GS Nguyễn Minh Thuyết: Tổng số tiền đổi mới SGK là 144 tỷ, chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa

Hoàng Đan |

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng số tiền cho đổi mới SGK tính ra là 144 tỷ đồng và chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam.

Sáng nay (15/9), Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có buổi thuyết trình về những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tiết lộ về thù lao khi tham gia làm chương trình này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, toàn bộ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông có nguồn kinh phí vay của Ngân hàng thế giới để làm nên quản lý tài chính rất chặt.

"Có ý kiến cho rằng "các ông chỉ nghĩ dự án để ăn tiền", nhưng tôi phải tâm sư thật, ngay từ khi khởi động dự án, ông Giám đốc đã nêu rất rõ các khoản chi và 80 triệu USD vay vốn này chứ không phải chui vào túi mấy ông làm chương trình.

Ngân hàng thế giới họ làm rất chặt, họ đề nghị trả lương cho những người làm chương trình còn ông muốn làm như thế nào để ra được chương trình tốt thì làm.

Vì thế mới có chuyện có những anh em từ miền Nam, từ Cần Thơ bay ra Hà Nội để làm và triệu tập là phải ra, có những đợt tuần nào ra họp… thì coi như chẳng có đồng nào", GS Thuyết chia sẻ.

Tổng chủ biên của chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ thêm: "Tổng số tiền cho chương trình đổi mới SGK tính ra là 144 tỷ đồng, với mỗi cá nhân là rất lớn nhưng nhưng thực ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa và chỉ bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam mà thôi..", GS Thuyết cho hay.

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp người học học xong làm được cái gì và điều này ngược lại hoàn toàn quan điểm cũ.

Theo đó, phẩm chất của người học được đo bằng hành vi, năng lực được đo bằng hiệu quả công việc.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tổng số tiền đổi mới SGK là 144 tỷ, chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa - Ảnh 1.

GS Nguyễn Minh Thuyết.

Đề cập đến câu chuyện SGK Công nghệ giáo dục với những phát ngôn gần đây của GS Hồ Ngọc Đại, GS Thuyết nêu, ông tôn trọng cái khác của mọi người.

"Nếu trong cộng đồng mà không tôn trọng sự khác biệt thì dễ sinh chuyện, mọi chuyện mất đoàn kết thậm chí chiến tranh cũng từ đó mà ra", GS Thuyết nói.

Ông cũng liên hệ tới câu chuyện mà ông từng đọc đó là chỉ đơn giản việc tranh cãi ăn trứng đập đầu to hay đầu nhỏ mà cũng "cãi nhau" thậm chí …sắp chuẩn bị phương tiện đánh nhau.

"Nhiều khi cuộc đời ta chỉ ghét nhau vì đập đầu to hay đầu nhỏ để ăn quả trứng. Quan điểm của tôi dạy chương trình mới là tôn trọng sự khác biệt miễn chương trình ấy không vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật", ông nêu rõ.

Một lần nữa, khẳng định quan điểm ủng hộ một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, GS Thuyết bày tỏ, thế giới thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa và chúng ta đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì cũng nên đổi mới điều này.

"Điều này tạo điều kiện cho huy động trí lực của xã hội trong việc viết SGK, các nhóm tác giả cạnh tranh nhau, đẩy mạnh chất lượng lên", GS Nguyễn Minh Thuyết nói thêm.

Vị GS này kể thêm câu chuyện, tham dự hội thảo có sự tham gia của một Giáo sư người Mỹ, ông có hỏi vị chuyên gia về một quyển sách khá nổi tiếng nhưng ông ấy lắc đầu không biết.

"Lúc đó, tôi tỏ ý ngạc nhiên băn khoăn nếu như thế thì ông ấy giảng bằng cái gì? Câu trả lời khiến tôi bất ngờ.

Đó là khi ông ấy cho biết, ở Mỹ giáo viên có quyền viết sách vì thế ông ấy đã dạy sách do chính mình viết.

Như vậy, ở Mỹ, SGK chỉ là tài liệu tham khảo và giáo viên có quyền tổng hợp còn ở ta có thực tế, ở trên sợ dưới làm không đúng, dưới lại sợ dưới nữa làm không đúng nên cứ cầm tay chỉ việc…

Tất nhiên một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa sẽ có những phức tạp nhưng không vì phức tạp mà không làm", GS Thuyết nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại