Huấn luyện thuần thục để xử lý tốt các tình huống xảy ra

CÔNG GIANG, THÀNH TRUNG |

Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, SSCĐ, chăm sóc, khám chữa bệnh, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng… những người lính Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Binh đoàn 18 và các chiến sĩ quân y của Bệnh viện 175 (Bộ Quốc phòng) còn hoàn thành nhiệm vụ bay tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu bộ đội và nhân dân trên các vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc.

Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, bởi các chuyến bay đều được thực hiện trong điều kiện thời tiết, khí tượng, địa hình phức tạp, xa đất liền. Song với tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ", họ đã không quản ngại gian khổ, hi sinh, kịp thời bay cấp cứu bộ đội và nhân dân gặp nạn trên các vùng biển đảo.

Trong những năm gần đây, hoạt động bay tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của Trung đoàn 917, Sư đoàn 370.

Nhiệm vụ bay ra đảo xa xôi để cấp cứu các quân nhân, ngư dân đang ngày đêm bám biển, giữ đảo không chỉ là nhiệm vụ chính trị đơn thuần, mà còn làm theo tiếng gọi của lương tâm, trách nhiệm của người lính đối với đồng đội và nhân dân.

Để hoàn thành thắng lợi những chuyến bay TKCN trên những vùng biển xa, công tác huấn luyện đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Huấn luyện thuần thục để xử lý tốt các tình huống xảy ra - Ảnh 1.

Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 huấn luyện bay cấp cứu người bị nạn trên biển. Ảnh: CTV

Thực hiện kế hoạch huấn luyện hằng năm, Trung đoàn 917 đã tổ chức có hiệu quả các khoa mục huấn luyện TKCN, cấp cứu như: Bay hạ cánh bãi ngoài ngày và đêm, bay hạ cánh trên Nhà giàn DK1 và tàu LST, bay treo cao trên đất liền, bay treo cẩu cấp cứu người trên biển, bay đường dài trên biển cho các tổ bay…

Qua thực hành huấn luyện đã rèn luyện cho các tổ bay thành thạo các khoa mục, từ đó giúp phi công và nhân viên hàng không dễ dàng tiến nhập vào bất kỳ bãi hạ cánh nào trên biển, Nhà giàn DK1 và trên tàu LST.

Đồng thời, ứng dụng một cách thành thạo vào các trường hợp cấp cứu ngư dân bị trôi dạt trên biển, cũng như rèn luyện cho phi công và tổ bay làm quen với điều kiện công tác nhiều giờ trên biển xa; tăng khả năng chịu đựng, khả năng thao tác, cũng như khả năng phán đoán trong điều kiện không có địa tiêu và sự thay đổi nhanh chóng của điều kiện khí tượng.

Ngoài ra, để rèn luyện nâng cao trình độ của đội ngũ phi công, nhân viên bay trong thực hiện nhiệm vụ TKCN sát với thực tế, hằng năm Trung đoàn 917 đều tổ chức phối hợp diễn tập TKCN với các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân.

Qua các cuộc diễn tập, đội ngũ phi công, nhân viên bay của Trung đoàn có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, phục vụ tốt hơn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ bay TKCN, cấp cứu trên đất liền, trên biển.

Trung tá Ngô Hồng Sơn - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, cho biết:

"Khi hạ cánh trên biển, đảo, với điều kiện khí tượng diễn biến bất thường và nhanh chóng, đòi hỏi phi công phải có trình độ, kinh nghiệm, có khả năng phán đoán tốt, biết căn cứ vào lượng mây, sóng biển để ước lượng được tốc độ gió ở trên mặt biển và trên đảo, đồng thời căn cứ vào đó có thể hạ cánh trên đảo theo hướng có lợi nhất.

Còn đối với hoạt động bay treo cẩu cấp cứu người trên biển thì phi công và tổ bay phải căn cứ vào hướng gió để chọn đúng hướng tiến nhập vào khu vực treo máy bay, cẩu cấp cứu người. Hơn nữa, khi bay cấp cứu trên biển, do không có địa tiêu chuẩn nên cảm giác của phi công phải cực kỳ tốt để khi vào treo cẩu xác định đúng cự ly từ máy bay đến đối tượng.

Để làm tốt những vấn đề trên, đòi hỏi phi công và tổ bay phải được huấn luyện kỹ càng thường xuyên, phải được tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng thông qua quá trình diễn tập và thực thi nhiệm vụ".

Thượng tá Nguyễn Đức Tải - Chủ nhiệm Dẫn đường Trung đoàn 917, cho biết thêm:

"Ngoài việc được huấn luyện thành thạo các khoa mục nói trên, tất cả các thành viên tổ bay khi làm nhiệm vụ huấn luyện bay biển cũng như thực hiện nhiệm vụ bay TKCN, cấp cứu trên biển phải có bản lĩnh vững vàng, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ cao, nắm bắt tốt kỹ thuật hàng không, biết sử dụng thành thạo các thiết bị trên máy bay và phải có sự phối hợp chặt chẽ trong tổ bay".

Đối với máy bay, theo Thượng tá Đào Văn Bình - Phó Trung đoàn trưởng Kỹ thuật, máy bay và phương tiện kỹ thuật phải được kiểm tra hết sức chặt chẽ, tỉ mỉ, máy bay phải có ắc quy dự phòng, được lắp thêm thùng dầu phụ và có đầy đủ trang thiết bị sửa chữa hỏng hóc.

Đồng thời cần chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin liên lạc, phao máy bay, áo phao cá nhân, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết... Mặt khác, tổ bay phải bố trí thêm một nhân viên kỹ thuật hàng không để phối hợp với cơ giới trên không khắc phục kịp thời những hỏng hóc có thể phát sinh trong suốt chuyến bay.

Công tác huấn luyện được chú trọng, công tác đảm bảo bay được thực hiện chặt chẽ, tỉ mỉ là những yếu tố góp phần quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của những chuyến bay TKCN, cấp cứu trên các vùng biển, đảo xa.

Chính từ những kiến thức, kỹ năng tích lũy trong quá trình huấn luyện bay thường xuyên và thực hành diễn tập TKCN là cơ sở, nền tảng để các tổ bay của Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 hoàn thành thắng lợi những chuyến bay TKCN, cấp cứu nạn nhân trên những vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại