Hanoi Hannah: Giọng đọc đã thành ám ảnh không quên với lính Mỹ

Hải Võ |

Hàng ngày, "Hanoi Hannah" phát nhạc Joan Baez hay Bob Dylan, đọc danh sách lính Mỹ thiệt mạng và đưa tin từ báo chí Mỹ về phong trào phản đối cuộc chiến ở Việt Nam.

Trong một dự án tháng 11/1991, nhà báo Don North - cựu phóng viên truyền hình ABC, tác giả bộ phim tài liệu nổi tiếng "Việt Nam - Cuộc chiến 10.000 ngày" - đã có cơ hội gặp gỡ bà Trịnh Thị Ngọ, cựu phát thanh viên của Đài tiếng nói Việt Nam từng khiến lính Mỹ "mất ăn mất ngủ" trong chiến tranh Việt Nam.

Năm 1965, khi Cục Địch vận của Quân đội Việt Nam hợp tác với Đài thực hiện các chương trình phát thanh hướng tới quân nhân Mỹ đang ở miền Nam Việt Nam, giọng đọc của bà đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Người Mỹ gọi bà Ngọ là "Hanoi Hannah" (Hannah Hà Nội), còn bà được biết đến trên sóng phát thanh với tên gọi Thu Hương. Nhưng không mượt mà như cái tên trên Đài, công việc của bà Ngọ là "ru ngủ và cảnh cáo", ông North viết.

"Xin chào các G.I. Joe (chỉ lính Mỹ nói chung-PV)," đây trở thành một trong những câu nói quen thuộc với hầu hết lính Mỹ tới tham gia cuộc chiến ở Việt Nam.

"Tôi thấy có vẻ như hầu hết các anh được cung cấp rất ít thông tin về diễn biến của cuộc chiến, lại càng không được một lời giải thích đúng đắn về sự hiện diện của các anh ở đây.

Không có gì mơ hồ bằng việc được lệnh dấn thân vào một cuộc chiến để bị chết hoặc bị thương tật cả đời mà không có lấy một ý niệm mờ nhạt nhất về chuyện gì đang xảy ra," bà Ngọ nói trong chương trình ngày 16/6/1967.

Chương trình phát thanh của bà Trịnh Thị Ngọ là sự kết hợp giữa âm nhạc Mỹ, thông điệp cùng thanh âm quen thuộc gửi đến những quân nhân Mỹ tin rằng cuộc chiến này là "ngày tận thế", và họ không quan tâm đến việc đang nghe ai nói: Radio Hanoi hay Lực lượng vũ trang Mỹ.

Là một cựu phóng viên trong chiến tranh Việt Nam, Don North kể rằng nghe tiết mục bằng tiếng Anh của "Hanoi Hannah" là công việc thường xuyên của ông.

Lính Mỹ và những người quan tâm có thể nghe Radio Hanoi tại gần như mọi khu vực ở miền Nam, đặc biệt là về đêm. North thường tụ tập với các nhóm lính Mỹ vào khoảng 22h30 để uống bia và cùng nghe "Hanoi Hannah", thậm chí cảm thấy vui vẻ nếu đơn vị của ai đó được bà Ngọ nhắc đến trên đài.

Hanoi Hannah: Giọng đọc đã thành ám ảnh không quên với lính Mỹ - Ảnh 1.

(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

Ấn tượng của cựu binh Mỹ về người phụ nữ "cái gì cũng biết"

Ken Watkins là cựu lính thủy đánh bộ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Thời điểm năm 1991, ông là cố vấn của Trung tâm phát triển mở rộng của Cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ông cùng một nhóm cựu binh từ California đã trở lại Việt Nam để xây dựng cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Vũng Tàu.

"Hanoi Hannah" là một cái tên quen thuộc của những ngày xưa cũ mà Watkins có dịp hội ngộ khi cùng Don North gặp bà Trịnh Thị Ngọ ở tầng thượng khách sạn Rex, TP. HCM.

Watkins là một thính giả thường xuyên của bà khi còn phục vụ trong vai trò y tá quân y ở Ngũ Hành Sơn năm 1966.

Ông kể lại: "Sóng đài ở quanh Đà Nẵng rất tốt và chúng tôi nghe bà ấy nói 1-2 lần mỗi tuần về cuộc chiến mà tôi bắt đầu nghi vấn và muốn biết những quan điểm khác.

Chương trình phát thanh của Lực lượng vũ trang Mỹ đã không nói một cách thực sự về cuộc chiến. Họ phớt lờ các vấn đề và thái độ của công chúng tại Mỹ...

Điều hay nhất là đó là một phụ nữ và bà ấy có giọng nói rất êm dịu."

"Bất kể khi nào bà ấy đọc tên đơn vị chúng tôi, Trung đoàn Lính thủy đánh bộ số 1, và nói ra địa điểm của chúng tôi thì nó luôn ám ảnh tâm trí tôi. Nhiều người trong số chúng tôi nghĩ rằng bà ấy đã do thám ở khắp nơi hoặc có phép màu," ông Watkins nói với Don North.

North cho hay, lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam gần như mất tín nhiệm với thông tin được cung cấp bởi quân đội do chính sách kiểm duyệt và phóng đại. Điều đó khiến những sự thật mà "Hanoi Hannah" cung cấp trở nên hiệu quả hơn khi lính Mỹ chẳng lạ gì cách mà cơ quan tuyên truyền của họ phản ứng.

Ông viết: "Việt Nam đã dạy chúng ta rằng trao đổi thông tin trở nên quá phổ biến trong thế giới thu hẹp này và sự bưng bít là bất khả thi. Độ chính xác và tính trung thực khi phát tin là hết sức quan trọng, không chỉ bởi đó là điều đúng đắn về đạo đức mà còn là một thực tế."

Hanoi Hannah: Giọng đọc đã thành ám ảnh không quên với lính Mỹ - Ảnh 2.

Nhà báo kỳ cựu Don North. (Ảnh: Lan Phương/Tuổi trẻ)

Thông tin được bà Ngọ đọc trong các chương trình cho lính Mỹ được thu thập từ... chính báo chí Mỹ.

Bà chia sẻ với Don North: "Tờ Star and Stripes của quân đội Mỹ. Chúng tôi đọc thông tin trong đó. Chúng tôi nhận thông tin hàng ngày. Ngoài ra chúng tôi cũng đọc Newsweek, TIME và nhiều tờ báo khác.

Chúng tôi cũng lấy được thông tin từ AP và UPI, và đương nhiên cả các tin tức từ Thông tấn xã Việt Nam được chúng tôi viết lại.

Chúng tôi có rất nhiều nguồn tin. Chúng tôi đưa tin tức của các nhà báo Mỹ lên sóng, đặc biệt là thông tin về thương vong.

Có một danh sách những quân nhân [Mỹ] chết trên chiến trường, chúng tôi đọc thông tin đó cùng với địa điểm cụ thể."

Mike Roberts, lính thủy đánh bộ da đen Mỹ ở Đà Nẵng giai đoạn 1967-1968, đến từ Detroit, bang Michigan có ấn tượng mạnh về "Hanoi Hannah".

Ông kể: "Tôi còn nhớ vào tháng 6/1967, tôi ngồi trong lều với khoảng 13 người nữa. Chúng tôi đang cờ bạc, uống rượu để giết thời gian, nói chuyện thế giới, đàn ông, nghe nhạc... thì một người cứ yêu cầu giữ yên lặng. Anh ta nói 'có một vụ bạo động [của người da đen] ở Detroit'.

Tôi đoán là chính quyền đã huy động quân đội... và có người thiệt mạng. Hoàn toàn không có thông tin gì về việc họ bạo động về cái gì? Họ muốn gì?..."

Đài phát thanh của quân đội Mỹ đã không cung cấp cho các binh lính một góc nhìn toàn cảnh về những việc đang xảy ra.

"Hanoi Hannah nhanh chóng đưa tin về vụ việc, và bà ấy biết lực lượng nào được điều động, sử dụng vũ khí gì... Chúng tôi biết loại vũ khí nào và mức độ sát thương mà nó gây ra cho con người, và nay những vũ khí đó đang nhắm vào chúng tôi (người da đen-PV)...

Rõ ràng nếu Hanoi Hannah biết về thông tin đó nghĩa là đài phát thanh Lực lượng vũ trang Mỹ cũng vậy. Họ biết nhiều hơn những gì họ nói cho chúng tôi.

Đó thực sự là lần đầu tiên tôi bắt đầu nghe Hanoi Hannah kêu gọi những người da màu suy nghĩ lại về tình trạng của mình. Tại sao anh chiến đấu [ở Việt Nam]? Anh còn có cuộc chiến riêng ở Mỹ."

Bà Trịnh Thị Ngọ là con gái của nhà tư sản Trịnh Đình Kính, được mệnh danh là "ông hoàng thủy tinh Đông Dương". Từ nhỏ, bà được học tiếng Pháp và tiếng Anh của người bản xứ.

Năm 1955, bà bắt đầu làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam.

Bà qua đời lúc 17h15 ngày 30/9, hưởng thọ 87 tuổi. Lễ động quan vào ngày 2/10. Sau đó, linh cữu bà Trịnh Thị Ngọ được an táng tại xã Long Trì, Châu Thành, Long An.

Với vốn ngoại ngữ được học bài bản, lại được các chuyên gia huấn luyện, bà trở thành phát thanh viên tiếng Anh nổi bật của đài Tiếng nói Việt Nam với tên Thu Hương.

Nhiều thính giả từ các nước Đông Nam Á, Bắc Âu nghe chương trình phát thanh đối ngoại bằng tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản hồi rất yêu thích giọng đọc Thu Hương - Trịnh Thị Ngọ.

(theo Hải Thanh/Zing)

[VIDEO] Giọng đọc ám ảnh lính Mỹ của "Hannah Hanoi" Trịnh Thị Ngọ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại