Hội đồng bầu cử xem xét tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh

Hoàng Đan |

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kết quả bầu cử ĐBQH khóa 14 có 496 người trúng cử, nhưng có một trường hợp đang được xem xét do có các dấu hiệu sai phạm.

Sáng nay, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tổ chức phiên họp thứ bảy cũng là phiên toàn thể cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng thời là Chủ tịch HĐ Bầu cử Quốc gia, cho biết Hội đồng sẽ nghe báo cáo kết quả xác nhận tư cách ĐBQH khóa 14 và xem xét thông qua nghị quyết xác nhận tư cách ĐBQH khóa 14.

"Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức ngày 22/5 vừa qua, có 496 ĐB trúng cử Quốc hội.

Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách, có một trường hợp đang được các cơ quan chức năng tiến hành quy trình xem xét xử lý có dấu hiệu vi phạm khuyết điểm.

Theo quy định của luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, căn cứ kết quả tổng kết bầu cử ĐBQH, kết qủa giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến người trúng cử ĐBQH, HĐ Bầu cử quốc gia sẽ tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH và cấp giấy chứng nhận ĐBQH khóa 14 cho người trúng cử, sẽ báo cáo kết quả này tại phiên họp thứ nhất QH khóa 14", bà Ngân nhấn mạnh.

Trước đó, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 15/7, Hội đồng sẽ họp để xem xét, biểu quyết về tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử trong kỳ bầu cử vừa qua, trong đó có trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

"Hình thức biểu quyết là bỏ phiếu kín hoặc giơ tay, việc này do Hội đồng bầu cử quyết định", ông Phúc nói.

Chiều 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kỳ họp thứ 4 và 5.

 Thông báo nêu, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo kết luận 146 của Bộ Chính trị khóa XI. 

Nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là phải có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, "riêng việc ông Trịnh Xuân Thanh dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng đã là không trung thực rồi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại