Hạ viện Pháp kêu gọi không ủng hộ gia hạn trừng phạt Nga

Với 55 phiếu thuận và 44 phiếu chống, Hạ viện Pháp ngày 28/4 đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ nước này không ủng hộ việc gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan tới cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Ông Thierry Mariani, nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa của Pháp và cũng là người đưa ra đề xuất trên, nhấn mạnh hai năm sau khi xảy ra xung đột giữa quân đội Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống lại Nga "hoàn toàn không hiệu quả."

Ông Mariani nhận định Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine bị đình trệ, các bên xung đột coi nhẹ lệnh ngừng bắn đã đạt được, trong khi các cải cách mà chính quyền Ukraine cam kết vẫn chưa được thực thi.

Nghị sỹ này cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga đang "gây nguy hiểm" cho kinh tế Pháp, như vụ nước này hủy hợp đồng bán hai tàu chiến lớp Mistral trị giá hàng tỷ USD cho Nga và hậu quả nghiêm trọng từ việc Nga áp lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của nông dân Pháp để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Lệnh cấm của Nga đã khiến giá một số mặt hàng như thịt lợn và sữa "trượt dốc" tại Pháp, nhiều nông dân Pháp rơi vào tình trạng phá sản và theo đó các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối giá nông sản giảm mạnh liên tục nổ ra trên khắp nước Pháp trong những tháng gần đây.

Không chỉ kêu gọi chính phủ ngừng gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga. Một số nghị sỹ Pháp còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc "thành lập một liên minh" với Nga để đối phó với "kẻ thù chung" là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga bắt đầu được áp dụng ngày 31/7/2014 và đã hai lần được gia hạn đến ngày 31/7 tới.

Các lệnh trừng phạt này đã khiến quan hệ giữa Moskva và phương Tây trở nên rất căng thẳng.

Theo ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong khi chính EU cũng chịu nhiều tổn thất to lớn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại