối đe dọa, sẽ tiếp tục làm hại mối quan hệ Washington-Ankara. Thêm nữa, sự thiếu tin tưởng trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Mỹ sẽ tiếp tục làm nảy sinh những vấn đề mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại