Hé mở tấn bi kịch của kiếp tù binh trong lịch sử TQ

Trần Quỳnh |

Khi mang trên mình thân phận tù binh, những binh sĩ bại trận tại Trung Quốc xưa phải chịu đủ các kiếp nạn, dù suy cho cùng họ thực chất là... người một nhà.

Từ số kiếp tù binh đến thân phận con tin

Khi Tần Chiêu Vương còn tại vị, nước Tần từng bắt được Sở Hoài Vương của nước Sở làm tù binh. Lợi dụng con tin này, Tần quốc liên tục đưa ra nhiều yêu sách đòi đất, đòi tiền, đòi người với nước Sở.

Tuy nhiên, Sở quốc vốn dĩ không đoái hoài đến một Sở Hoài Vương đang nằm trong tay giặc, mà nhanh chóng đưa Thái tử lên kế vị. Sau cùng, Sở Hoài vương trốn về nước không thành, cho tới khi qua đời mới được vua Tần trả thi thể về nước.

Hé mở tấn bi kịch của kiếp tù binh trong lịch sử TQ - Ảnh 1.

Hầu hết những tù binh đều phải chịu cảnh sống khổ sở, nhẹ thì phu phen, lao dịch, nặng thì vong mạng như chơi dưới tay kẻ thắng cuộc. (Tranh minh họa).

Sử dụng tù binh làm con tin cũng là nước cờ từng được Tây Sở bá vương Hạng Võ sử dụng để đối phó với Lưu Bang.

Một lần, Hạng Võ bắt được phụ thân của Lưu Bang. Khi hai bên chuẩn bị giao chiến, ông liền đẩy cha Lưu Bang lên trước đoàn quân và nói: "Nếu ngươi không rút binh, ta liền đem cha ngươi phanh thây!"

Tướng lĩnh quân Hán vô cùng khó xử, ai cũng cho rằng Lưu Bang sẽ vì bảo toàn tính mạng cho phụ thân mà hạ lệnh rút lui. Không ngờ họ Lưu này chẳng do dự mà đáp:

"Hai chúng ta từng kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng chính là cha ngươi, nếu ngươi nhất định muốn nấu thịt cha ngươi, thì nhớ để phần ta một bát canh thịt để ăn!"

Trước những lời lẽ tiểu nhân, vô tình của đối thủ, Hạng Võ không còn cách nào khác, đành phải hạ lệnh thả phụ thân của Lưu Bang.

Tất nhiên, không phải tù binh nào cũng có đủ giá trị để trở thành con tin, cũng không phải con tin nào cũng có số phận may mắn như cha ruột của Hán Cao Tổ hay Sở Hoài Vương Mị Hòe.

Nhan nhản những thảm án tắm máu tù binh

Năm 395, Hoàng đế nước Hậu Yên là Mộ Dung Thùy đem quân tấn công Bắc Ngụy. Khi ấy, Thùy sai con là Thái tử Mộ Dung Bảo làm thống soái, dẫn đầu 8 vạn quân tiến đánh vào lãnh thổ Bắc Ngụy.

Tiếc thay, đoàn quân của Mộ Dung Bảo bại trận ở dốc Tam Hợp. Kết quả là 8 vạn quân tiên phong và 2 vạn quân tiếp viện bị Bắc Ngụy "làm cỏ" đến không còn một mống.

Sau trận đánh này, Bắc Ngụy bắt được hơn 4 vạn tù binh Hậu Yên. Hoàng đế Thác Bạt Khuê đã hạ lệnh dùng đá chôn sống toàn bộ số tù binh này.

Trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai, nhà Minh từng cử viên tướng Trương Phụ sang nước ta. Sinh thời, Trương Phụ là một kẻ vô cùng tàn bạo, khát máu.

Họ Trương này từng giết sứ Hậu Trần là Nguyễn Biểu, chôn sống hàng ngàn tù binh nước ta rồi chất xác họ thành núi, hoặc rút ruộc người treo lên cây, nấu thịt người để lấy dầu.

Tấn bi kịch đối với những tù binh nữ

Cùng mang trên mình thân phận tù binh, nhưng phụ nữ thường là những người thiệt thòi hơn cả. Những người không có nhan sắc thì phải chịu số kiếp cả đời làm nô tỳ, người có chút tư sắc lại dễ dàng bị làm nhục, trở thành công cụ mua vua cho quân địch.

Không chỉ khét tiếng về sự toan tính và đa nghi của mình, Tào Tháo thời Tam Quốc còn nổi danh là kẻ có lòng đam mê không ngừng nghỉ với những nữ tù binh xinh đẹp.

Hé mở tấn bi kịch của kiếp tù binh trong lịch sử TQ - Ảnh 2.

Hậu cung của Tháo có không ít những người từng là vợ của kẻ địch. Dường như sở thích "cướp vợ thiên hạ" đã ăn sâu vào máu của gian hùng Tam Quốc này. (Tranh minh họa).

Lần khác, Tào Tháo và Lưu Bị liên minh đánh Lã Bố đoạt Hạ Phi, Quan Vân Trường từng thích vợ của Tần Nghi Lộc thuộc hạ của Lã Bố.

Không ngờ khi công phá thành nhìn thấy mỹ nhân Tào Tháo lại không kiềm chế được dục vọng nên đã hớt tay trên của Quan Vũ khiến Quan Vũ nổi giận trở thành người đối đầu không đội trời chung với Tào Tháo.

Thậm chí, từng si mê Chân Thị con dâu của bại tướng Viên Thiệu, nhưng cuối cùng chậm chân Tào Tháo đành ngậm ngùi uất hận nhìn người đẹp trong mộng đã bị con trai Tào Phi cướp mất.

Bóc lột chất xám - thủ đoạn "đỉnh cao" đối phó với tù binh

Trong cuộc chiến tranh Minh – Đại Ngu, sau khi nhà Hồ thua trận, quân Minh đã giải 16 vạn tù binh về Trung Hoa. Tuy nhiên, sau khi giải qua bên kia biên giới, tuyệt nhiên 16 vạn tù binh này lại không rõ tung tích.

Sức sách Minh triều ghi lại, đoàn người khổ sai bao gồm hoàng thất, quan lại, trí thức… ấy bị bắt đi lính, đi phu, xây thành đắp lũy và chết tha hương ở nơi đất khách.

Hé mở tấn bi kịch của kiếp tù binh trong lịch sử TQ - Ảnh 3.

Bóc lột từ sức lao động cho tới chất xám chính là cách thức các vương triều phong kiến Trung Hoa đối xử với tù binh. (Tranh minh họa).

Chỉ một số ít trong đó là những người tài giải thì bị Minh triều bóc lột chất xám một cách triệt để, tiêu biểu là kiến trúc sư đại tài của đất Việt - Nguyễn An.

Sau thất bại của nhà Hồ, Nguyễn An bị "thiến" để trở thành thái giám, đồng thời bị nhà Minh bóc lột chất xám một cách triệt để. Ông là kiến trúc sư trưởng xây dựng Tử Cấm Thành Bắc Kinh, đồng thời tham gia thiết kế hệ thống trị thủy sông Hoàng Hà.

Từ đó, ta có thể thấy dã tâm thâm độc của giặc Minh và cách thức ứng xử thiếu nhân văn của các triều đại phong kiến Trung Hoa với tù binh.

Bằng nhiều hành động khác nhau, chúng bóc lột chất xám của người tài, còn lại tất cả chúng xem như những người vô danh, chết đi không để lại một dòng tiểu sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại