Hacker lập trang Web lừa đảo chiếm đoạt tiền tỉ

Hoài Thu |

Lớn lên nơi quê nghèo, bố mẹ lam lũ chắt chiu để kỳ vọng Thịnh ăn học thành tài. Nào ngờ, Thịnh "trở mặt", tận dụng kiến thức đã học để lập trang web ảo, lên facebook lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng phục vụ cho sở thích đi bar, vũ trường.

Đáng trách hơn, gần 50 nạn nhân sập bẫy lừa mà Thịnh nhắm đến lại chính là những người dân nông thôn, miền núi mới chỉ tập tành tiếp cận với công nghệ.

Họ dễ dàng tin vào một sự may mắn bất ngờ bằng hình thức "trúng thưởng tài sản có giá trị" trên mạng xã hội…

Và để xóa sạch dấu vết, tránh sự điều tra của cơ quan Công an, sau mỗi phi vụ lừa đảo thành công, Thịnh lại sẵn sàng vứt 1 laptop, điện thoại, sim "giao dịch", thẻ ATM xuống sông để phi tang.

Nạn nhân mới "sập bẫy" tin nhắn trúng thưởng cũ

Với kiểu tin nhắn trúng thưởng trên mạng xã hội, lập tài khoản ngân hàng, dùng sim điện thoại khuyến mãi để chiêu dụ nạn nhân "nộp tiền", nhận thưởng… những tưởng đã là chiêu thức lừa đảo quá cũ và luôn được các phương tiện truyền thông cảnh báo…, vậy nhưng gần đây vẫn có hàng loạt nạn nhân tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sập bẫy lừa.

Em Lê H. L. (19 tuổi, quê Quảng Nam) nhân viên bán hàng tại một tiệm café ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, là nạn nhân vừa bị mất 2 triệu đồng tiền lương tháng vì lỡ tin vào "tin nhắn trúng thưởng".

L. bức xúc chia sẻ: Trong lúc quán vắng khách, L rảnh tay lướt Facebook "chém gió" với bạn thì bất ngờ nhận được thông báo tài khoản Messenger đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện "Tuần lễ vàng - tri ân khách hàng năm 2017".

Tin nhắn này cho hay mã số trúng thưởng của L. là DT27… đã may mắn được hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên, xác nhận là tài khoản đã trúng thưởng.

Giải nhất gồm 1 xe máy Honda SH 150i Việt Nam, 1 phiếu quà tiền mặt, 1 thẻ sử dụng xăng miễn phí 1 năm. Giải thưởng do CTCP xe máy Honda và tập đoàn mạng xã hội Facebook tài trợ...

Để nhận thưởng, tin nhắn này hướng dẫn L. tiến hành truy cập vào địa chỉ trang web quatang2016.com, thangbanhanqua.com… để đăng ký làm thủ tục hồ sơ nhận thưởng.

Hoặc liên hệ với nhân viên "chăm sóc khách hàng" số điện thoại (08)147…

Tin nhắn này cũng lưu ý người trúng thưởng: Cần hoàn tất các thủ tục hồ sơ gốc trên website trước khi liên hệ nhân viên...

Để tăng thêm độ tin cậy, trang website còn đăng tải các thông tin về giải thưởng và kèm theo hình ảnh một người dân được "trao nhận giải thưởng".

Quá đỗi vui mừng vì ước mơ có một chiếc xe máy để chạy đi chạy lại giữa Quảng Nam - Đà Nẵng đã "trở thành hiện thực", L. hăm hở gọi điện vào số điện thoại chăm sóc khách hàng nói trên thì được một giọng đàn ông "xác nhận": L chính là người may mắn tiếp theo nhận được giải thưởng của... "công ty".

Không chỉ vậy, người này còn tận tình hướng dẫn L. nộp tiền "lệ phí" trúng thưởng 2 triệu đồng vào tài khoản Ngân hàng Agribank mang tên Nguyễn Thanh Hiếu để hoàn tất thủ tục…

Thế nhưng, sau khi nộp tiền và chờ đợi để nhận giải suốt hơn một tháng, thì số tiền lương vất vả bán café và chiếc xe máy mơ ước của Linh, kể cả số điện thoại liên lạc của "nhân viên chăm sóc khách hàng" cũng bặt vô âm tín….

Cũng giống trường hợp của em L., không ít nạn nhân tại huyện Hòa Vang, Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) và ở các xã vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng cũng tìm đến cơ quan điều tra để tố giác.

Theo họ phản ánh: Sau khi nhận được tin nhắn trúng thưởng, hoàn tất mọi thủ tục, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng cho "đơn vị thông báo", phải chờ đợi và quá sốt ruột đành trực tiếp tìm đến địa chỉ thông báo trên Webside để "nhận giải" thì mới vỡ lẽ: Địa chỉ trên chỉ là mượn của một công ty A, B, C, chứ phía các công ty trên hoàn toàn không có tổ chức khuyến mại, trúng thưởng nào như nội dung tin nhắn.

Ngay chính những công ty bị mạo danh địa chỉ cũng đã lập tức báo cáo với Sở Thông tin và Truyền thông và Công an TP Đà Nẵng về sự việc. Đồng thời, yêu cầu lực lượng Công an nhanh chóng vào cuộc làm rõ để người dân không mất tiền oan, uy tín của công ty không bị ảnh hưởng…

Phòng CSĐT tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC46), Công an TP Đà Nẵng ngay sau khi tiếp nhận nhiều tin báo của bị hại về việc bị lừa trúng thưởng rồi nộp tiền lệ phí trúng thưởng cũng đã vào cuộc.

Các điều tra viên lập tức dùng kỹ thuật nghiệp vụ, phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam sàng lọc, điều tra truy tìm thủ phạm của những vụ lừa đảo trúng thưởng này.

Qua đó, nổi lên Phạm Quốc Thịnh (23 tuổi, trú phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chính là đối tượng tình nghi số một.

Lộ mặt hacker lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng

Sau nhiều tháng lần theo dấu vết của đối tượng tình nghi và công tác nghiệp vụ, đến ngày 17/10, lực lượng điều tra của PC46 Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với Công an phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bất ngờ khám xét nơi ở của đối tượng Phạm Quốc Thịnh tại phường Vĩnh Điện.

Tại đây, lực lượng phối hợp đã phát hiện máy tính, sim rác và nhiều bằng chứng Thịnh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thịnh cũng chính là đối tượng trong tầm ngắm của các điều tra viên Phòng PC46 từ đầu tháng 6/2017.

Thời điểm này, lực lượng an ninh mạng phát hiện một đường dây chuyên sử dụng mạng máy tính, lừa đảo bằng hình thức tin nhắn trúng thưởng để chiếm đoạt tài sản nổi lên tại địa bàn.

Đặc biệt, con số nạn nhân của chúng không ngừng tăng lên và số tiền lừa đảo chiếm đoạt rất lớn.

Đáng chú ý, đối tượng tình nghi Thịnh tuy có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Vĩnh Điện, nhưng lại thường xuyên từ Điện Bàn ra Đà Nẵng rồi về Hội An sử dụng mạng xã hội, lập nhiều tài khoản ngân hàng ở TP Đà Nẵng.

Không chỉ thường xuyên thay đổi chỗ ở, thủ đoạn rất tinh vi, mà đối tượng này luôn "ngoại phạm" vì mọi vật chứng đều bị "phi tang" khi đánh hơi thấy sự vào cuộc của an ninh mạng, gây khó khăn cho công tác điều tra của lực lượng Công an.

Để kịp thời ngăn chặn, không để nạn nhân nào phải sập bẫy "tội phạm mạng" này, tháng 8-2017, Ban Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã quyết định xác lập chuyên án để đấu tranh.

Hacker lập trang Web lừa đảo chiếm đoạt tiền tỉ - Ảnh 1.

Chân dung hacker lừa tin nhắn trúng thưởng Phạm Quốc Thịnh.


Qua nghiệp vụ điều tra, Phòng PC46 xác định, Phạm Quốc Thịnh đã mua tên miền "hosting", sau đó dùng tài khoản mail lập tại trang 10minutemail.net để đăng ký tên miền "hosting", lấy mã về tự lập nhiều website đăng tin lừa đảo trúng thưởng như quatang2016.com, thangbanhanqua.com… rồi nhắn tin trúng thưởng qua mạng xã hội Facebook.

Phần mềm này có chức năng tự động gửi tin nhắn Facebook với nội dung tin nhắn thường là thông báo trúng thưởng xe máy SH, quà tặng 100 triệu đồng, 1 năm sử dụng miễn phí xăng.

Trong tin nhắn trúng thưởng, Thịnh sử dụng 10 số điện thoại sim rác của mạng Mobifone và Viettel, cứ 10 ngày thì dùng 1 số trong 10 số này. Khi bị hại gọi đến số này hoặc điền các thông tin vào thì Thịnh sẽ liên lạc để thông báo trúng thưởng.

Để nhận tiền của các bị hại chuyển vào tài khoản, Thịnh ra Đà Nẵng gặp Nguyễn Văn Muôn (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhờ làm thẻ ATM mở tại chi nhánh Ngân hàng Agribank với giá 1 triệu đồng.

Từ tháng 4-2015 đến lúc bị bắt, Thịnh đã lừa được hơn 50 người dùng Facebook, số tiền chiếm đoạt không dừng lại ở 1 tỷ đồng.

Nạn nhân chủ yếu là người sống tại vùng nông thôn và miền núi, người ít hiểu biết. Người bị lừa nhiều nhất là 30 triệu đồng, người bị lừa ít nhất là 3 triệu đồng.

Tiền chiếm đoạt được, Thịnh dùng để đãi bạn bè ăn nhậu, tiêu xài cá nhân, và đi quán bar - vũ trường.

Để thực hiện hành vi gây án, Thịnh thuê khách sạn ở đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) làm "trụ sở giao dịch" và luôn dùng xảo thuật, nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng như sử dụng nhiều sim rác, liên tục di chuyển, thậm chí vứt máy tính, điện thoại, sim xuống sông…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại