Hậu vụ tàu Philippines bị Trung Quốc đâm chìm: ‘Đi thăng bằng trên dây’

Nhất Tuệ |

Sau 3 năm thực hiện chính sách "hữu hảo" với Bắc Kinh trên cương vị Tổng thống Philippines (nhậm chức ngày 30-6-2016), dường như ông Rodrigo Duterte đang phải “đi thăng bằng trên dây” trước những thách thức của Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền trên biển sau sự kiện Trung Quốc đâm chìm tàu cá nước này hôm 9-6 vừa qua.

Chủ trương "không đối đầu"

Ngày 20-11-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Philippines. Trong chuyến thăm, hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức "đối tác chiến lược toàn diện". Đây là điểm mới trong chính sách ngoại giao của Philippines dưới thời Tổng thống Duterte nhằm thực hiện chủ trương "không đối đầu, không thù địch" với Trung Quốc để phát triển đất nước, nhất là về kinh tế.

Hậu vụ tàu Philippines bị Trung Quốc đâm chìm: ‘Đi thăng bằng trên dây’ - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình là lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc thăm Philippines trong 13 năm qua (Nguồn: Reuters)

Sau khi ông Duterte lên nắm quyền, chính sách ngoại giao của Philippines đã có sự điều chỉnh lớn, thậm chí khác biệt rất nhiều so với chính quyền tiền nhiệm (cứng rắn với Trung Quốc). Theo đó, mặc dù Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) đưa ra phán quyết cuối cùng về việc Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước ở Biển Đông, mà phần thắng thuộc về Philippines, nhưng ông Duterte vẫn tuyên bố muốn có quan hệ thân thiện với Trung Quốc và sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề này.

Thực hiện tuyên bố trên, tháng 10-2016, ông Duterte đã có chuyến thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký 13 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, trị giá khoảng 24 tỷ USD, trong đó khoản vay ưu đãi lên tới 9 tỷ USD. Phía Trung Quốc nhất trí giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Philippines thông qua đàm phán song phương và ủng hộ nước này trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2017.

Sau chuyến thăm đó, quan hệ song phương ngày càng phát triển, tạo cơ sở để hai nước nâng cấp quan hệ lên mức "đối tác chiến lược toàn diện".

Lợi ích từ chính sách "hữu hảo"

Dưới góc nhìn của dư luận Trung Quốc, sự kiện Philippines nâng cấp "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc được coi là "bước đột phá" đối với hai nước, nhất là Philippines vì thông qua cấp quan hệ này, Philippines có thể giành được ít nhất 5 lợi ích lớn:

Thứ nhất, hợp tác với Trung Quốc trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI), sẽ giúp Philippines có cơ hội thúc đẩy phát triển đất nước, nhất là về kinh tế. Sáng kiến BRI là của Trung Quốc và do Trung Quốc lãnh đạo, nên nước nào xích lại gần Trung Quốc hơn về chiến lược thì đương nhiên sẽ được hưởng lợi về nguồn vốn đầu tư.

"Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI" (một nhánh của BRI), phía Tây được tính từ ven biển Trung Quốc đi qua Biển Đông hướng sang phía Nam, đi xuyên qua eo biển Malacca đến Ấn Độ Dương, tiếp đó là châu Phi và châu Âu; phía Đông đi từ Thái Bình Dương đến Nam Thái Bình Dương kết nối với khu vực Mỹ Latinh.

Hậu vụ tàu Philippines bị Trung Quốc đâm chìm: ‘Đi thăng bằng trên dây’ - Ảnh 2.

29 thỏa thuận được ký kết ngày 20-11-2018 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm 2 ngày tới Philippines (Nguồn: Reuters)

Hiển nhiên, Trung Quốc phải tiến từ Biển Đông vào Ấn Độ Dương, nên những quốc gia nào ven biển tuyến đường này xích lại gần Trung Quốc thì chắc chắn sẽ giành được nhiều cơ hội phát triển hơn (song, các nước khu vực ASEAN hiện nay đang tỏ ra do dự trước chiêu bài "ngoại giao bẫy nợ" của Chính phủ Trung Quốc).

Nhận thấy điều này, nên sau khi nắm quyền, Tổng thống Duterte đã chủ trương cải thiện quan hệ với Trung Quốc, tích cực kết nối với BRI và nhận được phản ứng tích cực từ phía Trung Quốc.

Thứ hai, làm tăng khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Trung Quốc. Do có sự kết nối chiến lược với Trung Quốc nên nền kinh tế Philippines sẽ có thêm khả năng phát triển bền vững, trong đó, lợi ích thực tế bao gồm: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ hội thương mại, công nghệ và việc làm, viện trợ kinh tế và dân sinh... đến từ Trung Quốc ngày càng nhiều; lợi ích kinh tế do cùng khai thác dầu khí và hợp tác nghề cá ở Biển Đông, do du khách Trung Quốc mang lại cho Philippines...

Có thể thấy, với tư cách là nước có trên 100 triệu dân, nếu Philippines không kết nối thị trường và ngành công nghiệp của Trung Quốc thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, thuận lợi trong quá trình phát triển bền vững nền kinh tế.

Thứ ba, an ninh quốc gia "có thể" được đảm bảo hơn. Do Mỹ có căn cứ quân sự ở Philippines, nên điều mà Philippines "e ngại" nhất là Trung Quốc và Mỹ nổ ra xung đột ở Biển Đông. Nếu điều đó xảy ra thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến Philippines.

Theo nhận định của giới chuyên gia, sau khi 2 nước nâng tầm quan hệ, chỉ cần Philippines tích cực phát triển quan hệ song phương và tăng cường kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cũng làm như vậy thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển, an ninh quốc gia của Philippines vì thế cũng được bảo đảm một cách có hiệu quả hơn.

Thứ tư, cuộc chiến chống khủng bố của Philippines sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ. Tuy là "đồng minh ngoài NATO" của Mỹ ở Đông Nam Á, trước đây, vũ khí và trang bị của Philippines hoàn toàn dựa vào sự cung cấp của Mỹ, song đây lại là các loại vũ khí hạng nhẹ và có phần lạc hậu. Bên cạnh đó, do không đủ năng lực, nên Philippines còn phải dựa vào quân đội Mỹ để tiêu diệt các phần tử khủng bố.

Nhớ lại, năm 2017, trước việc thành phố Marawi của Philippines bị khủng bố chiếm lĩnh và kiểm soát, Mỹ đã không tích cực viện trợ cho Philippines do việc Tổng thống Duterte có động thái ngày càng xích lại gần Trung Quốc, khiến an ninh của nước này phải đối mặt với tình trạng nguy cấp, đến mức ông Duterte vừa đến thăm Nga đã phải "vội vã" trở về nước để chỉ đạo trấn áp các thành phần khủng bố.

Tuy nhiên, Philippines không đủ nguồn lực để đánh bại khủng bố giành lại Marawi. Khi quan hệ Philippines-Trung Quốc nâng tầm quan hệ, Trung Quốc sẽ chắc chắn giành sự hỗ trợ cho Philippines, trong đó có viện trợ trang thiết bị và huấn luyện quân sự, điều này sẽ giúp Philippines ổn định được tình hình trong nước trước các sự cố do khủng bố gây ra. Nhất là trong bối cảnh lực lượng IS đang tìm kiếm không gian mới tại Nam Á và Đông Nam Á.

“Đi thăng bằng trên dây”

Tuy nhiên, gần đây, quan hệ Philippines - Trung Quốc có dấu hiệu leo thang căng thẳng trước những thách thức lặp đi lặp lại của Trung Quốc đối với chủ quyền vùng biển của Philippines.

Ngày 13-6-2019, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo cho biết, nước này sẽ cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nếu chứng minh được tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu Philippines.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng lên án hành động "hèn nhát" của một tàu cá Trung Quốc vì đã bỏ rơi 22 ngư dân nước ông sau vụ va chạm ở biển Đông. Ngoài ra, ông Lorenzana còn gửi lời cảm ơn thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của tàu Việt Nam đã cứu mạng 22 ngư dân Philippines. Sự cố xảy ra tại bãi Cỏ Rong thuộc chủ quyền Việt Nam vào tối 9-6, khi tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc đâm chìm tàu FB Gimver 1 của Philippines rồi bỏ chạy.

Hậu vụ tàu Philippines bị Trung Quốc đâm chìm: ‘Đi thăng bằng trên dây’ - Ảnh 3.

Từ trái sang phải: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Nguồn: ABS-CBN News)

Bên cạnh đó, đến nay, những số liệu mới xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế sau khi Philippines nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vẽ lên một "bức tranh hỗn tạp". Đầu tư và thương mại không gia tăng nhiều, nhưng lượng du khách và lao động lại tăng lên.

Từ góc nhìn kinh tế, doanh thu từ du khách Trung Quốc chắc chắn là một lợi ích được ngành công nghiệp du lịch Philippines chào đón. Tuy nhiên, việc có thêm lao động Trung Quốc là điều ít hấp dẫn hơn khi xét tới những thách thức đối với nước này trong việc tạo ra đủ việc làm cho đa số đông đảo lực lượng lao động trẻ của Philippines.

Số lượng người Trung Quốc ở Philippines mấy năm qua đã tăng mạnh, dấy lên những lo ngại về an ninh quốc gia của nước này, đặc biệt là từ khi Trung Quốc tiếp tục các động thái cứng rắn mới nhằm chiếm giữ trái phép phần lớn Biển Đông.

Xét tới các vấn đề an ninh quốc gia có liên quan tới mối quan hệ của nước này với Trung Quốc, những xu hướng này rõ ràng cần phải được giám sát ít nhất thông qua lăng kính kinh tế lẫn an ninh quốc gia.

Như vậy, hướng đi chính của Philippines trong thời gian tới sẽ là tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc để tận dụng các lợi ích kinh tế, song cũng cần cẩn trọng hơn trước những toan tính ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước này, trong khi vẫn duy trì các lợi ích từ sự bảo vệ của Mỹ. Mục tiêu này như thể "đi thăng bằng trên dây", vì cả Mỹ và Trung Quốc đều đang gia tăng sức ép lên Philippines. Do đó, Tổng thống Duterte cần khéo léo cân bằng quan hệ đối với cả hai phía.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại