Khoa học đã giải mã được bí ẩn cuồng sát của cặp "quái thú ăn thịt người" Tsavo năm 1898

Hoa Hướng Dương |

Bằng công nghệ hiện đại, các nhà khoa học đã giải đáp được câu hỏi: Tại sao 2 con sư tử đực lại điên cuồng tấn công nhiều người như vậy?

Câu chuyện 2 con sư tử đực Tsavo giết chết hơn 30 người năm 1898 vẫn còn là một bí ẩn cho tới tận ngày nay.

Quay về thời điểm năm 1898...

Khoa học đã giải mã được bí ẩn cuồng sát của cặp quái thú ăn thịt người Tsavo năm 1898 - Ảnh 1.

2 con sư tử đực không bờm điên cuồng tấn công con người. Ảnh minh họa: Internet.

Khi ấy, tại châu Phi, người Anh đang khai phá thuộc địa. Nhiều công nhân được huy động để làm cây cầu sắt qua sông Tsavo (Kenya). Họ dựng các khu lều tạm bợ bên cạnh công trường để ngủ nghỉ qua ngày.

Họ không ngờ rằng mình lại trở thành "con mồi" của 2 con sư tử Tsavo đực hung hãn đến điên cuồng.

Khoa học đã giải mã được bí ẩn cuồng sát của cặp quái thú ăn thịt người Tsavo năm 1898 - Ảnh 2.

Vị trí cầu Tsavo. Ảnh Internet.

Chúng tấn công vào khu lều vào ban đêm và giết hại nhiều công nhân trong vòng 9 tháng, một số hoảng loạn và sợ hãi đã phải bỏ công việc mà tháo chạy khỏi mảnh đất này.

Theo nhật ký của kỹ sư trưởng, trung tá John Patterson, người đã giết chết 2 con sư tử này, thì số nạn nhân của chúng là 28, theo các nhà khoa học thì con số này có thể là 31 người.

Tại sao 2 con sư tử Tsavo lại điên cuồng tấn công con người như vậy?

Hành vi bất thường khi liên tục tấn công vào con người là một điều khó hiểu mặc dù sư tử là loại động vật ăn thịt hung dữ. Nhiều nhà khoa học đã vào cuộc để tìm ra lý do phía sau sự cuồng sát.

Julian Kerbis Peterhas và Thomas Gnoske của bảo tàng Field ở Chicago (Mỹ) đã nghiên cứu các tư liệu lịch sử, hồ sơ của ủy ban thú săn cũng như phân tích sọ và da của loài sư tử ăn thịt người này.

Họ thấy rằng 2 con sử tử này có biểu hiện rối loạn hành vi bất thường.

Biểu hiện đưa ra lúc đó để giải thích hành vi của chúng là số lượng trâu rừng giảm mạnh thời kỳ đó (1891 - 1893). Ngoài ra, việc nhiều người băng qua vùng đất của chúng trong tình trạng đói khát, bị thương, thậm chí là chết vì kiệt sức đã kích thích sư tử ăn thịt người thay cho thịt trâu.

Khoa học đã giải mã được bí ẩn cuồng sát của cặp quái thú ăn thịt người Tsavo năm 1898 - Ảnh 3.

Phân tích răng cho thấy răng sâu khiến sư tử trở nên điên cuồng. Ảnh Bảo tàng Field.

Nhà nghiên cứu Bruce Patterson từ Viện bảo tảng Lịch sử Tự nhiên Chicago (Mỹ) gần đây đã tiến hành phân tích bộ xương của 2 con sư tử này và đưa ra một kết luận hoàn toàn bất ngờ.

Theo đó, chính những chiếc răng sâu mới là lý do khiến sư tử điên cuồng tấn công con người.

"Sư tử thường sử dụng hàm răng của chúng để tóm con mồi như ngựa vằn, trâu rừng và cắn chết chúng" ông nói. Thế nhưng, do răng của chúng bị sâu đã khiến chúng không thể săn mồi như bình thường.

Chúng phải chịu đựng cơn đói lẫn sự hành hạ của cái răng sâu, không may rằng con người là sinh vật yếu đuối dễ bị tấn công hơn trâu rừng hay ngựa vằn.

Kết quả, con người trở thành đối tượng con mồi mới với 2 con sư tử này như một giải pháp tối ưu cho tình trạng của chúng lúc bấy giờ.

Nhà nghiên cứu Larisa DeSantis tới từ khoa Môi trường và Trái Đất - Đại học Vanderbilt cũng cho hay đây không phải là trường hợp duy nhất động vật ăn thịt tấn công con người vì... răng sâu!

Khoa học đã giải mã được bí ẩn cuồng sát của cặp quái thú ăn thịt người Tsavo năm 1898 - Ảnh 4.

John Patterson, người đã bắn hạ 2 con sử tử bên cạnh 1 trong 2 con sư tử. Ảnh Internet.

Thực tế, trong lịch sử có những trường hợp tương tự như hổ cái Champawat sống ở khu vực gần dãy Himalaya, Nepal, sau đó nó chuyển sang sống ở Champawat, Ấn Độ.

Do bị thợ săn làm vỡ 2 răng nanh nên không thể săn mồi như bình thường, nó quay sang tấn công con mồi mới là con người và khiến cho 436 người thiệt mạng.

Tuy không bị gãy hay sâu răng, nhưng chú báo đốm đực Panar sống ở khu vực Kumaon, Ấn Độ vào đầu thế kỷ 20 cũng tấn công và ăn thịt 400 người vì bị con người bắn trọng thương nên không thể săn mồi.

Nguồn tham khảo: Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại