Góc nhìn của KTS người Việt ở Pháp - bài 2: Lối thoát nào cho gánh hàng rong, quán vỉa hè?

Bùi Uyên |

Sự phát triển đô thị cần làm tận gốc. Những cuộc "ra quân" dẹp bỏ hàng rong, lấn chiếm, thực sự có là một thay đổi về chất?

Phố Pyrénée tôi hay đi qua rất giống các phố ở Việt Nam, hai chiều đông đúc, vỉa hè rộng tầm 4m, dẫn thẳng đến giao lộ Gambetta lớn, nơi toạ lạc toà thị chính quận 20, Paris.

Tôi rất thích đi trên con phố này vì sự không buồn tẻ của nó, và nó đặc trưng cho đa phần các con phố bình thường ở Paris.

Trong hình ta có thể thấy xe máy vẫn xếp trên hè, các hàng quán vẫn được phép mở tủ kính, bày ghế, che bạt, biển hiệu... trong một giới hạn quy định, ghế ngồi chờ xe buýt, và cây xanh trồng dọc hai bên. Một hai quán bán hải sản vẫn bày tôm cá hai lần trong tuần.

Chính sự "thòi thụt" này vừa làm tuyến phố sống động hơn. Tất cả vẫn hội tụ trong một cái vỉa hè không hề rộng thênh thang. Khoảng vài chục mét, vỉa hè lại thu hẹp lại còn khoảng 2m để bố trí chỗ đỗ xe ô tô, chỗ dừng đỗ xe giao hàng...

Góc nhìn của KTS người Việt ở Pháp - bài 2: Lối thoát nào cho gánh hàng rong, quán vỉa hè? - Ảnh 1.

Phố Pyrenee

Chủ động thiết kế những vỉa hè không đối xứng

Một ví dụ khác, ngay trên tuyến đại lộ "đẹp nhất hành tinh" Champs Elysee - bộ mặt của Paris, nó cũng không "kẻ bằng, sổ thẳng", mà hàng quán cafe, showroom vẫn "thòi thụt", lấp ló dưới tán cây, dọc trục đại lộ, xen với những thương hiệu đắt đỏ sang chảnh nhất!

Khách du lịch năm châu chắc không hiếm người mơ ước được liu riu sưởi nắng trên những ghế mây "chiếm dụng vỉa hè" như thế.

Ngay cả khi chúng tôi làm thiết kế một mặt phố, việc chọn thiết kế vỉa hè không đối xứng cũng tuỳ thuộc vào hướng nắng, để khuyến khích kinh doanh ở mặt phố có đón nắng,

Ở ta, cái mà dường như người quản lý và hoạch định nước ngoài "bắt chước", lại là sản phẩm do người sử dụng đã tự chiếm dụng không gian công cộng trái phép, quản lý lỏng lẻo!

Cùng một hình ảnh, nhưng bản chất lại khác xa khi nó nằm trong sự hoạch định tính toán, có quản lý chặt chẽ.

Có quản lý tốt, việc kinh doanh ấy thu lợi cho nhà nước qua đóng thuế đắt hơn, không gian vỉa hè ấy được phân phối cho cả kinh doanh và mục đích sử dụng công cộng hợp lý.

Lề đường tùy thời thành chợ

Chợ tạm, hàng quán rong thì sao? Chính quyền Pháp không xây những cái chợ ở một vị trí nhất định, tốn kém để "dồn" hàng rong vào đó, vì nó không nằm ở chính nơi nó "mọc ra' và khó tiếp cận.

Giải pháp của họ là tận dụng những vỉa hè lớn, những sân rộng, quảng trường, trên tuyến phố đi bộ... để tổ chức họp chợ 2-3 lần một tuần.

Những ngày họp chợ thì tuyến bus qua đó sẽ đổi lộ trình sang phố khác, bãi đỗ xe sẽ có biển báo cấm đỗ những ngày đó, giờ đó, tốc độ xe qua lại quy định từ 30km/h chuyển sang 5km/h hoặc chặn hoàn toàn...

Góc nhìn của KTS người Việt ở Pháp - bài 2: Lối thoát nào cho gánh hàng rong, quán vỉa hè? - Ảnh 2.

Chợ ở quảng trường nhà thờ Thánh Sernin nhìn từ trên cao

Như ở nhà thờ Saint Sernin nổi tiếng ở Toulouse, có quảng trường và một viền phố vòng quanh rộng.

Nếu bạn qua lại vào những giờ, ngày khác nhau trong tuần, bạn sẽ thấy những cảnh tượng hoàn toàn trái ngược: Trong tuần, nhà thờ yên ắng, các quán cafe tràn ra vỉa hè, học sinh ở trường học gần đó ra ôn bài, tập trung trên quảng trường nhà thờ nói chuyện.

Vào hai ngày trong tuần, buổi sáng, cả khu vực kín lều bạt chợ rau quả, thực phẩm, không khí ồn ào, màu sắc xanh đỏ rực rỡ.

Bãi đỗ xe thường ngày bị chuyển thành chỗ đỗ xe cho người bán hàng, chỗ bày hàng quán, nhưng đúng 13h, họ phải dẹp toàn bộ chợ vì lưu thông xe cộ sẽ bình thường. Chiều trẻ em lại ra chạy chơi, đạp xe, đá bóng, tối các quán bar lại tràn lan.

Đến chủ nhật, khi trường học và công sở đóng cửa, khu phố lại thu hút khách du lịch bởi chợ đồ cũ, đồ cổ họp hàng tuần, cùng với việc lễ nhà thờ.

Các tận dụng các không gian tưởng như "tôn nghiêm" ấy bạn sẽ gặp khắp nơi, tận dụng tất cả các không gian trống, bất kể trước cửa toà thị chính thành phố, công trình tôn giáo hay khu trung tâm hành chính thương mại lớn.

Mùa đông sân trước toà thị chính Paris hay chân tháp Eiffel thành bãi trượt băng suốt cả tháng trời, thành chợ Noel mùi thức ăn sực nức, thành sân khấu ca nhạc mùa hè, bãi xem bóng đá mùa giải...

Vậy chúng ta "cấm triệt để" để đường thông hè thoáng, để áp vào đó hình mẫu đô thị hiện đại? Hay quy hoạch và quản lý chặt từ khâu xin cấp phép, để cho phép trong một số tuyến phố và tuyệt đối dỡ bỏ trong những tuyến phố khác?

Góc nhìn của KTS người Việt ở Pháp - bài 2: Lối thoát nào cho gánh hàng rong, quán vỉa hè? - Ảnh 3.

Chợ đồ cổ ở quảng trường nhà thờ Thánh Sernin (Toulouse, Pháp) vào một số ngày.

Từ mét vỉa hè đến hectare đất

Kinh doanh nhỏ lẻ, bám mặt phố, bán hàng rong, chợ dân sinh... là một hình thức gắn với kinh tế quy mô nhỏ, phục vụ bán lẻ, nằm trong sự đa dạng các loại hình kinh doanh (với mức tăng trưởng kinh tế bán lẻ 2006-2010 là 25% mỗi năm- số liệu của Bộ thương mại 2011).

Đến năm 2003, khảo sát của dự án nghiên cứu phát triển PRUD (Programme de recherche Urbaine pour le Développement) cho thấy 60% người dân vẫn mua hàng trên mặt phố.

Về phía người bán hàng rong, đây là hoạt động kinh doanh của người nông dân sống ở ngoại thành, bổ trợ cho thu nhập ít ỏi của nghề nông ngày càng bị thu hẹp (89%) và người thành phố có thu nhập thấp.

Dù ngày càng bị cấm, số lượng vẫn theo chiều hướng tăng trong nhiều nghiên cứu vào năm 2008 và 2012 (theo thống kê năm 2006 đến 2009 số người bán rau hàng rong tại nội thành Hà Nội tăng từ 3.470 lên 6.320 người ( Nguyễn Thị Tân Lộc, Nguyễn Hoang Yen, Hoang Viet Anh, 2009 - Update information about present distribution of fresh vegetables in 2009 in Hanoi. Favri and Malica, Hanoi)

Như vậy, một mặt đằng sau những chính sách loại bỏ loại hình bán lẻ, bán rong không chính thức, chuyển hướng sang đẩy mạnh kinh doanh qua các nhà phân phối lớn (siêu thị, trung tâm thương mại) với mục đích "hiện đại hoá" và "văn minh" đô thị, sự tiếp tục tăng số lượng người bán hàng rong này có nói lên một thực tế sự tiếp tục gia tăng những hộ gia đình nghèo, thu nhập vẫn không đủ sống, phải bám vào những hình thức kinh doanh không chính quy hay không?

Các nghiên cứu đô thị quốc tế lý giải hiện tượng trên xảy ra do sự thu hẹp đất canh tác ngoại đô bởi các dự án bất động sản, trong khi không có sự chuyển đổi nghề phù hợp, đẩy người nông dân bám vào những hoạt động kinh doanh hàng rong này (S.Fanchette, C.Musil, P.Moustier, Nguyễn Thị Tân Lộc, La ville de demain : réformes territoriales et projets urbains (Đô thị ngày mai, cải cách lãnh thổ và dự án thiết kế đô thị), Atlas Hanoi, 2016).

Lý do khác là sự chết dần của nền nông, ngư nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL, miền Trung do những vấn đề môi trường ngày càng trầm trọng, đẩy nông dân phải kiếm ăn trên mặt phố các đô thị lớn (theo S.Fanchette, C.Musil, P.Moustier, Nguyễn Thị Tân Lộc, La ville de demain : réformes territoriales et projets urbains (Đô thị ngày mai, cải cách lãnh thổ và dự án thiết kế đô thị), Atlas Hanoi, 2016)

Công cuộc dọn dẹp vỉa hè, nghiêm minh với sự lấn chiếm đất công là cần thiết.

Nó đáng được hoan nghênh nếu đi cùng với nó là sự quyết liệt trong chấn chỉnh, "phá dỡ" cả sự dung túng cho chiếm dụng đất trái phép, loại bỏ những cấp phép xây dựng sai phạm.

Vậy sự "hiện đại hoá" "tăng trưởng kinh tế" "văn minh đô thị" mà chúng ta đang lấy đó làm lý do cho những chính sách chỉnh trang, thay đổi cơ cấu kinh tế này, có thực sự làm "dân giàu" cho tất cả mọi tầng lớp là sự giàu lên của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, và một bộ phận quan chức lạm quyền?

Sự phát triển đô thị cần làm tận gốc. Những cuộc "ra quân" dẹp bỏ hàng rong, lấn chiếm, thực sự có là một thay đổi về chất?

Chỉ khi một thành phố cân bằng được lợi ích kinh tế của mọi tầng lớp, vẫn tạo ra được một hình ảnh đô thị hiện đại nhưng không nhàm chán, mới trở nên "đáng sống".

Góc nhìn của KTS người Việt ở Pháp - bài 2: Lối thoát nào cho gánh hàng rong, quán vỉa hè? - Ảnh 4.

Nhà thờ Thánh Sernin ngày thường.

Tác giả Bùi Uyên là kiến trúc sư, hiện đang làm việc tại công ty Marniquet Aubouin Architectes Urbanistes, Paris, Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại