• Theo thông lệ, Nhà Trắng sẽ được trang trí lại mỗi lần đổi chủ. Và rất nhiều chính sách, quan điểm của chính phủ cũ cũng sẽ được thay đổi. Nếu mỗi đồ vật dưới đây tượng trưng cho một chính sách, vấn đề có thể thay đổi khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng thì hãy thử hình dung, phòng Bầu dục, căn phòng tượng trưng cho quyền lực của nước Mỹ sẽ có diện mạo như thế nào sau ngày 20/1/2017.

  • Thực hiện: Ban quốc tế

    Thiết kế: Tuấn Dũng, Hoàng Nguyễn

    Theo Trí Thức Trẻ, Ngày 25/01/2017

Tập hồ sơ TPP

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại tự do được chờ đón sẽ kết nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đóng vai trò con bài kinh tế của Mỹ trong chiến lược xoay trục châu Á, có thể coi là "đứa con tinh thần" của Obama trong suốt nhiệm kì. Song dù đã rất cố gắng, Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ vẫn không thể đưa TPP vượt "ải" quốc hội.Và nay khi Nhà Trắng đổi chủ, người kế nhiệm Obama đã tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên ông nắm quyền.

Tập hồ sơ TPP - tài liệu được hình thành từ nỗ lực đàm phán nhiều năm của hàng loạt các đại diện quốc gia sẽ không có chỗ trong văn phòng của Tổng thống Trump. Mất đi nền kinh tế đầu tàu, tương lai của TPP cũng trở nên vô cùng bất định.

Vali hạt nhân

Tổng thống Obama đã nhiều lần bày tỏ quan ngại, thậm chí chỉ trích quan điểm của ông Trump trong vấn đề an ninh hạt nhân. Trong lĩnh vực này, quan điểm của hai người trái ngược nhau.

Obama có ý định chính thức hoá chính sách ngăn Mỹ tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, nhưng Trump tuyên bố ngược lại khi khẳng định Mỹ "phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân một cách mạnh mẽ". Những thông điệp của Trump làm dấy lên nghi ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân trong nhiệm kỳ của ông.Trong bối cảnh đó, tâm trạng của Obama khi bàn giao lại vali hạt nhân cho người kế nhiệm có lẽ không phải là điều khó đoán.

Búp bê Matryoshka

Mối quan hệ Nga - Mỹ hiện đang ở mức rất thấp, là hệ quả của một thời kỳ suy thoái kéo dài chưa từng có trong quan hệ song phương, bắt đầu từ năm 2008 với cuộc xung đột ở Nam Ossestia (Georgia) tới cuộc chiến chưa kết thúc ở Syria. Trong chiến lược quân sự quốc gia 2015, Mỹ không ngần ngại nêu tên Nga là mối đe dọa chính đối với an ninh của nước này. Các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Obama đưa ra vào những ngày cuối nhiệm kỳ sau khi cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ càng khiến tình hình căng thẳng.

Nhưng mọi chuyện có khả năng sẽ sớm thay đổi, khi ông Trump, vốn là người từng dành nhiều lời tốt đẹp cho Putin và công khai bày tỏ không đồng tình với quyết định trừng phạt Nga của Obama, vào Nhà Trắng.Tổng thống Trump đã tỏ ý có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt (và theo một số nguồn tin, thậm chí ông còn không đòi hỏi Nga phải đáp ứng bằng việc cắt giảm vũ khí hạt nhân). Từ phía bên kia, Putin, với khẩu khí mạnh mẽ như thường lệ, chỉ trích những kẻ mà ông cáo buộc là đã ngụy tạo hồ sơ bất lợi cho người đồng cấp Mỹ.

Phải chăng đã đến lúc búp bê Nga dành được một vị trí ưu ái trên bàn của Tổng thống Mỹ, như vị trí mà chiếc giá cắm bút làm từ gỗ tàu HMS Gannet của nước Anh đang có?

Bức ảnh gia đình

Khi vào Nhà Trắng, có lẽ ông Trump sẽ cần một khung ảnh lớn hơn chiếc mà ông Obama đang dùng, vì tân Tổng thống Mỹ có tới 5 người con, độ tuổi từ 11 đến 39, chưa kể dâu, rể và các cháu.

Khi Obama là Tổng thống, hai con gái của ông còn nhỏ, và đệ nhất phu nhân Michelle không tham gia chính trị, dù một số người thậm chí đã thuyết phục bà cân nhắc việc tranh cử Tổng thống. Nhưng người kế nhiệm của ông thì ngược lại. Ông Trump đã tạo ra mối lo ngại, rằng ông có thể gây xung đột lợi ích, và ở một mức độ nào đó là tình trạng gia đình trị, khi bổ nhiệm con rể làm cố vấn, và để con gái xuất hiện trong nhiều hoạt động chính trị, bao gồm cả cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Bức ảnh gia đình Tổng thống Mỹ vì thế có lẽ sẽ khác trước rất nhiều, và thay vì dùng từ “hạnh phúc” như đã từng nói về gia đình Obama, người ta sẽ phải dùng từ “quyền lực” để mô tả gia đình Trump.

Hồ sơ Obamacare

Được coi là thành tựu tâm huyết suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn được gọi là Obamacare) giúp mang lại bảo hiểm y tế cho khoảng 15% dân số Mỹ, hầu hết là những người không được hưởng chế độ này ở công ty, hoặc không đủ tiêu chuẩn thụ hưởng các chương trình sức khỏe khác cho người nghèo và người cao tuổi.

Đạo luật yêu cầu toàn bộ người Mỹ phải có bảo hiểm y tế, và cung cấp một số khoản trợ cấp nhằm giảm mức chi phí của bảo hiểm và khuyến khích người trẻ tuổi, khỏe mạnh tham gia vào hệ thống bảo hiểm y tế chung. Mục tiêu chung của Obamacare là giảm thiểu mức chi phí người dân tiêu tốn vào việc chăm sóc sức khỏe hàng năm - con số này ở Mỹ đang ở mức cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, Trump và Đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ gấp rút hủy bỏ Obamacare ngay khi nhậm chức, với lý do đạo luật này tạo ra gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp cũng như ngân sách chính phủ, khiến nước Mỹ ngập sâu vào nợ nần. Phe Cộng hòa cũng chỉ trích Obamacare can thiệp một cách phi lý vào các quyết định của doanh nghiệp tư nhân và người dân.

Một trong những di sản lớn nhất của Obama cũng phải chấp nhận bị “hất cẳng” khỏi phòng Bầu dục.

Mô hình Vạn lý trường thành

Hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama là giai đoạn thế giới chứng kiến Mỹ thực hiện mạnh chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", một sự khác biệt rất lớn so với thời George W. Bush. Chính sách này biến quan hệ Mỹ-Trung trở thành một trong những trục quan trọng nhất của trật tự thế giới thế kỷ 21.

Về phía Trung Quốc, điểm sáng lớn nhất mà Bắc Kinh cố gắng thúc đẩy là mô hình "quan hệ nước lớn kiểu mới" với Mỹ, nhưng chính quyền Obama không hề mặn mà.

Phạm vi đối đầu/hợp tác song phương giao thoa trên hàng loạt sự vụ quốc tế quan trọng: Vấn đề hạt nhân Triều Tiên, tình hình biển Đông, căng thẳng Trung-Nhật trên biển Hoa Đông, hiệp định Paris về biến đổi khí hậu...

Obama đã cảnh báo giai đoạn hậu bầu cử Mỹ là "thời điểm mấu chốt" của quan hệ Mỹ-Trung. Trong lúc chưa chính thức nắm quyền, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phá vỡ hàng loạt thông lệ về ngoại giao: Thường xuyên lên Twitter chỉ trích Trung Quốc về vấn đề biển Đông hay Triều Tiên, hay lật lại vấn đề tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc"...

Dù sẽ loại bỏ nhiều di sản của Obama, nhưng "xoay trục châu Á" là một trong những chính sách nhiều khả năng sẽ được Trump duy trì và hoàn thiện, thậm chí đạt tới mức độ cao hơn nếu tân Tổng thống Mỹ thực hiện cam kết dỡ bỏ rào cản ngân sách quốc phòng và tăng cường quân lực đến châu Á. Nếu những tuyên bố này trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ đối diện một “trường thành” thứ hai, nhưng không phải do họ xây dựng, mà là “công trình” của Tổng thống Trump, nhằm kiềm chế Bắc Kinh.

Bản đồ Trung Đông

Sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm 2014 đã khiến Mỹ phải tăng chi tiêu quân sự trong năm 2015-2016 để phục vụ các chiến dịch chống khủng bố. Tuy nhiên, với chủ trương tránh sa vào "vũng lầy Trung Đông", trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Obama không điều thêm quân bộ đến khu vực này mà chỉ tập trung không kích.

“Tấm bản đồ Trung Đông” dưới thời tân Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ có ít nhiều khác biệt. Ông Trump đã từng hùng hồn khẳng định sẽ "quét sạch IS", nhưng cụ thể làm thế nào thì ông không tiết lộ, vì cho rằng "nếu nói ra sẽ để lộ cho IS biết". Khác biệt rõ nhất so với người tiền nhiệm trong quan điểm của Trump về vấn đề Trung Đông là chính sách đối với Iran, khi Trump nhiều lần tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với quốc gia này.