Hải quân Nga – Trung tập trận: Thông điệp gửi tới Mỹ hay Triều Tiên?

Minh Thu |

Cuộc tập trận chung của hải quân Nga - Trung được cho là thông điệp gửi tới phương Tây rằng, "Mỹ cùng các đồng minh hiện không và sẽ không bao giờ có thể tự do trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên".

Cuộc tập trận của hải quân Nga và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đứng trước nguy cơ chứng kiến thế chiến thứ ba sau khi Triều Tiên liên tiếp cho thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Điều đáng nói là Nga và Trung Quốc đã quyết định đồng thuận với lệnh trừng phạt tăng cường mà mới đây Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên dù trước đó, Moscow và Bắc Kinh nhiều lần bất đồng với Washington về phương thức giải quyết khủng hoảng Triều Tiên.

Hiện tại, cuộc tập trận chung của hải quân Nga – Trung đang diễn ra ở vịnh Peter, ngoài khơi phía đông thành phố cảng Vladivostok của Nga. Vịnh Peter còn là khu vực nằm rất gần với Triều Tiên.

Đây là đợt diễn tập giai đoạn thứ hai sau cuộc tập trận được Nga – Trung tiến hành hồi tháng Bảy. Trong cuộc tập trận ở vùng biển Baltic, Nga – Trung khẳng định, hoạt động quân sự của hai nước không liên quan tới tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, cả Moscow và Bắc Kinh nhiều lần kêu gọi các bên liên quan đưa ra giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên ngay cả khi Bình Nhưỡng và Washington lớn tiếng đe dọa tấn công quân sự lẫn nhau hồi tháng Tám. Cụ thể, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố có kế hoạch dùng 4 tên lửa đạn đạo tấn công căn cứ không quân trên đảo Guam của Mỹ.

Chia sẻ với tờ ValueWalk của Mỹ hôm 18/9, Giáo sư Ashok Swain tại Đại học Uppsala, Thụy Điển nhấn mạnh, các cuộc tập trận của Nga – Trung là "thông điệp mạnh mẽ gửi tới Mỹ". Cũng theo ông Swain, cuộc tập trận đang diễn ra của hải quân Nga – Trung rõ ràng là "thông điệp gửi tới phương Tây rằng Mỹ cùng các đồng minh hiện không và sẽ không bao giờ có thể tự do trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên".

Khi được hỏi về tầm quan trọng của Moscow và Bắc Kinh ở bán đảo Triều Tiên, Giáo sư Swain khẳng định: "Trung Quốc và Nga nắm chìa khóa kiềm chế Triều Tiên. Nếu không có sự đồng thuận của Nga – Trung, hành động của Mỹ với Triều Tiên sẽ chỉ như là tự sát".

Tuy nhiên, không ít chuyên gia vẫn nghi ngờ liệu cuộc tập trận chung của hải quân Nga – Trung muốn gửi đi thông điệp tới Triều Tiên hay Mỹ. Song thực tế, Bắc Kinh vẫn không thể phủ nhận tầm quan trọng của Bình Nhưỡng.

Dù quan hệ Trung – Triều đã có những dấu hiệu xuống dốc tồi tệ nhất từ trước tới nay kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011, nhưng Bình Nhưỡng vẫn xem Triều Tiên là một vùng đệm quan trọng không gì có thể thay thế trong hàng thập niên qua để ngăn quân đội Mỹ - Hàn tiến lại gần biên giới Trung Quốc.

Ngay cả khi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh vẫn là đối tác chiếm tới 90% doanh thu thương mại của Triều Tiên cũng như là đối tác thương mại chủ chốt của quốc gia láng giềng.

Nhưng Trung Quốc đã "chuyển từ ngọt ngào sang cay đắng" với Triều Tiên khi ban bố lệnh cấm nhập khẩu than, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu thương mại của chính quyền Bình Nhưỡng.

Thậm chí, hồi tuần trước, Bắc Kinh cho hay các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc tuyên bố từ chối giải quyết các giao dịch mới của các cá nhân và công ty Triều Tiên. Về phần mình, người dân Triều Tiên vẫn hy vọng sự trợ giúp từ các công dân Trung Quốc sinh sống ở Triều Tiên sẽ giúp Bình Nhưỡng lách luật của Bắc Kinh.

Còn hiện tại, cuộc tập trận chung Nga – Trung vẫn đang là đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông quốc tế bởi hai quốc gia này được xem là đồng minh chủ chốt của Triều Tiên. Thực tế, Moscow đã duy trì hoạt động liên lạc thường xuyên với Bình Nhưỡng kể từ thời Thế chiến thứ Hai.

Dù Nga có tầm ảnh hưởng tới Triều Tiên hạn chế hơn so với Trung Quốc song vai trò quan trọng của Moscow ở bán đảo Triều Tiên là không thể phủ nhận. Nhất là khi thành phố cảng Vladivostok của Nga chỉ nằm cách khu vực Triều Tiên cho thử nghiệm tên lửa và hạt nhân có vài trăm dặm trong khi Vladivostok còn được xem là khu vực trọng yếu của Nga.

Cụ thể, Vladivostok không chỉ là cửa ngõ giúp Nga kết nối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn là trụ sở hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương và trung tâm thương mại năng lượng của Nga.

Chính vị trí nằm gần các bãi thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên khiến hàng loạt lợi ích của Nga ở khu vực đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Những nguy cơ này bao gồm nguy nhiễm phóng xạ nếu không may bán đảo Triều Tiên bùng nổ chiến tranh hạt nhân hay tên lửa Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ vì chệch hướng bay dự kiến.

Ngoài ra, giống như Trung Quốc, Triều Tiên được xem là vùng đệm quan trọng ngăn cản hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tiến gần Nga. Bởi hiện nay, Washington vẫn đang tiếp tục di chuyển lực lượng tên lửa tới sát biên giới Triều Tiên bằng cách đưa khí tài tới Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại