Khám phá đoàn tàu nguyên tử Nga khiến học thuyết chiến tranh Mỹ phá sản

Nguyễn Tiến |

Tổ hợp tên lửa đường sắt chống theo dõi được Nga phát triển trên cơ sở hệ thống vũ khí tương tự mà Liên Xô từng vận hành được đánh giá là phá sản học thuyết tấn công toàn cầu chớp nhoáng của Mỹ.

Trong Chiến tranh lạnh, việc chế tạo tổ hợp tên lửa đường sắt chống theo dõi (BZhRK) tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của Liên Xô. Còn ngày nay, những đoàn tàu tên lửa hạt nhân của Nga vẫn được đánh giá là hoàn toàn đủ khả năng vô hiệu hóa học thuyết tấn công toàn cầu chớp nhoáng - PGS mà Mỹ đang sử dụng.

Mỹ sử dụng khái niệm PSG để chỉ hành động tấn công bất cứ mục tiêu nào trên Trái đất với vũ khí thông thường kết hợp với tên lửa đạn đạo liên lục địa với đầu đạn hạt nhân trong vòng 1 tiếng đồng hồ, Igor Korotchenko, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga cho biết.

Khám phá đoàn tàu nguyên tử Nga khiến học thuyết chiến tranh Mỹ phá sản - Ảnh 1.

Đoàn tàu tên lửa RT-23 Molodets. (Ảnh: Công ty đường sắt Nga)

Ông Korotchenko nhấn mạnh, học thuyết này được hiểu là nhắm đến mục tiêu phá hủy bộ máy lãnh đạo quân sự và chính trị của một quốc gia, các trung tâm chỉ huy quân đội và các hầm ngầm chứa tên lửa chỉ bằng một lần tấn công với hỏa lực mạnh.

"Tuy nhiên, nếu người Mỹ không có tọa độ chính xác của tất cả các tên lửa hạt nhân của đối phương, thì học thuyết này vô tác dụng", chuyên gia này nhận định.

Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh NATO mở rộng nhanh chóng và Mỹ phát triển các loại vũ khí với độ chính xác cao, tổ hợp tên lửa đường sắt chống theo dõi Barguzin sẽ là con át chủ bài của Nga bởi hệ thống này mang tính cách là yếu tố khó lường.

Khám phá đoàn tàu nguyên tử Nga khiến học thuyết chiến tranh Mỹ phá sản - Ảnh 2.

Tên lửa RT-23 Molodets. (Ảnh: Peer Gynt)

"BZhRK là hệ thống tên lửa chiến lược đặt trên toa tàu hỏa bình thường, hoàn toàn không thể phân biệt được với một đoàn tàu hàng bình thường", Andrei Kots, cộng tác viên của Sputnik giải thích, những toa tàu này được trang bị với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), trung tâm chỉ huy, các thiết bị kỹ thuật và công nghệ, các thiết bị liên lạc và các sĩ quan tên lửa.

Kết hợp với tuyến đường sắt dài và rộng của Nga, cũng như số lượng các đoàn tàu đi dọc ngang đất nước này, các cơ quan tình báo nước ngoài gần như không bao giờ có thể phát hiện được vị trí của một đoàn tàu tên lửa Barguzin.

Trong trường hợp nguy cơ chiến tranh hạt nhân xảy ra, các đoàn tàu tên lửa Barguzin sẽ tuần tra và hòa lẫn vào các đoàn tàu thông thường khác. Khi nhận lệnh tấn công, đoàn tàu tên lửa sẽ dừng lại và chuẩn bị khai hỏa.

Khi đó, mái che của các toa tàu chứa tên lửa sẽ được thu vào, hệ thống bên trong sẽ nâng tên lửa lên vị trí thẳng đứng. Chỉ trong vòng vài phút, một loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ được phóng lên và nhắm thẳng vào vị trí của đối phương.

Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti vào tháng 7/2017, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang trong trạng thái sẵn sàng tuyệt đối để sản xuất các đoàn tàu tên lửa Barguzin cũng như tên lửa đạn đạo 100 tấn dành cho đoàn tàu này.

Khám phá đoàn tàu nguyên tử Nga khiến học thuyết chiến tranh Mỹ phá sản - Ảnh 4.

Tháo dỡ tên lửa RT-23 Molodets khỏi đoàn tàu hạt nhân. (Ảnh: CCO)

Trước đó vào tháng 11/2006, một loạt thử nghiệm tên lửa đạn đạo do Nga thực hiện tại Plesetsk Cosmodrome đã thành công, trong đó có sự tham gia của các tên lửa đạn đạo được thiết kế riêng cho dự án Barguzin.

Thông tin về hệ thống Barguzin chưa được công bố rộng rãi, song đến nay người ta được biết rằng hệ thống này có thể mang theo tới 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn RS-24 Yars với tầm bắn 12.000 km có khả năng mang theo từ 3 đến 6 khối tác chiến. Mỗi khối tác chến này có sức công phá lên đến 300 kiloton.

Ông Kots cũng nhắc lại, khoảng 30 năm về trước, Liên Xô cũng thử nghiệm thành công loại vũ khí chiến lược tương tự, đó là đoàn tàu tên lửa RT-23 Molodets được các quốc gia NATO đặt định danh là SS-24 Scalpel.

Khám phá đoàn tàu nguyên tử Nga khiến học thuyết chiến tranh Mỹ phá sản - Ảnh 5.

Tranh vẽ về đoàn tàu tên lửa RT-23 thời Liên Xô. (Ảnh: DIA)

Liên Xô có 3 sư đoàn tên lửa dẫn đường bao gồm 12 đoàn tàu với 36 bệ phóng. Sau khi Liên Xô tan rã, năm 1993, Nga đồng ý ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START II, trong đó có bao gồm việc cắt giảm tất cả các tên lửa RT-23.

Từ năm 2003 đến năm 2007, tất cả các tên lửa Molodets đều được hủy bỏ, trừ 2 tổ hợp được giữ lại trong bảo tàng. Ông Kots cho rằng dường như tại thời điểm đó, Nga đánh giá rằng không cần phải sử dụng loại vũ khí này nữa.

Thế nhưng, chỉ trong 1 thập kỷ trở lại đây, Nga lại phát triển tổ hợp tên lửa đường sắt chống theo dõi mới. Tháng 12/2013, các báo Nga đăng tải về sự hồi sinh của hệ thống này với các công nghệ mới, và dự án kể trên mang tên mã Barguzin, đây là tên của 1 con sông đổ vào hồ Baikal.

Mặc dù tầm bắn ngắn hơn so với RT-23, song tên lửa RS-24 Yars có trọng lượng nhẹ hơn một nửa do đó việc lắp đặt và vận chuyển loại tên lửa này trên toa tàu tiêu chuẩn dễ dàng hơn. Quan trọng hơn, tên lửa RS-24 Yars không bị hạn chế bởi hiệp ước START II.

Ông Kots cho biết thêm, "Rất có thể dự án Barguzin sẽ nhận tài trợ theo chương trình vũ khí của nhà nước trong giai đoạn 2018-2025".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại