Indonesia không thừa nhận tuyên bố chủ quyền từ lịch sử

Cẩm Bình |

Bộ trưởng Ngoại giao Retno LP Marsudi khẳng định giữa Indonesia và Trung Quốc không hề có vùng chồng lấn. Bà khẳng định Trung Quốc không thể có ngư trường truyền thống trong vùng biển Indonesia.

Tại cuộc họp của Ủy ban Giám sát đối ngoại và quốc phòng thuộc Hạ viện Indonesia hôm 20-6, Bộ trưởng Ngoại giao Retno LP Marsudi đã làm rõ nhiều vấn đề hàng hải còn gây tranh cãi, trong đó có vấn đề biển Đông.

Để làm rõ lập trường của Indonesia, bà đã đưa ra hai điểm. Thứ nhất, Indonesia đã có biên giới biển rõ ràng và được quốc tế công nhận; thứ hai, Indonesia không hề có bất cứ tranh chấp nào ở biển Đông.

Theo lý giải của Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi, tuyên bố chủ quyền của Indonesia đối với vùng đặc quyền kinh tế thuộc quần đảo Natuna đã căn cứ vào Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) năm 1982. Do đó, giữa Indonesia và Trung Quốc không hề có vùng chồng lấn nào.

Ngoài ra, Indonesia cũng không hề dính líu đến tranh chấp biển Đông vì nước này không hề tuyên bố chủ quyền đối với bất cứ thực thể địa lý nào như đảo, rạn san hô hay đầm phá vốn là các thực thể gây bất đồng về tranh chấp lãnh thổ.

Bà Retno Marsudi khẳng định nếu Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền về bất cứ vùng biển nào của Indonesia, Trung Quốc phải cung cấp bằng chứng theo đúng luật pháp quốc tế.

Đề cập đến việc Trung Quốc luôn tuyên bố có ngư trường truyền thống trong vùng biển của Indonesia, bà Retno Marsudi cho biết:

"Thế giới này được tổ chức dựa trên luật pháp quốc tế chứ không phải dựa vào các tuyên bố lấy cơ sở từ lịch sử. UNCLOS là luật pháp. Lịch sử không thể phủ nhận luật pháp nhưng luật pháp có thể phủ nhận lịch sử".

Đáp lại quan ngại của nghị sĩ Tantowi Yahya rằng Trung Quốc có thể phá hoại chủ quyền trên biển của Indonesia bằng hành động đánh bắt hải sản phi pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi khẳng định các vụ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép đều xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, do đó hải quân Indonesia hoàn toàn có quyền thực thi các biện pháp hợp pháp để bảo vệ chủ quyền.

Bà nhấn mạnh: "Mọi quốc gia đều phải tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế hiện hành".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại