Mỹ - Triều chặng đường

chặng đường ta đã qua

Khi đặt bước chân lịch sử lên lãnh thổ Hàn Quốc ngày 27/4/2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã xúc động nói: “Đường phân giới rất dễ bước qua, mà ta lại mất đến 11 năm”. Để chứng kiến 1 bước chân nhỏ bé đó, người dân hai bên đường phân giới đã phải chờ đợi rất lâu, trong đau thương và thù hận. Nhưng kể từ sau bước chân của ông Kim Jong-un, những người anh em hai miền Triều Tiên, cùng các đối tác lớn Mỹ, Trung Quốc... đã tiến rất nhanh, rất dài. Cuộc gặp tại Hà Nội vào hôm nay của hai ông Kim Jong-un và Donald Trump là cột mốc mới sau hành trình 40.028 km (*) và 422 ngày về phía hòa bình.

Bấm vào đây để bắt đầu hành trình

(*): Quãng đường được ước lượng bằng khoảng cách từ các địa điểm diễn ra các sự kiện trong bài viết và chỉ có tính biểu tượng.

Tín hiệu đầu tiên

Quý độc giả vui lòng cuộn chuột (scroll down)
để đọc tiếp nội dung

0
km
Thông điệp Năm mới 2018 của ông Kim Jong-un

Thông điệp Năm mới 2018 của ông Kim Jong-un

Nếu việc hòa giải hai miền Triều Tiên là một hành trình, thì Thông điệp này có thể coi là Cột mốc số 0. Khác với giọng điệu đe dọa những năm trước đó, Thông điệp năm mới 2018 của ông Kim Jong-un là một tuyên bố đầy tích cực: “Olympic mùa Đông sắp tới tại Hàn Quốc là cơ hội tốt để nước này nâng cao vị thế. Chúng tôi chân thành hy vọng Olympic sẽ thành công. Vì thế, chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước đi cần thiết, bao gồm việc cử phái đoàn tới đó.

Olympic mùa Đông Pyeongchang

Bước tiếp theo đi về phía nhau của hai miền Triều Tiên. Lần đầu tiên có một đội khúc côn cầu nữ gồm thành viên đến từ cả hai miền tham gia thi đấu dưới 1 mã quốc gia. Một số lãnh đạo cấp cao Triều Tiên và em gái ông Kim Jong-un xuất hiện trên khán đài. Một năm sau sự kiện này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng 3 cuộc thượng đỉnh liên Triều và 2 cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều đều là phép màu từ Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ nhất

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ nhất

"Hiện nay, tình hình bán đảo Triều Tiên diễn biến nhanh chóng, nhiều thay đổi quan trọng đã phát sinh. Cả về mặt tình và lý, tôi đều cần kịp thời trực tiếp thông báo tình hình với đồng chí Tập Cận Bình", ông Kim Jong-un phát biểu trong chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền.
Nếu nhìn lại gần 1 năm trước đó, Triều Tiên còn gọi Trung Quốc là “kẻ phản bội”, thì tuyên bố này là một bước ngoặt trong quan hệ với đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng.

Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất

Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất

Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, diễn ra trong một ngày đầy nắng vào cuối tháng 4/2018 đi vào lịch sử với Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Ông Kim Jong-un đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên bước qua đường ranh giới quân sự sang lãnh thổ của Hàn Quốc và nói với người đồng cấp bên kia những lời có cánh “Đường phân giới rất dễ bước qua, mà ta lại mất đến 11 năm”.

My Trieu Tien

Rất nhiều cái bắt tay, những nụ cười và cái ôm thật chặt của hai ông Kim - Moon. Đáp lại phát biểu đậm chất “ngôn tình” của lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc cũng có những lời mật ngọt “Chúng ta có hẳn 1 ngày để hội đàm, những điều chưa thể nói trong 11 năm qua, hôm nay sẽ cùng nhau chia sẻ hết”.

Khi sự kiện này diễn ra, Hàn Quốc và Triều Tiên trong thực tế vẫn đang ở trong trạng thái chiến tranh. Dù chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt từ năm 1953, nhưng hai bên vẫn chưa kí kết hiệp định hòa bình mà mới chỉ có thỏa thuận đình chiến. Bởi vậy nên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi quyết định dũng cảm và táo bạo của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Sự kiện này được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá là Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu (Trải qua cơn sóng gió, tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù).

Nội dung các cuộc hội đàm của hai ông Kim-Moon chủ yếu xoay quanh 3 vấn đề chính: Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ giữa hai miền và tìm cách xác lập hòa bình chính thức. Các vấn đề này đã được chốt lại trong văn kiện lịch sử mang tên Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bản đảo Triều Tiên, trong đó nêu rõ: Hai lãnh đạo chính thức tuyên bố rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và một thời đại hòa bình mới đã bắt đầu.

Trước khi hai ông Kim-Moon ngồi vào bàn đàm phán, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ-Triều đã trải qua nhiều thăng trầm liên quan đến vấn đề thử nghiệm hạt nhân. Do đó, sự kiện này cũng được cho là thông điệp trực tiếp gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, thể hiện quyết tâm của ông Kim Jong-un về 3 vấn đề được thảo luận trong hội đàm

Ông Mintaro Oba, chuyên gia về Triều Tiên nhận định: Thượng đỉnh liên Triều tháng 4/2018 giống như nước cờ đầu tiên. Cách bạn chơi sẽ xác lập những nước cờ sau đó. Vì thế ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh liên Triều cơ bản nằm ở không khí mà nó tạo ra và kỳ vọng nào mà nó mang lại trước bước đi kế tiếp - cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim.

Và đúng như nhận định của ông Oba, gần 2 tháng sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử, hai lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên gặp mặt nhau.


Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ hai

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ hai

Đại Liên, Liêu Ninh - chứ không phải Bắc Kinh - là địa điểm cuộc gặp mặt thứ hai (trong hai ngày 7-8/5/2018) giữa hai nhà lãnh Trung-Triều. Khác với chuyến thăm đầu tiên, ông Kim Jong- un đã đến bằng máy bay và lưu lại một đêm ở Đại Liên. Nikkei đánh giá, cuộc hội đàm này là phương thức cứng rắn giúp Trung Quốc - đóng vai trò là lá chắn của Triều Tiên chứng tỏ vai trò của mình trước Mỹ trong cục diện bán đảo liên Triều.

Thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai

Thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai

Sự kiện này được tổ chức trong tình huống khẩn cấp do Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp dự kiến vào tháng 6/2018 với ông Kim.
Sau cuộc gặp kéo dài 2 tiếng trên lãnh thổ Triều Tiên, ông Moon Jae-in đã trở về cùng một thông điệp rõ ràng: "Không có bất cứ nghi ngờ nào về việc ông Kim Jong-un sẵn sàng phi hạt nhân hóa bán đảo. Nhưng nếu điều đó xảy ra, ông Kim muốn đảm bảo rằng Mỹ sẽ tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên".

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất

9h sáng 12/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trên đoạn đường ngắn tới thư viện sau cái bắt tay lịch sử, ông Kim Jong-un đã nói với ông Trump rằng: Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ đây là một dạng viễn tưởng... từ một bộ phim khoa học viễn tưởng. Đúng là một bước đi “viễn tưởng” khi mà hai đối thủ từng gọi nhau là “người tên lửa” và “gã khọm” lại có thể sánh bước bàn về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.


Cả thế giới đã chứng kiến cái bắt tay lịch sử kéo dài 12 giây giữa lãnh đạo Mỹ-Triều ở Singapore. Với mục tiêu chung "hướng tới phi hạt nhân hóa", cả ông Trump và Kim đều thể hiện phong thái ngoại giao tự tin, cởi mở trước truyền thông. Cái bắt tay kéo dài 12 giây giữa hai nhà lãnh đạo là kết tinh của nỗ lực hàn gắn dài hơi không chỉ từ phía Mỹ - Triều Tiên, mà còn của cả Hàn Quốc, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.

Khoảng thời gian sát kì thượng đỉnh là những ngày nhiều sóng gió nhất. Ngày 24/5/2018, trong bức thư gửi ông Kim, ông Trump bất ngờ tuyên bố "đây là thời điểm không thích hợp để tổ chức cuộc gặp vốn đã được dự định từ lâu". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ sau đó vẫn nói: "Nếu ông Kim Jong-un thay đổi ý định về những điều quan trọng nhất trong thượng đỉnh, đừng ngần ngại gọi hoặc gửi thư cho tôi".

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã gấp rút gặp nhau. Ngay trước cuộc gặp đó 1 ngày, ông Trump tuyên bố kì thượng đỉnh sẽ tiếp tục tổ chức bởi ông đã nhận được "một thông điệp rất tuyệt vời" từ Triều Tiên và các cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn như dự định.

Đặc phái viên Triều Tiên Kim Yong Chol gặp ông Pompeo vào ngày 30/5 và gặp ông Trump vào ngày 1/6. Trong cuộc gặp, ông Kim Yong Chol đã gửi một lá thư đặc biệt từ ông Kim Jong-un cho ông Trump. Tổng thống Mỹ sau đó nói với các phóng viên rằng bức thư "rất tuyệt vời và thú vị".

Trên đoạn đường dạo bộ riêng ở Singapore, hai nhà lãnh đạo đều không nhờ tới phiên dịch viên mà trực tiếp đối thoại với nhau. Không ai nắm được nội dung cuộc đối thoại, tuy nhiên có thể thấy ông Trump và ông Kim đều khá thoải mái.

Kết thúc cuộc dạo bộ, ông Trump cũng thể hiện sự thân thiện khi mời ông Kim Jong-un tham quan nội thất chiếc xe "Quái Thú" của tổng thống Mỹ.

Bản Tuyên bố 4 điểm sau hội đàm chủ yếu xoay quanh việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều, tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm và cam kết giải quyết các vấn đề về hài cốt lính Mỹ và tù binh chiến tranh. Các chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thành công khi tránh được việc đưa khái niệm Phi hạt nhân hóa Hoàn toàn, Có thể kiểm chứng và Không thể đảo ngược (CVID) vào văn bản này.


Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ ba

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ ba

Hiện nay, hai nước Trung-Triều thân thiết, gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau như người một nhà, đồng chí Tổng bí thư Tập Cận Bình đã dành cho chúng tôi [Triều Tiên] sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình, sâu sắc, ông Kim Jong-un phát biểu trong chuyến thăm ngày 19/6/2018, đúng 1 tuần sau khi Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, được đánh giá là chuyến đi “báo cáo” cho Bắc Kinh kết quả hội đàm Kim-Trump.
Đây là chuyến thăm chính thức, công khai lần đầu tiên của ông Kim Jong-un đến Trung Quốc, thay vì được diễn ra một cách bí mật như hai lần trước đó.

Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba

Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba

Dù không gây ấn tượng sâu sắc như cuộc gặp đầu tiên và thứ hai của hai ông Kim – Moon, nhưng cuộc gặp kéo dài 3 ngày 18-20/9/2018 cũng là một bước đi đáng kể về phía hòa bình của hai miền. Tuyên bố chung Bình Nhưỡng ra đời trong sự kiện này được Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá cao. Đây được coi là sự kiện tạo đà cho thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sắp diễn ra ở Hà Nội.

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ tư

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc lần thứ tư

Ngày 7/1/2019, ông Kim Jong-un, trong trang phục màu đen, gợi nhớ đến hình ảnh Kim Nhật Thành, bắt tay quan chức nước này trước khi lên tàu sang Bắc Kinh. Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên cho thấy, ông muốn gửi thông điệp quan trọng tới Bắc Kinh: Triều Tiên - Trung Quốc tiếp tục là đồng minh thân thiết như thời ông nội mình. Trong chuyến thăm, một động thái ấn tượng được ghi nhận: Ông Kim 6 lần cảm ơn ông Tập Cận Bình về sự tiếp đón thịnh tình. Giới phân tích cũng nhận định, chuyến thăm này nhằm chứng tỏ cho Mỹ thấy, quan hệ Bình Nhưỡng- Bắc Kinh thân thiết hơn quan hệ của Bình Nhưỡng với Washington hoặc Seoul; qua đó gây áp lực, buộc Mỹ nhượng bộ trên bàn đàm phán sắp tới.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

Việc lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh được cho là cách ông Trump khéo léo truyền tải thông điệp tới Triều Tiên rằng các quốc gia từng đối đầu cũng có thể trở thành bạn hữu, rằng kinh tế Việt Nam đã chuyển mình ra sao sau khi mở cửa và hội nhập, và Triều Tiên cũng có thể đạt được điều đó thay vì phát triển vũ khí hạt nhân... Dư luận kỳ vọng hai bên sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội về chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

422 ngày 40.028 km

tiến tới hòa bình

footer

trí thức trẻ |28/2/2019

Nội dung: Ban Quốc tế
Thiết kế: Bạch Quả, Văn Mạnh
Ảnh: Reuters, Xinhuanews, Getty, Tiến Tuấn