Khách mua xe máy đang 'đồng lõa' lậu thuế

lananh |

Vô tình hoặc “bất đắc dĩ” khách hàng đồng lõa cho các đại lý “lậu” thuế khi ký vào hóa đơn VAT với giá thấp hơn giá mua thực.

Suốt một thời gian dài, người tiêu dùng Việt Nam gặp rất nhiều thiệt thòi và những điều hết sức phi lý xung quanh việc mua xe máy. Cứ tưởng những loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì người dân sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn khi mua xe, nhưng thực tế họ lại luôn phải mua với tình trạng "thổi giá". Bên cạnh đó, khách hàng còn vô tình hay “bất đắc dĩ” trở thành kẻ đồng lõa với các đại lý, cửa hàng xe máy để “lậu” thuế khi ký vào tờ hóa đơn VAT với giá thấp hơn giá mua thực tế.

Mới đây, anh Bình, nhân viên Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, vào một cửa hàng ủy nhiệm của Honda (HEAD) trên đường Giải Phóng để mua một chiếc xe Air Blade. Anh chọn dòng xe Air Blade F1. Giá “bán lẻ đề xuất” trên website của Honda Việt Namcho loại xe này là 31,99 triệu đồng, song cửa hàng bán với giá 40 triệu đồng. Sau khi lấy hóa đơn VAT, anh Bình cứ ngỡ ngàng khi thấy giá ghi trên hóa đơn chỉ là 31,99 triệu đồng.

Chiếc xe Honda Click được một khách hàng mua với giá gần 28 triệu đồng nhưng hóa đơn ghi giá chỉ 25.990 đồng. Ảnh: Đ.N.

Nhiều khách hàng mua các loại xe khác của Honda Việt Nam như Lead, Click, PCX 125, SH… cũng có phản ánh tương tự. Chị Thanh Thủy, ngụ ở ngõ 212 đường Kim Giang cho hay, trước đây chị mua chiếc xe Lead màu trắng ở mộtđại lýcủa Honda trên đường Lê Duẩn với giá 35 triệu đồng, song giá ghi trên hóa đơn VAT chỉ 30,99 triệu đồng. Hay mới đây nhất, hồi đầu tháng 10, anh Toàn, sinh viên lớp văn bằng 2 ngành tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân mua một chiếc xe PCX 125 “made in Vietnam” với giá thực tế phải trả là 58 triệu đồng, song giá ghi ở hóa đơn chỉ 47 triệu đồng, thấp hơn cả giá Honda Việt Nam đề xuất là 49,9 triệu đồng.

Như vậy, với các loại xe mà cửa hàng, đại lý tự ý tăng giá bán thì hầu hết khách hàng mua xe đều chỉ nhận được tờ hóa đơn VAT ghi giá xe thấp hơn số tiền họ phải bỏ ra để mua.

Riêng với các dòng xe mới, chưa có mức giá ấn định cụ thể hay các loại xe nhập khẩu, thì khoảng cách giữa mức giá ghi trên hóa đơn và giá thực tế chênh nhau đến không tưởng.

Chẳng hạn một chiếc xe PCX 125 nhập khẩu từ Thái Lan được bán trên phố Huế với giá phổ biến hiện ở mức 75 – 78 triệu đồng, song giá ghi trên hóa đơn VAT chỉ 60 triệu đồng. Đáng kinh ngạc hơn là trường hợp chiếc xe “hồn Honda, da LX” Diamond Blue mới trình làng trên thị trường được vài tháng nay với giá bán thực tế 50 triệu đồng, song rất nhiều khách hàng cho biết giá cửa hàng ghi trên hóa đơn chỉ… 16 triệu đồng, không bằng 1/3 giá trị thực.

Ông Phạm Văn Chính, làm kinh doanh tự do, nhà ở ngõ 354 Lê Duẩn, một khách hàng đang sở hữu chiếc xe Diamond Blue và chiếc hóa đơn VAT ghi giá 16 triệu đồng, cho hay: “Lúc nhân viên đưa hóa đơn tôi không để ý đến giá ghi trong đó, sau về nhà xem lại mới “tá hỏa”. Thực tế mua xe nhiều nên tôi biết việc hóa đơn ghi giá thấp hơn là chuyện thường, song thấp tới hơn 30 triệu đồng thì quả thật tôi rất ngạc nhiên. Song vì không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên tôi không qua hỏi lại làm gì”.

Khách hàng đang mua một "bản sao" của Vespa LX. Ảnh: Đ.N.

Đúng là việc giá ở hóa đơn có ghi thế nào cũng không tác động trực tiếp gì tới khách hàng. Song thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, mỗi lần mua xe người tiêu dùng bị thiệt thòi đủ đường, ngoài việc phải “cắn răng” móc hầu bao để trả thêm tiền cho các cửa hàng, đại lý, họ còn vô tình trở thành kẻ đồng lõa cho các cửa hàng gian lận thuế.

Theo anh Nam, chủ Đại lý buôn bán và bảo dưỡng xe máy Việt Thái Motor trên đường Lê Trọng Tấn, việc các cửa hàng ghi giá bán ở hóa đơn VAT thấp là để trốn thuế. “Với việc ghi giá thấp, họ không chỉ giảm được một số tiền lớn trong việc nộp thuế VAT mà còn cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế trước bạ”, anh Nam giải thích.

Như vậy, ngoài chuyện “ăn đậm” từ việc tự ý nâng giá xe “vô tội vạ”, các cửa hàng, đại lý còn được “ăn” 10% thuế VAT, 25% thuế thu nhập doanh nghiệp và 30% thuế trước bạ trên số tiền chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá lý thuyết (ghi trên hóa đơn). Trong khi đó, thuế VAT và thuế trước bạ là do khách hàng trả, các cửa hàng chỉ việc thu trước, sau đó nộp lại cho cơ quan thuế.

Anh Nam cho rằng, người tiêu dùng cần yêu cầu các cửa hàng, đại lý ghi hóa đơn đúng với số tiền họ phải bỏ ra mua, để khi có tranh chấp hay xe có vấn đề gì, họ còn có bằng chứng để kiện tụng.

Tình trạng ghi giá xe ở hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế đã diễn ra ngang nhiên và phổ biến đến nỗi hỗi giữa tháng 5, Bộ Tài chính đã phải ban hành thông tư hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh ô tô, xe hai bánh gắn máy ghi giá trên hóa đơn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường.

Theo thông tư này, trong trường hợp trên, cơ quan thuế có quyền áp đặt mức thuế sau khi đã xác định giá giao dịch thông thường trên thị trường.

Nguyên tắc xác định giá giao dịch thông thường trên thị trường, theo Bộ Tài chính, sẽ căn cứ trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế thu thập từ các cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, thành phố, sở công thương, Hiệp hội Ô tô Việt Nam...

Theo Baodatviet

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại