Khách du lịch tiêu tiền Nhân dân tệ ở Việt Nam: Các bộ, ngành nói gì?

Lâm An |

Bộ Tài chính cho biết, cùng với sự nở rộ của "tour du lịch 0 đồng" xuất hiện tình trạng khách Trung Quốc ngang nhiên thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp, các ví điện tử như Alipay, Wechat Pay.

Liên quan đến việc chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép về Trung Quốc, trong văn bản chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao cho Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương kiểm soát ngăn chặn tình trạng này.

Bùng phát "tour du lịch 0 đồng"

Trong báo cáo mới đây, Bộ Tài chính cho biết, tại một số địa bàn du lịch trọng điểm như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang bùng phát hiện tượng các “tour du lịch 0 đồng” với nguồn khách chủ yếu là khách Trung Quốc. Về bản chất, các tour du lịch này không phải là khách hàng được đi du lịch miễn phí. Đây là một hình thức thu hút khách của các công ty lữ hành Trung Quốc.

Ban đầu, các công ty này đưa ra mức giá cho khách đi du lịch tại Việt Nam với chi phí rất thấp, thậm chí không thu tiền khách hàng. Sau đó, khi khách hàng tham gia tour du lịch tại Việt Nam, các công ty này sẽ khai thác lợi nhuận từ khách hàng bằng cách đưa khách vào sử dụng một chuỗi dịch vụ khép kín bao gồm: Ăn uống, lưu trú, tham quan, mua sắm.

Các địa điểm trên do chính các công ty lữ hành Trung Quốc lập nên hoặc chỉ định. Nổi cộm trong chuỗi dịch vụ này chính là hoạt động mua sắm tại các cơ sở bán hàng đã được chỉ định trước.

Theo Bộ Tài chính, các điểm mua sắm này thường do chủ người Trung Quốc điều hành, bán hàng nhưng lại thuê người Việt Nam đứng tên, đăng ký kinh doanh. Sau khi mua sản phẩm, khách hàng sẽ có hai phương thức nhận hàng. Đó là nhận tại chỗ, điều mà Bộ Tài chính nhận định là “chiếm tỷ trọng nhỏ”. Còn cách hai chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu, chính là nhận tại địa chỉ của khách hàng bên Trung Quốc.

“Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ khách hàng nhận phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Còn kinh tế Việt Nam thì có nguy cơ thất thu vì không "xuất khẩu" được hàng hóa, khách Trung Quốc lại mua chính hàng Trung Quốc trên đất Việt Nam”, Bộ Tài chính quan ngại.

Về phương thức thanh toán, Bộ Tài chính nêu rõ việc khách hàng thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp. Đó là sử dụng thẻ do ngân hàng Trung Quốc phát hành quẹt qua máy POS do ngân hàng Trung Quốc phát hành mà không cần đăng ký với ngân hàng Việt Nam. Hoặc thanh toán bằng cách sử dụng các ví điện tử như Alipay, Wechat Pay do các đối tượng Trung Quốc cung cấp cho du khách Trung Quốc.

“Đây là các thủ đoạn mới, tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng Việt Nam. Với các phương thức thanh toán này, các cơ quan quản lý của Việt Nam khó kiểm soát được dòng tiền, doanh thu bán hàng của các điểm bán hàng”, Bộ Tài chính đánh giá và cho rằng đây là vấn đề cần được kiểm soát nhưng còn nhiều khó khăn.

Sai phạm nghiêm trọng sẽ chuyển công an

Bộ Tài chính cho biết cơ quan thuế chưa có đầy đủ kịp thời thông tin về các công ty lữ hành, các cơ sở kinh doanh,... làm cơ sở dữ liệu. Điều đó gây khó khăn trong việc xác định được đầy đủ doanh thu của các cơ sở kinh doanh khi các chủ các cơ sở này cung cấp, chấp nhận các phương thức thanh toán bất hợp pháp và cố tình không khai báo.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới là sẽ xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành tại các địa bàn trọng điểm. Khi phát hiện các sai phạm về thuế là nghiêm trọng thì cần củng cố hồ sơ, chuyển công an xử lý theo quy định.

Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện chức năng phòng chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Đồng thời, tăng cường kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các trung tâm thương mại mua sắm, các cơ sở kinh doanh chuyên bán hàng hoá cho khách du lịch thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết giá và nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.

“Trong quá trình kiểm tra hàng hoá, nếu phát hiện hàng hoá trưng bàn bán cho du khách là hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi trên thị trường không có hoá đơn chứng minh đầu vào thì xử lý nghiêm minh theo quy định. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét, xử lý hình sự”, Bộ Công Thương cho biết.

Phía Bộ Công an lưu ý, cần tổ chức, đánh giá toàn diện về tình trạng “tour du lịch 0 đồng” trên phạm vi toàn quốc và các tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội (thất thu ngân sách, mất an ninh trật tự, áp lực quá tải đến cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường…”

Đối với các hành vi, thủ đoạn thanh toán, chuyển tiền mới (thanh toán qua POS, ví điện tử trái phép) cần sớm giao đơn vị chủ trì có đánh giá và đề xuất phương hướng giải quyết hiệu quả.

Bộ Công an kiến nghị cần rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động về du lịch lữ hành, đảm bảo đủ năng lực, uy tín và nghiêm túc chấp hành pháp luật, nhất là trong quá trình kí kết, hợp tác với các đối tác Trung Quốc, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại