Khoản tiền tiết kiệm kỳ lạ của nhóm Trần Ngọc Bích và trần lãi suất: Chuyện bình thường từ điều bất thường

Nếu chỉ là những khoản tiền gửi tiết kiệm bình thường, nhóm Trần Ngọc Bích đã không gặp phải rắc rối trong đại án Phạm Công Danh. Thế nhưng, họ sẽ không phải gửi, thế chấp sổ tiết kiệm để cho vay tiếp với đường đi lắt léo nếu không có quy định về trần lãi suất.

Theo dõi phiên toàn xét xử Phạm Công Danh và các đồng phạm, những người làm ngành ngân hàng có thể dễ dàng nhận thấy: Trần Ngọc Bích và những người gửi tiền tiết kiệm có liên quan ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB) có những yếu tố không bình thường.

Đầu tiên, đó là những cá nhân nhưng lại gửi vào ngân hàng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi người – số tiền cực khủng mà cả những công ty lớn ở Việt Nam cũng phải mơ ước (tổng số tiền tiết kiệm bị mắc kẹt trong vụ án lên tới 5.490 tỷ đồng).

Chưa hết, trong số người gửi tiền đó, có cá nhân là nhân viên của ông Trần Quý Thanh tại Công ty Tân Hiệp Phát được cho mượn tới 300 tỷ đồng với lãi suất là 0%.

Thế nhưng, nhìn ở góc độ đầu tư tài chính và trong bối cảnh có quy định về trần lãi suất thì đó lại là chuyện bình thường.

Giai đoạn mà nhóm Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB, việc trả lãi suất vượt trần cho khách hàng để huy động vốn là điều “bí mật” mà ai cũng biết.

Thời điểm đó, việc trả lãi trước cho khoản tiền lĩnh lãi cuối kỳ, gửi tiết kiệm nhưng thông qua việc mua trái phiếu của một đơn vị khác… là những thủ thuật đơn giản nhất của việc lách trần.

Đối với người gửi tiền, họ cần tối đa hóa lợi ích cho khoản đầu tư của mình và trong chừng mực pháp luật không cấm, họ muốn gửi tiền ở nơi có lãi suất cao. Ở phía bên kia, các nhà băng sẵn sàng đưa ra lợi tức đủ hấp dẫn cho khách hàng với nhiều cách khác nhau.

Nếu coi trần lãi suất là đèn đỏ thì tín hiệu giao thông này dường như không có chút hiệu lực nào. Các ngân hàng đều tìm cách vượt đèn đỏ một cách tự nhiên không bởi họ muốn vi phạm luật pháp mà vì hiện thực của cuộc sống không cho phép họ đứng yên.

Thực tế, công an sẽ tuýt còi với người vượt đèn đỏ nếu như chỉ có một vài người vi phạm và đa số tuân thủ.

Còn nếu hàng nghìn người vẫn vượt ào ào mà không do dự gì thì chắc hẳn cơ chế hoạt động của đèn đỏ đang có vấn đề. Phải chăng đèn đỏ đã bật suốt mà không có tín hiệu xanh bao giờ nên người đi đường không thể đợi được nữa?

Ở đây, người ta thường nói là các ngân hàng làm sai luật khi vi phạm quy định về trần lãi suất, nhưng có ai tự hỏi là luật sai không?

Cũng vì thế, việc bình thường về mặt nguyên lý đầu tư và nguyên tắc của thị trường lại làm phát sinh các biến tướng khó hiểm soát.

Trước khi có vụ việc cá nhân gửi tiền tiết kiệm với khối lượng lên tới hàng nghìn tỷ đồng vào ngân hàng ở đại án Phạm Công Danh, việc tương tự đã xảy ra ở vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Nhiều ngân hàng cũng ủy thác đầu tư qua nhân viên của mình để gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank; nhưng khi có sự cố xảy ra, các khoản tiền này gặp rắc rối. Hệ quả này có nguyên nhân quan trọng từ việc trần lãi suất huy động là một cơ chế không còn phù hợp nữa nhưng vẫn tồn tại.

Nếu như trần lãi suất được bãi bỏ, các nhà băng được quyền quyết định mức lãi suất cho người gửi tiền (cả cá nhân và tổ chức) thì những biến tướng để đầu tư tài chính của nhiều ngân hàng ở vụ Huỳnh Thị Huyền Như đã không xảy ra.

Và khi đó, ở đại án Phạm Công Danh, việc nhóm Trần Ngọc Bích (những cá nhân) gửi tiền, thế chấp sổ tiết kiệm rồi cho vay lòng vòng cũng sẽ không tồn tại.

Và tất nhiên, sẽ không còn chuyện ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cho nhân viên của mình vay 300 tỷ đồng với lãi suất 0% nữa. Khi lãi suất thực được công khai, rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều.

Ở đây, vấn đề là quy định cần thay đổi cho phù hợp với thực tiễn chứ không nên đánh đố thị trường và để các ngân hàng, người gửi tiền bị rơi vào bẫy việt vị trong khi phải cố xoay sở với chiếc đèn đỏ bật không ngừng nghỉ.

Nếu như e ngại việc các nhà băng chạy đua huy động lãi suất quá mức thì Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng những biện pháp khác (mềm dẻo và mang tính thị trường hơn) chứ không nên dùng một công cụ đã lỗi thời và không có tác dụng trên thực tế.

Nhóm Trần Ngọc Bích cho vay nặng lãi?

Trong phần trả lời của mình, bị cáo Mai Hữu Khương có đề nghị toà xem xét hành vị cho vay nặng lãi của nhóm Trần Ngọc Bích.

Tuy nhiên, theo cả những con số cao nhất về mức lãi phải trả cho nhóm Trần Ngọc Bích được Phạm Công Danh khai trong cáo trạng (số liệu chưa được xác minh là đúng) thì lãi suất theo năm khoảng hơn 50%/năm (giả định cao nhất là mỗi tháng đều đặn trả thêm 4%).

Trong khi đó, theo điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, chỉ chế tài những trường hợp cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại