Mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên: Tệ nạn, trộm cắp gia tăng

havan |

Cà phê tăng giá nảy sinh nhiều vấn đề như tranh giành lao động, "cò" lao động xuất hiện và nạn trộm cắp cà phê cũng đáng báo động…

Cà phê lên giá, mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên cũng đang diễn ra rầm rộ nên thiếu nhân công thu hái và từ đó nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc như tranh giành lao động, "cò" lao động xuất hiện và nạn trộm cắp cà phê cũng đáng báo động…

Nhiều người dân vùng quê ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên làm thuê thu hoạch cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đều tâm sự rằng họ đã bị mắc lừa "cò" tuyển lao động. Những năm trước đây, thường những người nông dân ở nông thôn miền Trung, sau mùa thu hoạch mùa màng rảnh rỗi họ tự nguyện lên Tây Nguyên để tìm công ăn việc làm, chủ yếu là hái cà phê thuê vào mùa thu hoạch.

Năm nay do nắm bắt được nhu cầu lao động thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên rất lớn nên một số đối tượng đã "bay" thẳng về vùng quê miền Trung để tuyển lao động. Theo cam kết bằng miệng của các "cò", mức lương từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên đối với người thu hoạch cà phê. Ngoài ra người lao động còn được "bao" ăn ở trong suốt quá trình thu hoạch.

Nghe vậy, nhiều người đã rủ nhau lên các tỉnh Tây Nguyên để làm việc theo sự dẫn dắt của "cò" tuyển lao động. Nhưng đau xót khi đến nơi làm việc thực tế thì người lao động chỉ được nhận khoảng một nửa số lương như cam kết của các đối tượng tuyển lao động.

Người dân nơm nớp lo cà phê bị mất trộm.

Không những thế, trong tháng lương đầu, họ còn bị trừ hàng trăm ngàn đồng tiền xe, tiền ăn trên đường đi, tiền giới thiệu việc làm và tiền bảo lãnh. Nhiều người không đồng ý làm, bỏ về thì bị bắt buộc phải đóng hàng triệu đồng tiền chi phí dịch vụ môi giới mà gia chủ đã trả cho các "cò" việc làm.

Liên tiếp trong những ngày vừa qua, địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là nơi xảy ra "nóng" nhất về về vấn đề cưỡng bức lao động thu hoạch cà phê. Để giải quyết vấn nạn này, lãnh đạo huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết các vụ việc liên quan đến việc lừa lao động đến địa phương hái cà phê.

Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lâm Hà cũng đang đấu tranh, làm rõ hành vi lừa đảo của một số đối tượng, đồng thời phối hợp với ngành Lao động Thương binh - Xã hội huyện Lâm Hà, lãnh đạo chính quyền các xã kiểm tra hành chính tại các Trung tâm giới thiệu việc làm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Kết quả kiểm tra cho thấy các Công ty TNHH Minh Nghĩa; Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Nguyễn Đan Phong và cơ sở Hoa Hiền đều ở huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đã hứa hẹn với một số lao động ở miền Trung mức lương cao nhưng sau đó không thực hiện đúng cam kết.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng đã xác định Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Nguyễn Đan Phong và cơ sở Hoa Hiền hoạt động môi giới lao động trái pháp luật, Công ty TNHH Minh Nghĩa có giấy phép nhưng hoạt động không đúng quy định của Nghị định 19/2005/NĐ-CP về lĩnh vực lao động. Vì thế cơ quan thẩm quyền đã đình chỉ hoạt động tuyển dụng, môi giới lao động của các doanh nghiệp này để điều tra, xử lý theo pháp luật.

Bên cạnh vấn đề bức xúc về "cò" lao động hái cà phê, nạn trộm cắp cà phê sau thu hoạch cũng hết sức phức tạp. Ngày 7/12, Công an huyện Mang Yang, Gia Lai phát hiện bắt giữ 2 thanh niên điều khiển xe môtô BKS 81H1-2154 đang vận chuyển cà phê đi tiêu thụ. Hai đối tượng khai nhận đã thực hiện 40 vụ trộm cắp cà phê và máy bơm nước trên địa bàn Mang Yang, Gia Lai.

Theo CAND

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại