Hiểm họa tra tấn người bằng công cụ thực tế ảo

Minh Trí |

Công nghệ thực tế ảo (VR) có thể bị lạm dụng để tạo ra các khung cảnh rùng rợn, tra tấn nạn nhân đến phát điên. Đáng sợ hơn, việc lạm dụng VR còn tạo ra nguy cơ xa lánh cộng đồng, lảng tránh các mối quan hệ thực trong xã hội.

VR thành công cụ tra tấn

Các chuyên gia cảnh báo, VR - công nghệ có tiềm năng ứng dụng ngày càng lớn, bao phủ hầu hết các lĩnh vực từ đào tạo phẫu thuật đến thiết kế hệ thống vận tải - có thể tác động xấu đến tâm lý con người và có nguy cơ bị lạm dụng để tra tấn ảo.

"Một nhóm nghiên cứu đã chỉ ra sự thao túng tâm lý tiềm năng khi sử dụng VR để tạo trải nghiệm như thật và nguy cơ sử dụng hình ảnh khiêu dâm bạo lực, khả năng dùng nó để tra tấn ảo" - Viện Nghiên cứu tư tưởng (Anh) công bố trên Dailymail.

Tra tấn ảo có thể bao gồm việc dùng thiết bị đội đầu để đặt nạn nhân vào môi trường khó chịu. Thiết bị này sẽ cung cấp hình ảnh, có sự cộng hưởng của âm thanh để tạo khung cảnh ghê sợ. Khi bị khống chế, nạn nhân không thể bỏ tai nghe và mũ đội đầu ra.

Công nghệ VR càng được cải tiến, trải nghiệm thực tế ảo càng thực hơn. Ngay cả các kịch bản VR thô sơ hiện nay cũng có thể khiến người xem bị ảnh hưởng sâu sắc. Nếu tạo ra trải nghiệm tâm sinh lý đúng như thật, ngay cả người dày dạn cũng không khỏi rùng mình.

Theo các chuyên gia, trong thực tế, nếu tưởng tượng càng nhiều về một tình huống, bạn càng dễ cảm thấy như đang rơi vào trạng thái đó thật. Nếu bị lạm dụng, VR có thể tạo ra nhiều thăng trầm cảm giác, khiến các giác quan bị đảo lộn, thậm chí có thể khiến nạn nhân phát điên.

Hiểm họa tra tấn người bằng công cụ thực tế ảo - Ảnh 1.

Một người đang thử đeo thiết bị thực tế ảo Gear VR của Samsung. Ảnh: Bloomberg

"Trong sức khỏe tâm thần, nếu bạn nghĩ mình đang bị tra tấn thì có nghĩa là bạn đang bị tra tấn thật" - Tiến sỹ Asher Aladjem - chương trình Phục hồi sau tra tấn của Bellevue - nói trên trang Motherboard.

Để ngăn nguy cơ này, các chuyên gia khuyến cáo cần có quy định về sử dụng VR, ít nhất là ra nguyên tắc chung rằng những gì không được làm với người khác trong cuộc sống thực thì cũng không được làm trong thực tế ảo.

"Bạn không nên bắn người khác trong VR như bạn đang làm trong các video game ngày nay" - Thomas Metzinger - Đại học Johannes Gutenberg (Đức) - nói trên Newscientist.

Hội chứng Hikikormori

Ngoài nguy cơ lạm dụng VR để tra tấn tâm lý, nỗi sợ lớn nhất đối với công nghệ này là nó có thể ảnh hưởng sâu sắc tới các mối quan hệ xã hội thực tế.

"Thật đáng sợ khi chúng ta chứng kiến một thế hệ mới cố thủ nhiều hơn ở trong nhà như hiện tượng Hikikomori ở Nhật Bản. 

Những người bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này - nhất là người trẻ - có thể rút ra khỏi sự tương tác xã hội thực tế để đắm chìm trong các trò chơi tưởng tượng" - Claire Fox - Giám đốc Viện Nghiên cứu tư tưởng của Anh - nói.

Theo đà này, không lâu nữa trong thế giới thực tế ảo, người ta không còn quan tâm về các vấn đề xã hội và luân lý. Con người có thể nhấn chìm cả thể chất của mình vào các kịch bản kỹ thuật số - nơi họ có thể di chuyển, liên lạc, nghe, nhìn, ngửi.

"Có thể việc tách rời hoàn toàn ra khỏi thực tại xã hội và thế giới vật chất - điều được mô tả trong truyện viễn tưởng - đã trở thành sự thật trong cuộc sống của chúng ta" - Claire Fox lo ngại.

Các chuyên gia mong muốn tìm ra cách giám sát công nghệ VR trước khi nó tuột khỏi tầm kiểm soát. Rất khó để cân bằng giữa việc đảm bảo tự do trong xã hội và bảo vệ con người khỏi các nguy cơ từ VR. 

Vấn đề là làm sao để hạn chế tự do biểu cảm một cách thông minh để không ảnh hưởng tới người khác ngay cả trong môi trường VR.

"Một vấn đề đang gây tranh luận là sự cần thiết điều chỉnh không gian kỹ thuật số cân bằng với quy định tự do ngôn luận để khi tương tác trong thế giới ảo hay thế giới thực, chúng ta đều có không gian an toàn" - Claire Fox nói trên The Sun.

Ngoài ra, việc kiểm soát tác động xấu của VR cũng cần cân bằng với lợi ích của nó. Đây là điều khó bởi tính hai mặt của VR. 

Ví dụ, công nghệ VR có thể tạo ra tình huống như thật để người khác đồng cảm với người bị tấn công và giảm đi hành động bạo lực, nhưng cũng có thể được sử dụng để làm cho người khác đau đớn không kém gì bị tấn công thật.

"Chúng ta cần cân bằng các rủi ro của VR với các lợi ích thực tiễn" - Claire Fox nói.

Dấu hiệu của Hội chứng Hikikomori - theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản:

- Ở trong nhà hầu hết thời gian trong ngày và gần như tất cả các ngày.

- Không duy trì các tình huống xã hội lâu dài.

- Gặp trở ngại đáng kể với những thói quen, nghề nghiệp, các hoạt động xã hội hay các mối quan hệ của người bình thường.

- Nhận thấy sự cố thủ như một trạng thái hài hòa với cái tôi.

- Trạng thái cố thủ trong nhà kéo dài ít nhất 6 tháng.

- Không có rối loạn tâm thần khác gây lảng tránh, rút lui khỏi xã hội thực tế.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại