Hoàng đế không có con trai, Bao Công vẫn đem "thái tử" ra chém, cứu cả cơ nghiệp nhà Tống

Trần Quỳnh |

Phá được vụ án kinh thiên động địa này, Bao Công đã giúp vua cứu vớt cả cơ nghiệp nhà Tống.

Ca khúc mở đầu bộ phim "Bao Thanh Thiên" năm 1993 có câu: "Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên, thiết diện vô tư rõ ngay gian". Hai câu hát ấy đã miêu tả sinh động hình tượng của Bao Chửng – vị quan thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

Bao Chửng (990 – 1062), người Hợp Phì, Lư Châu, làm quan dưới thời vua Tống Nhân Tông. Sinh thời, ông đã cống hiến tất cả tâm sức của mình cho công cuộc trừ gian diệt ác, được trăm họ khen ngợi, người đời còn ca tụng là Bao Thanh Thiên.

Trong số những vụ án từng được Bao đại nhân tìm ra chân tướng, có một kỳ án không thể không nhắc tới. Đối với Tống triều lúc bấy giờ, đây được coi là vụ án kinh thiên động địa, thậm chí còn có liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của giang sơn xã tắc.

Hoàng đế không có người nối dõi - nguyên nhân sâu xa của vụ án kinh thiên

Hoàng đế không có con trai, Bao Công vẫn đem thái tử ra chém, cứu cả cơ nghiệp nhà Tống - Ảnh 1.

Dù có tới mười mấy vị công chúa, nhưng Tống Nhân Tông lại không có lấy một Hoàng Thái tử trưởng thành để nhường ngôi. (Tranh chân dung Tống Nhân Tông - Baike).

Năm xưa, Bao Chửng được bổ nhiệm làm quan dưới thời kỳ trị vì của Tống Nhân Tông. Vị Hoàng đế này là một bậc quân chủ nhân từ, để lại nhiều tiếng thơm được muôn đời ca ngợi.

Nhưng điều đáng tiếc nằm ở chỗ, Tống Nhân Tông lại không có lấy một hoàng tử để truyền ngôi. Trước đó, nhà vua cũng có 3 người con trai. Tuy nhiên cả ba vị Hoàng Thái tử này đều yểu mệnh qua đời, người sống lâu nhất cũng chỉ đến 3 tuổi.

Hoàng đế không có con nối dõi được coi là vấn đề quốc gia đại sự, liên quan đến nền tảng lập quốc. Văn võ trong triều nhiều lần lên tiếng, nhưng Nhân Tông dù nỗ lực tới đâu, hậu cung vô số mỹ nhân của ông vẫn chẳng có người nào hoài thai Hoàng tử.

Cứ như vậy, bản thân Nhân Tông và bá quan văn võ hết năm này qua năm khác trông chờ sự xuất hiện của một Hoàng Thái tử. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa của kỳ án kinh thiên động địa thời bấy giờ.

Nghi án xung quanh Hoàng Thái tử "từ trên trời rơi xuống"

Hoàng đế không có con trai, Bao Công vẫn đem thái tử ra chém, cứu cả cơ nghiệp nhà Tống - Ảnh 2.

Vụ án liên quan tới "Hoàng Thái tử" lưu lạc này đã trở thành nguồn cảm hứng để các nhà làm phim xây dựng nên giai thoại "Ly miêu hoán thái tử". (Tranh minh họa).

Trong những năm Tống Nhân Tông cai trị, khắp phố lớn, hẻm nhỏ ở Khai Phong đều rất mực phồn vinh, đông đúc. Họa phẩm nổi tiếng "Thanh minh thượng hà đồ" cũng từng miêu tả cảnh tượng tấp nập ở nơi này.

Vào một ngày thuộc năm Hoằng Hữu thứ hai (năm 1050), trên trục đường chính ở Khai Phong bỗng xuất hiện hai hòa thượng. Vị hòa thượng lớn tuổi mang pháp danh Toàn Đại Lộ, người trẻ đi cùng có tên Lãnh Thanh.

Hai người đi một đoạn rồi chọn nơi đông đúc và dừng lại. Tại đây, Lãnh Thanh rêu rao với bàn dân thiên hạ rằng mình là con trai độc nhất của Hoàng đế đương triều, lưu lạc đã lâu, nay trưởng thành muốn nhận lại phụ hoàng.

Câu chuyện của Hoàng Thái tử tự xưng này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người, còn kinh động đến cả quan phủ.

Bấy giờ, quan phủ Khai Phong đưa hai người kia lên công đường xét hỏi. Khi bị quan viên tra hỏi là người phương nào, Lãnh Thanh phẫn nộ quát lớn: "Ngươi dám thẩm vấn Hoàng Thái tử đương triều, quả thật to gan!".

Vị quan kia nhất thời bị lời nói này làm cho kinh hãi, không biết nên làm sao. Nhưng sau đó, ông nhớ ra chuyện Hoàng đế không có con trai, vì thế lấy lại bình tĩnh mà thẩm vấn: "Ngươi có gì để chứng minh mình là Hoàng Thái tử?"

Lãnh Thanh kể lại cho quan viên việc mẹ mình từng là cung nữ hầu hạ bên người Hoàng đế, sau khi được nhà vua sủng hạnh đã may mắn mang bầu. 

Nhưng không lâu sau hoàng cung xảy ra hỏa hoạn, người phụ nữ ấy phải xuất cung, sau đó về quê nhà sinh hạ ra con trai là mình. Đến ngày Lãnh Thanh trưởng thành, mẹ mới nói ra chân tướng để con trai và phụ hoàng nhận nhau.

Quan viên nghe xong lại hỏi: "Vậy ngươi có chứng cớ gì?"

Lúc này, Lãnh Thanh để cho hòa thượng Toàn Đại Lộ lấy ra một chiếc gối ôm nhỏ có thêu hình long phượng, nói rằng đây là quà mà Hoàng đế ban cho mẹ mình sau khi sủng hạnh.

Vị quan kia nhìn thấy vật này, cảm thấy bán tin bán nghi mà nói rằng: "Chỉ dựa vào một chứng cứ này vẫn chưa đủ để chứng minh ngươi là Hoàng Thái tử".

Sau khi thẩm vấn thêm, vị quan ấy vẫn chưa thể tra rõ chân tướng. Ý thức được đây là việc quan trọng, ông liền phái người  tấu lên Tống Nhân Tông.

Lúc biết chuyện, Tống Nhân Tông ngạc nhiên tới mức ngã khỏi long ỷ. Hoàng Thái tử vốn là thứ ông ước ao bấy lâu, nay lại có một người con trai tự động tìm đến cửa.

Bấy giờ, đại thần bên cạnh vội vàng đỡ nhà vua, đồng thời cũng can gián Hoàng đế điều tra cặn kẽ, bởi chuyện này có liên quan tới giang sơn xã tắc Đại Tống.

Nhân Tông thấy có lý, liền hạ lệnh yêu cầu quan viên phủ Khai Phong tiếp tục điều tra. Nhưng trải qua nhiều lần thẩm vấn, sự việc vẫn chưa có kết quả.

Sau cùng, vị quan kia chỉ đành  phái người thưa với Hoàng đế rằng mình không đủ sức thụ lý vụ việc ấy.

Lúc đó, Tống Nhân Tông buộc phải tìm người khác. Và Bao Chửng là người được nhà vua giao cho trọng trách này.

Bao Chửng vốn nổi tiếng xử án như thần, không vụ án nào không phá nổi. Nhân Tông cũng bởi tin tưởng vị quan ấy, nên đã đem tương lai Đại Tống đặt vào tay ông.

Bao Chửng phá án thành công, cứu vớt cả cơ nghiệp Đại Tống

Hoàng đế không có con trai, Bao Công vẫn đem thái tử ra chém, cứu cả cơ nghiệp nhà Tống - Ảnh 4.

Chỉ khi Bao Công thụ lý vụ án này, chân tướng sự việc mới được làm rõ. (Ảnh minh họa).

Sau khi tiếp nhận thụ lý vụ việc trên, Bao Chửng cân nhắc kỹ càng rồi phái một thuộc hạ bí mật về quê quán của Lãnh Thanh để tra xét thân thế.

Không lâu sau, chân tướng sự việc đã được phơi bày. Theo đó, mẹ ruột của Lãnh Thanh vào thời điểm xuất cung quả thật có mang thai, nhưng sau đó đã sinh hạ một người con gái.

Người này chính là chị ruột của Lãnh Thanh. Còn kẻ họ Lãnh kia là con thứ của người cung nữ năm nào, được nàng hạ sinh sau khi đã thành thân với người khác.

Nói cách khác, Lãnh Thanh là một Hoàng Thái tử giả mạo, mà kẻ đi cùng là Toàn Đại Lộ cũng là tên chuyên giả danh hòa thượng để lừa gạt khắp nơi.

Trong một lần tình cờ gặp mặt, hắn đã nhìn ra thân thế đặc biệt của Lãnh Thanh, vì thế liền tìm cách dàn dựng lên một vở kịch, sau đó cả gan đến Khai Phong, rêu rao câu chuyện về Hoàng Thái tử giả mạo với mưu đồ kiếm vinh hoa phú quý.

Đáng tiếc, hai kẻ lừa đảo lão làng này lại gặp ngay cao thủ phá án là Bao Chửng. Cuối cùng, Hoàng thái tử giả mạo Lãnh Thanh cùng trợ thủ Toàn Đại Lộ bị chém đầu răn thị chúng.

Đối với kết quả xử án này, Tống Nhân Tông rất mực hài lòng. Một vụ kỳ án kinh thiên liên quan tới giang sơn Đại Tống đã được làm rõ chân tướng nhờ sự cố gắng của Bao Chửng.

Sau này, Tống Nhân Tông nhận một thành viên trong Hoàng tộc làm con nuôi, cũng phong cho người ấy làm Hoàng Thái tử, đó chính là Tống Anh Tông sau này.

Mặc dù không phải con trai ruột của Hoàng đế, nhưng Anh Tông chưa bao giờ phụ lòng cha nuôi của mình. Dù thời gian trị vì ngắn ngủi, vị Hoàng đế ấy đã lập được nhiều thành tựu đáng kể cho vương triều và được người đời sau hết lòng ca ngợi.

Mỗi khi nhắc tới câu chuyện truyền ngôi của Tống Nhân Tông, hậu thế không chỉ nhớ tới một Anh Tông tài giỏi, mà còn chưa bao giờ quên công lao của Bao Chửng, người đã phá vụ án Hoàng Thái tử giả mạo, cứu vớt tương lai Tống triều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại