Hàng loạt cô gái "sống dở chết dở" vì biến chứng khi nâng mũi

Linh Trang |

Gần đây, tại các bệnh viện lớn liên tục tiếp nhận không ít bệnh nhân bị biến chứng hỏng mũi sau khi đi cấy chỉ nâng mũi ở các spa.

Đầu mũi hoại tử sắp thủng sau 4 tháng nâng mũi

Sáng 17/1, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung (Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc) cho biết: "Cơ sở vừa tiếp nhận trường hợp của chị Nguyễn Thị Na, 27 tuổi, sinh sống tại TP.HCM trong tình trạng đầu mũi hoại tử sắp thủng rất nguy hiểm".

Theo lời chị Na, cách đây bốn tháng chị đến một spa tại TP.HCM để làm đẹp và được tư vấn nâng mũi bằng chỉ, sở dĩ chị quyết định nâng mũi bằng phương pháp này vì nó đang là "mốt" của nhiều cô gái và giá cả khá mềm so với chi phí của các phương pháp nâng mũi khác. 

Đặc biệt, phương pháp này không phải mổ, không đau đớn và sau 20 phút sẽ có mũi đẹp ưng ý.

Hàng loạt cô gái sống dở chết dở vì biến chứng khi nâng mũi - Ảnh 1.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Na, 27 tuổi, sinh sống tại TP.HCM trong tình trạng đầu mũi hoại tử sắp thủng rất nguy hiểm" (Ảnh do BS cung cấp)

Thế nhưng sau một thời gian nâng cấp từ mũi tẹt lên mũi cao, chị thấy dáng mũi cứng, khó chịu và mũi càng lúc càng sưng nề, căng mọng. Đầu mũi có nhiều chỗ xuất hiện màu xanh, dấu hiệu lõm thủng và có dấu hiệu hoại tử. Quá hoang mang, chị đã tìm đến cơ sở y tế thẩm mỹ chuyên sâu để kiểm tra.

Sau khi nhập viện và thăm khám tại Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc, bác sĩ nhận thấy trường hợp của chị rất nguy hiểm, bị biến chứng từ lần phẫu thuật nâng mũi bằng chỉ trước đó. Các dấu hiệu cho thấy, đầu mũi có biểu hiện sắp thủng, xuất hiện đốm lõm màu xanh.

Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, Bác sỹ Dung rút ra một đống chỉ mà trước đó được đưa vào mũi chằng chịt. Đồng thời, phần da mũi bên ngoài gần hoại tử nên bác sĩ phải cắt lọc, nạo hết ổ mủ nhiễm trùng và dùng kháng sinh để tránh vết thương viêm nhiễm nặng hơn.

Hàng loạt cô gái sống dở chết dở vì biến chứng khi nâng mũi - Ảnh 2.

Số đoạn chỉ được lấy ra từ mũi chị Na

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung khuyến cáo: "Hiện tại nâng mũi bằng chỉ không phải là phương pháp chính thống trong thẩm mỹ mũi, nhiều trường hợp nhiễm trùng và biến chứng...

Chưa nói một số thủ thuật nâng mũi bằng chỉ là kết hợp bơm chất làm đầy để làm mũi cao chứ không phải các sợi chỉ nâng cao được mũi, các sợi chỉ ko thể nào tạo dáng mũi như ý muốn".

Tiến sĩ - Bác sĩ Phan Minh Hoàng - Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM cho biết, nhược điểm nhất định của nâng mũi bằng chỉ là chỉ áp dụng cho trường hợp mũi không quá thấp và mũi không có thêm các khuyết điểm khác.

Mũi quá thấp, mũi có phần cánh rộng, đầu mũi thô, mũi lệch, vẹo, gồ hoặc mũi quá dài cũng không thể áp dụng phương pháp này.

Thành "tắc kè xanh" sau khi cấy chỉ nâng mũi

Mới đây, trường hợp cô gái 28 tuổi (Hà Nội) đã buộc phải tháo chỉ vào cuối tuần qua do không hài lòng với dáng mũi, mũi thâm và xanh sau nâng tại một thẩm mỹ viện gần nhà.

Hàng loạt cô gái sống dở chết dở vì biến chứng khi nâng mũi - Ảnh 3.

Mũi cô gái 28 tuổi (Hà Nội) có màu xanh

Bác sĩ Lê Quốc Vương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết, bệnh nhân nữ này đến gặp bác sĩ trong tình trạng mũi có màu xanh. Lý do cô gái nhờ bác sĩ tháo chỉ là không hài lòng với dáng mũi sau nâng, cùng với đó là cảm giác khó chịu và tình trạng mũi có màu xanh.

BS Quốc Vương ước tính có khoảng 3 sợi chỉ xanh 2.0 được cấy vào mũi khách hàng. Do các sợi chỉ đan vào nhau thành búi nên bác sĩ đã phải cắt nhỏ thành 20 - 30 đoạn để gắp ra.

Nhận định về trường hợp này, BS Quốc Vương cho biết màu xanh của mũi là do các sợi chỉ xanh nằm sát da mũi tạo ra. BS đã phải nạo bỏ các cơ xơ hóa, bơm rửa betadine và kháng sinh để chống nhiễm trùng.

Hàng loạt cô gái sống dở chết dở vì biến chứng khi nâng mũi - Ảnh 4.

Ước tính số đoạn chỉ cắt ra này là 20-30 đoạn (Ảnh do BS cung cấp)

Trước đó, cô gái này đã đến một thẩm mỹ viện gần nhà. Sau khi nghe tư vấn nâng mũi bằng chỉ an toàn hơn tiêm filler hay silicon, cô đã quyết định chọn phương pháp nâng mũi bằng chỉ với chi phí là 15 triệu đồng.

Khi thấy mũi đổi màu, cô gái đã quay lại thẩm mỹ viện thì nhận được giải thích "vết thương đang lành, màu xanh là do tụ máu bầm, một thời gian nữa sẽ tan". Tuy nhiên, kể từ thời điểm nâng mũi là tháng 7/2017, đến nay (tháng 1/2018), mũi vẫn luôn là màu xanh, khiến cô gái bị mọi người trêu trọc là "tắc kè xanh".

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp nâng mũi bằng chỉ đã phải tháo ra vì kết quả thường không được như mong muốn.

Không ít trường hợp cấy chỉ vào cơ địa gây ra các tác hại như dị ứng, chảy máu kéo dài, nguy cơ khô mũi, viêm xoang,… nặng hơn có thể dẫn đến hiện tượng đau kéo dài, viêm thân mũi, nhiễm trùng thủng đầu mũi, chân mũi thò ra ngoài khiến cho mũi bị biến dạng, bị vẹo hay 2 lỗ mũi không đều nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại