Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có gì mà khiến Mỹ lo ngại?

Anh Tuấn |

Theo tạp chí National Interest, việc Trung Quốc chế tạo được các loại tàu ngầm hiện đại và yên lặng hơn so với các mẫu tàu trước đây đang trở thành một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực.

Trung Quốc trong những năm gần đây đã gây được rất nhiều sự chú ý khi lực lượng hải quân của họ ngày càng phát triển.

Cụ thể, nước này đã cho ra mắt tàu Liêu Ninh, một mẫu tàu sân bay được cải tạo từ tàu cũ do Liên Xô chế tạo, vào năm 2012 và tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ được hạ thủy vào năm 2020. Thêm vào đó, từ năm 2004 đến nay, nhiều loại tàu quân sự trên biển mới đã xuất hiện.

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có gì mà khiến Mỹ lo ngại? - Ảnh 1.

Một tàu ngầm Type 093 của Trung Quốc

Trung Quốc cũng cho ra mắt nhiều loại tàu ngầm hiện đại hơn, được trang bị các loại tên lửa thường hoặc tên lửa hạt nhân. 

Trước đây, các tàu ngầm Trung Quốc đều đã cũ và gây ra tiếng ồn khá lớn, khiến các tàu ngầm của Mỹ có thể dễ dàng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt, tuy nhiên trong báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc, các chuyên gia đã đánh giá rất cao về quá trình phát triển tàu ngầm của Trung Quốc.

Ông Jim Fanell, một cựu giám đốc tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, Trung Quốc đang rất chú trọng phát triển tàu ngầm. “Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là qua mặt Hải quân Mỹ và trở thành lực lượng tàu ngầm lớn và lợi hại nhất trên thế giới”, ông Fanell nói.

Hiện lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có 63 tàu, trong đó có 9 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 54 tàu ngầm diesel. Tuy nhiên ước tính trong ba năm tới tổng số tàu ngầm Trung Quốc sẽ tăng lên thành khoảng từ 69 đến 78 tàu.

Số lượng tàu ngầm mang tên lửa chống hạm của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Từ thập niên 1990 tới nay, Trung Quốc đã cho đóng 13 tàu lớp Tống và 17 tàu lớp Nguyên có động cơ không phụ thuộc không khí. Dự kiến 3 tàu lớp Nguyên nữa sẽ được đưa vào hoạt động trước năm 2020.

Đối với tàu ngầm hạt nhân, Hải quân Trung Quốc đã cho phát triển 2 tàu ngầm lớp Thương-1 và 4 tàu ngầm lớp Thương-2. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn có các tàu ngầm lớp Tấn mang tên lửa đạn đạo JL-2, một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ hai do Trung Quốc phát triển. Trong tương lai, tàu Type 096 sẽ được đưa vào hoạt động và sẽ mang tên lửa JL-3, lợi hại hơn nhiều so với JL-2.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang nghiên cứu phát triển một lớp tàu ngầm hạt nhân mới, có tên gọi Type 093B. Theo Lầu Năm Góc, Type 093B “không những nâng cấp khả năng công kích các tàu chiến trên biển của Trung Quốc, mà còn có thể tập kích các mục tiêu gần bở biển”. 

Nhiều tàu ngầm của Trung Quốc đều đang trang bị các tên lửa hiện đại YJ-18, được Mỹ coi là một trong những loại vũ khí chống hạm chết người nhất trên thế giới.

Có thể thấy rằng, Trung Quốc đã có những bước tiến rất dài và đang thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Mỹ. Ông Rick Fisher, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược Quốc tế Mỹ (IASC) cho biết báo cáo của Lầu Năm Góc về Type 095, loại tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Trung Quốc là rất đáng chú ý.

Theo đó, báo cáo này nói rằng Trung Quốc có thể sẽ chế tạo thêm 14 tàu ngầm hạt nhân Type 095. “Rất có thể loại tàu này đang được phát triển cùng với những loại tàu khác của Trung Quốc”, ông Fissher nói. 

“Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ có đến 20 tàu ngầm hạt nhân trong tương lai. Nó sẽ khiến sức ép đối với các tàu ngầm của Mỹ được triển khai tới khu vực Thái Bình Dương ngày càng tăng, và sẽ khiến nhiều người lo ngại rằng khả năng chiến đấu của tàu ngầm Trung Quốc có thể sánh được với Mỹ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại