Hạ Long: Nguyên soái Trung Quốc chết thảm vì án "mưu sát lãnh tụ Mao Trạch Đông"

Thủy Thu - Mạnh Quân |

Được cả Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai bảo vệ nhưng nguyên soái "khai quốc công thần" Trung Quốc Hạ Long không thoát được kết cục bi thảm.

Trang 1

Được cả Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai bảo vệ nhưng nguyên soái Hạ Long vẫn không thoát khỏi "nanh vuốt" nhóm Giang Thanh - Lâm Bưu. Cho tới tận khi chết, ông vẫn ngậm nỗi hàm oan.

Đầu năm 1942, Hạ Long được điều về Diên An - cái nôi khởi nghĩa của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - nhậm chức Tư lệnh Biên khu Thiểm Cam Ninh.

Trong một lần nói chuyện với Hạ Long, Mao Trạch Đông nhận xét Lâm Bưu - trong thời kỳ cách mạng văn hóa giữ chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - là kẻ hai mặt, bên ngoài thì ủng hộ nhưng sau lưng lại ngấm ngầm chống đối Mao.


Trước đó năm 1937, trên đường trở về Sơn Tây từ Hội nghị của Ủy ban thường vụ trung ương ĐCSTQ ở Hà Nam, Lâm Bưu đã tự tay viết cho Hạ Long một bức thư yêu cầu Hạ Long kêu gọi đơn vị của mình ủng hộ Tưởng Giới Thạch.

Tuy nhiên, bức thư này đã bị người cảnh vệ vô tình làm nát khi giặt áo cho Hạ Long. Những việc trên khiến Lâm Bưu nơm nớp lo sợ Hạ Long sẽ tiết lộ mọi chuyện.

Đặc biệt, sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập năm 1949, Hạ Long lại càng nhận được sự trọng dụng của Mao Trạch Đông. Điều đó khiến Lâm Bưu bất mãn, lo sợ Hạ uy hiếp trực tiếp tới địa vị của mình.

Đến năm 1959, ngay khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Lâm đưa thân tín nắm giữ hàng loạt các cương vị chủ chốt trong quân đội và tiến hành các cuộc thanh trừng nhằm vào những người không theo phe cánh.

Nguyên soái Hạ Long

Năm 1966, khi cách mạng văn hóa bùng nổ thì người của Lâm đã nắm giữ hầu hết các cương vị chủ chốt nổi bật là Tư lệnh Không quân Ngô Pháp Hiến và Tư lệnh Hải quân Lý Tác Bằng. Hai người này sau đã bị kết án 17 năm tù vào năm 1981.

Hạ Long (1896 - 1969), tên thật là Hạ Văn Thường, quê ở Hồ Nam.

Ông là một trong những người sáng lập và lãnh đạo chủ chốt của lực lượng quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Hạ Long là một trong 10 đại nguyên soái nổi tiếng Trung Quốc và từng giữ chức Phó thủ tướng Quốc vụ viện giai đoạn 1954 - 1965.

Nguyên soái Hạ Long và vợ - bà Tiết Minh (1916 - 2011)

Nhằm tiêu diệt "hòn đá cản đường" Hạ Long, Lâm Bưu đã chỉ đạo cho Ngô Pháp Hiến và Lý Tác Bằng tạo tài liệu giả, vu cáo Hạ Long có dã tâm lớn và có âm mưu làm phản, tranh quyền đoạt vị.

Tuy nhiên, âm mưu này đã thất bại, Lâm liền bắt tay với Giang Thanh - vợ Mao Trạch Đông hòng tiếp tục lập mưu hãm hại Hạ Long.

Lúc này Giang là thành viên Tiểu tổ Cách mạng văn hóa. Đây vừa hay là cơ hội giúp Giang thanh toán các mối hận bấy lâu nay vừa để dọn đường cho Giang leo lên những địa vị cao.

Lâm - Giang tạo ra vô số tài liệu và chứng cứ giả, hình thành một chiến dịch rầm rộ vu cáo Hạ Long. Hai người này cố tình khép Hạ Long vào tội "âm mưu ám sát Mao Trạch Đông bằng một khẩu súng ngắn được giấu trong Trung Nam Hải" và gửi bản cáo trạng lên Mao.


Ngày 5/9/1966, tại phòng nghỉ của bể bơi trong Trung Nam Hải, Mao Trạch Đông đã đưa bản cáo trạng trên cho Hạ Long xem và bày tỏ sự tin tưởng vào lòng trung thành của vị nguyên soái.

Nhưng Hạ Long không ngờ rằng, đó là lần nói chuyện cuối cùng giữa hai người, bởi chỉ 3 ngày sau đó do tác động của Giang Thanh, Hạ Long đã buộc phải "gặp Lâm Bưu để nói chuyện". Ngay sau khi Hạ rời đi, Giang - Lâm chính thức thực hiện bước tiếp theo của kế hoạch.

Cuối năm 1966, dưới sự cổ xúy của Giang Thanh và Lâm Bưu, Hạ Long và các chiến hữu đã bị đưa ra đấu tố. Khi đó, xe tuyên truyền đã rêu rao khẩu hiệu "đả đảo Hạ Long" ở khắp các tuyến phố tại Bắc Kinh.

Khi đó, nhà của nguyên soái Hạ Long bị lục soát, một lượng lớn văn kiện cơ mật bị mang đi. Một nhóm Hồng vệ binh được cử tới bao vây và thay nhau suốt ngày đêm hô khẩu hiệu kiên quyết đòi đấu tố ông.

Hạ Long và Chủ tịch Mao Trạch Đông (1893 - 1976)

Hạ Long vô cùng tức giận muốn đi gặp nhóm Giang - Lâm nhưng bị cản lại. Vợ ông - bà Tiết Minh đành phải đi nhờ sự giúp đỡ của Thủ tướng Chu Ân Lai. Chu đã đưa vợ chồng Hạ đến sống ở nhà mình trong Trung Nam Hải.

Nhưng nhóm Giang - Lâm tiếp tục làm căng khiến Hạ Long bắt buộc phải rời Trung Nam Hải.

Tháng 1/1967, Chu đích thân cử người đưa vợ chồng Hạ Long ra vùng ngoại ô và bảo vệ nghiêm ngặt. Hai vợ chồng nguyên soái sống ở một căn nhà dưới chân núi cùng vài người lính cảnh vệ.

Chẳng được bao lâu, hoạt động đấu tố dưới sự chỉ đạo của nhóm Giang - Lâm ngày càng phát triển, "tội danh" của Hạ Long cũng vì thế mà không ngừng "nâng cấp".

Trước sự vu cáo Hạ Long dồn dập của Giang - Lâm, Mao Trạch Đông bắt đầu dao động. Đến đầu tháng 9/1967, Lâm Bưu chỉ đạo cho vợ mình là Diệp Quần đề cập đến việc lập chuyên án thẩm tra Hạ Long tại một hội nghị trung ương và nhận được sự tán thành nhất trí của nhóm Giang Thanh.

Ngày 13/9, Mao Trạch Đông phê chuẩn bản báo cáo thành lập tổ chuyên án thẩm tra Hạ Long. 

Ngày 22, nhóm Giang - Lâm bắt đầu tiến hành công kích và vu cáo Hạ Long là "đao phủ" hoặc "thổ phỉ". Đặc biệt, sau khi Mao Trạch Đông tuyên bố, không đứng ra bảo vệ nguyên soái này vì những âm mưu tạo phản, nhóm Giang - Lâm đã nhân cơ hội bắt giữ và giám sát ông.

Khoảng cuối năm 1968, nhóm Giang - Lâm đã tăng cường thẩm tra với ý đồ hoành thành định tội danh đối với nguyên soái, nhằm ngăn chặn ông tham gia Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra cùng năm.

Tổ chuyên án muốn tiến hành đấu tranh khai thác trực tiếp Hạ Long nhưng Giang - Lâm có tật giật mình nên chột dạ. Họ biết ông rất khảng khái, không chịu cúi đầu nên chuyển qua hình thức đấu tranh khai thác gián tiếp.

Ngày 18/9/1968, Hạ Long bất ngờ nhận được một bức thư của Văn phòng quân ủy trung ương, thực chất đây là thư của tổ chuyên án yêu cầu ông giao nộp chứng cứ phạm tội.

Hạ Long tức tối quẳng thư xuống mặt bàn, gào lên chửi tục: "Xử bắn hết chúng cho tôi! Vu cáo, hoàn toàn là vu cáo! Lũ khốn, lũ này việc gì cũng dám làm hết".

Hạ lúc này giống như một con sư tử bị kích động, cả ngày tức giận, gào thét, đi lại trong phòng.

Mấy ngày liền cơn giận dường như vẫn chưa nguôi, ông không ngừng đi lại, có khi đang đi lại đột nhiên ngồi xuống bên bàn, giở nhật ký ra viết hai chữ "oan uổng".

"Bọn chúng muốn tôi ký tên điểm chỉ thì tôi viết hai chữ này. Muốn bắn chết tôi, tôi sẽ gào lên 'oan uổng'", Hạ lẩm bẩm.

Sau đó, khi đã bình tĩnh lại, ông dự định sẽ dùng sự thật để lật mặt nhóm Giang - Lâm. Bà Tiết Minh khi đó đã ghi chép lại tường tận những hồi ức về cách mạng của ông với hi vọng sẽ trao cuốn sổ này đến tay Mao Trạch Đông.

Tổ chuyên án nhìn thấy cuốn sổ ghi chép này đã vô cùng hoảng sợ. Khi báo cáo lên Mao, họ chỉ làm một bản tóm tắt ngắn với nhận xét: "Hạ Long dối trá, tự mãn về bản thân".

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 12 khóa 8 diễn ra vào tháng 10/1968, Mao Trạch Đông một lần nữa tuyên bố "không tiếp tục bảo vệ Hạ Long nữa".

Sau hội nghị, tổ chuyên án tiếp tục vu cáo Hạ Long "bắt tay với nhóm Tưởng Giới Thạch". Tổ này còn đi tìm người thân, chiến hữu của Hạ Long, tra tấn và ép họ ngụy tạo thông tin phản bội của Hạ.

Hạ Long và thủ tướng Chu Ân Lai

Từ đó, họ tiến hành tăng cường các phương pháp đấu tố khủng khiếp đối với vợ chồng nguyên soái Hạ Long.

Năm 1967, nhóm Giang - Thanh bắt đầu viện cớ có người muốn bắt vợ chồng Hạ Long nên giam lỏng hai vợ chồng ông trong một căn phòng tối và mang toàn bộ chăn ga, gối màn ra ngoài khiến vợ chồng ông chỉ có thể ngủ trên chiếc phản trống trơn và dùng tay làm gối.

Thức ăn cũng càng ngày càng ít và trộn nhiều cát sỏi. Vợ chồng ông chỉ còn cách lấy gạo từ nhà bếp về tự nhặt cát sỏi bỏ đi. Ngay cả đến nước, có khi hơn 40 ngày họ cũng không cho đến một giọt.

Nguyên soái Hạ Long (thứ 4, từ phải qua) trong hội nghị đấu tố năm 1966.

Đến mùa hè nóng như thiêu như đốt, trong phòng lại che rèm kín như bưng khiến vợ chồng Hạ Long đầm đìa mồ hôi nhưng mỗi ngày, họ cũng chỉ cho hai vợ chồng ông một bình nước nhỏ.

Đặc biệt, với một người già 71 tuổi và mắc bệnh tiểu đường như Hạ Long, lượng nước này chẳng đáng là bao. Để tích trữ lượng nước quý giá này, vợ chồng nguyên soái không dám rửa mặt hay súc miệng mà chỉ khi nào thật khát họ mới dám uống một ngụm nhỏ.

Do đó, mỗi ngày hai ông bà chỉ dám mở hé rèm mong trời mưa. Khi trời mưa, hai ông bà hồ hởi mang hết những vật dụng trong phòng ra hứng nước mưa.

Có lần, vì mưa trơn, Hạ Long đã bị trượt chân ngã nằm liệt giường hơn tháng, dẫn đết kiết lỵ.

Do không có bác sĩ nên bà Tiết Minh đành ngậm nước xà phòng, thông qua ống cao su rửa ruột cho ông. Kết quả, miệng bà cũng bị nước xà phòng ăn mòn.

Đặc biệt, đến khoảng mùa thu năm 1967, sau khi vợ chồng ông bị công khai đấu tố và bị cắt đứt mọi quan hệ với Chu Ân Lai, thủ đoạn bức hại của nhóm Giang - Lâm càng trở nên tàn bạo hơn.

Đầu tiên, họ bị đổi chỗ ở và tăng cường giám sát. Họ ép ông bà chuyển từ căn nhà bên chân núi do Thủ tướng Chu Ân Lai sắp xếp trước đó chuyển sang khu vực khác. Tại đây, nhất cử nhất động của ông bà đều nằm trong tầm mắt của nhóm Hồng vệ binh.

Đặc biệt, nhóm Giang - Lâm muốn lợi dụng dùng căn bệnh tiểu đường để "giết ông một cách từ từ".

Suất ăn bị cắt giảm và không đảm bảo chất lượng khiến căn bệnh của Hạ Long càng thêm trầm trọng, cơ thể suy nhược dẫn đến nằm liệt giường.

"Bọn chúng muốn giày vò chết tôi đây mà, lũ giết người không dao", Hạ Long căm phẫn khi nhận ra âm mưu của nhóm Giang - Lâm.

Tháng 3/1968, do tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi, Hạ Long được chuyển đến một bệnh viện quân đội ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, thay vì được cứu chữa kịp thời, ông còn bị vu cáo tội danh "giả bệnh" và bị y tá mắng nhiếc.

Quá tức giận, ông đòi xuất viện và được điều trị ngoài. Cuối năm 1968, để che mắt, nhóm Giang - Lâm đã cắt cử y tá đến chăm sóc nhưng thực tế nhằm khống chế và tiếp tục bức hại Hạ Long.

Do đó, có thời gian mặc dù mắc bệnh nặng nhưng tất cả số thuốc được cấp phát trước đó đều được lệnh mang đi không để lại một viên, thậm chí thuốc thử bệnh tiểu đường cũng bị thu hồi.

Gia đình nguyên soái Hạ Long

Ngày 15/1/1969, tổ chuyên án hạ lệnh "hạn chế cấp phát thuốc và không cần đối tốt với dạng người như Hạ Long".

Đến tháng 6/1969, triệu chứng bệnh ông ngày càng nặng với nhiều lần hôn mê. Nhóm Giang - Lâm nhân cơ hội này, đánh tráo kết quả xét nghiệm hòng khép ông vào tội "sợ tội tự sát".

Ngày 9/6, ông được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch nhưng lại tiếp tục bị bỏ mặc và không có người thân bên cạnh. Vì thế vào viện chưa đầy bảy tiếng, vị nguyên soái khai quốc công thần đã trút hơi thở cuối cùng.

Sau khi qua đời, nhóm Giang - Lâm bí mật tổ chức hỏa táng, gia đình ông cũng không hề được thông báo. 

Sau khi hỏa táng, nhóm này còn đem tro cốt Hạ Long giấu đi nhằm che mắt dư luận về cái chết của ông.

Phải đến tháng 12/1973, khi Mao Trạch Đông tự nhận trách nhiệm về cái chết của Hạ Long thì sau đó, đến năm 1974, nguyên soái Hạ Long mới được phục hồi danh dự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại