Iran và Iraq bắt tay - thông điệp gửi tới Mỹ và đồng minh

Ngọc Thạch |

Dư luận khu vực cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Iraq “phá băng” quan hệ song phương và tạo những đột phá mới mang tính chiến lược

Một trong những sự kiện ngoại giao đáng chú ý ở khu vực Trung Đông là chuyến thăm Iraq của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Rouhani tới Iraq kể từ khi ông lên nắm quyền.

Chuyến thăm được nhận định sẽ tạo ra một bước ngoặt mới trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. Giới quan sát nhận định, “cái bắt tay” giữa hai quốc gia này còn là một thông điệp gửi tới Mỹ và các đồng minh trong khu vực về tầm ảnh hưởng của Iran tại đây.

Chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của ông Rouhani tới nước láng giềng Iraq kể từ khi làm Tổng thống năm 2013 đang được dư luận khu vực và quốc tế rất quan tâm. Các quan chức Iran gọi đây là chuyến thăm "lịch sử" để củng cố mối quan hệ giữa hai nước.

Đại sứ Iran tại Baghdad Erj Musjidi mô tả chuyến thăm của Tổng thống Rouhani là “bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước”. Trong khi đó, dư luận khu vực cho rằng đây chuyến thăm “phá băng” quan hệ song phương và tạo những đột phá mới mang tính chiến lược giữa Iran và Iraq.

Trong thời gian vừa qua, quan hệ Iran và Iraq đã được cải thiện rõ rệt trong các vấn đề chung giữa hai nước và khu vực. Chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Iraq lần này được đặc biệt chú ý bởi nó diễn ra trong bối cảnh Iran đang chịu sức ép mạnh mẽ từ Mỹ do các lệnh trừng phạt về kinh tế và khả năng kéo dài sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq mà Iran cho rằng đó là mối đe dọa lớn đối với nước này.

Iraq được coi là thị trường lớn của Iran và là cửa ngõ thương mại chiến lược với thế giới bên ngoài khi Mỹ áp đặt các gói trừng phạt kinh tế với Iran. Do đó, chuyến thăm của Tổng thống Iran tới Iraq có thể nói là thành công cho cả hai nước láng giềng vốn luôn có nhiều bất đồng, xung đột trước đó.

Với Iran, chuyến thăm rõ ràng nhằm mục đích làm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ, cố gắng đạt được lợi ích lớn hơn từ Iraq, đặc biệt là liên quan đến thương mại, tài chính, quân sự, cũng như tăng cường ảnh hưởng chính trị và kinh tế dọc theo một hành lang đã được kiểm soát từ Tehran đến khu vực địa Trung Hải qua Iraq, Syria và Lebanon.

Hợp tác Iran – Iraq tác động đến an ninh khu vực

Theo các quan chức cấp cao hai nước, dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai bên sẽ thảo luận về mối quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực. Một số thỏa thuận sẽ được ký kết để phát triển hợp tác giữa Iran và Iraq trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm dầu khí, thị thực, thương mại, giao thông, nông nghiệp, y tế, ngân hàng, công nghiệp, du lịch.

Trong số các thỏa thuận này sẽ có thỏa thuận hợp tác xây dựng tuyến đường sắt giữa các thành phố Khorramshahr của Iran và Basra của Iraq, cũng như thỏa thuận thành lập và phát triển các thành phố công nghiệp chung, thỏa thuận miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước. Hai bên kỳ vọng qua chuyến thăm này, trao đổi thương mại giữa hai nước sẽ đạt 20 tỷ USD hàng năm trong vài năm tới so với mức 13 tỷ USD hiện nay.

Nhiều khả năng, hai bên cũng sẽ bàn về tuyến đường thủy chiến lược Shatt al-Arab được gọi là Arvand Rud ở Iran để thúc đẩy thương mại. Bên cạnh đó, Iran có thể đưa ra một chương trình dài hạn và kế hoạch hợp tác chiến lược ít nhất là trong 25 năm tới giữa hai nước, cũng như đưa ra khuôn khổ để hiện thực hóa các mục tiêu và chiến lược này.

Với sự hợp tác này, chắc chắc mối quan hệ mới Iran – Iraq sẽ tác động mạnh mẽ tới nhiều vấn đề của khu vực và quốc tế như cuộc chiến ở Syria, khủng hoảng ở Lebanon, vấn đề người Kurd, cuộc chiến chống khủng bố, quan hệ với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ… Các cường quốc, nhất là Mỹ sẽ phải xem xét lại chính sách đối với cả Iran và Iraq khi hai nước này cùng bắt tay nhau.

Thông điệp gửi tới Mỹ và các đồng minh ở khu vực

Trên bình diện khu vực thì đây rõ ràng là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Trước hết, chuyến thăm cho thấy Iraq đã nghiêng về phía Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran dù chính phủ Iraq luôn tuyên bố rằng họ đang theo đuổi một chính sách cân bằng và không muốn được tính vào một quan điểm cụ thể.

Cựu Đại sứ Iran tại Iraq Hassan Kazemi Qomi cho biết, bất chấp áp lực của Mỹ muốn Iraq cắt đứt quan hệ với Iran, mối quan hệ giữa hai nước là chiến lược và chuyến đi của ông Rouhani nhằm củng cố và thể hiện rõ điều này.

Thứ hai, chuyến thăm sẽ giúp Iran giao thương với thế giới qua cửa ngõ dài 1.400km của Iraq như một thông điệp về sự thất bại trong chính sách gò ép Iran về kinh tế của Mỹ.

Thứ ba, theo các nhà phân tích chính trị chuyến thăm của ông Rouhani tới Iraq vào thời điểm này đặc biệt quan trọng và nó cho thấy vai trò và ảnh hưởng của Iran được tăng cường ở khu vực.

Thứ tư, chuyến thăm sẽ giảm bớt căng thẳng nội bộ Iran.

Thứ năm, củng cố quan hệ với Iraq, Iran có thể ví như “bạch tuộc thêm vòi” với sức mạnh quân sự có thể nhắm vào các đồng minh và căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông, cũng như khả năng đốt cháy một cuộc chiến ủy nhiệm ở nhiều nước Trung Đông để gây áp lực với My nhằm đe dọa sự hiện diện của nước này trong khu vực và lợi ích chiến lược của nước này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại