Cứ 3 ngày “yêu” thả cửa, uống ngừa thai khẩn cấp một lần

Do nghĩ thuốc tránh thai khẩn cấp (thuốc TTKC) luôn hiệu quả sau 72 giờ quan hệ tình dục nên Hoa “yêu” thả cửa 3 ngày liên tiếp rồi uống một vỉ 2 viên để tránh thai một thể.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ coi thuốc tránh thai khẩn cấp như “thuốc tiên”, uống thuốc như ăn cơm bữa mà không lường trước tác hại. Chúng tôi đã có dịp đến các phòng khám để tìm hiểu thực trạng này.

“Cứ 2-3 lần vui vẻ lại uống vỉ 2 viên”

Nguyễn Mai Hoa (17 tuổi, Hà Nội) đi khám bệnh vì triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn. Hoa nghĩ rằng mình bị đau dạ dày. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ ngắm bệnh nhân và nghe qua triệu chứng liền đề nghị Hoa chuyển sang khám sản. Hoa nằng nặc cho rằng mình không thể có thai vì lần nào quan hệ với bạn trai cũng uống thuốc TTKC.

Khi hỏi về tần suất quan hệ tình dục trong tháng của Hoa, bác sĩ mới “té ngửa”. Cô bé cho biết mình và bạn trai yêu nhau thắm thiết nên không đếm được số lần quan hệ mỗi tháng. “Cứ độ 2-3 lần "vui vẻ", em lại uống một vỉ 2 viên thuốc khẩn cấp để tránh thai một thể” – Hoa chia sẻ.

Hóa ra, do nghĩ thuốc TTKC vẫn hiệu quả sau 72 giờ quan hệ nên Hoa “yêu” thả cửa 3-4 lần trong 3 ngày liên tiếp rồi mới uống thuốc. Kết quả thử thai và siêu âm cho thấy Hoa có thai 4 tháng. Các bác sĩ cho biết việc phá thai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ, chưa kể đứa trẻ có thể sẽ gánh chịu di chứng do thuốc tránh thai mang lại.

Hoa khóc ròng vì đang sắp thi đại học, lại không rõ bạn trai muốn cưới mình không. Trong khi đó, chị Trần Thị Lê (Hà Nam) lại đứng ngồi không yên vì nỗi lo “vô kinh”. Chị Lê cho biết sắp lên xe hoa nhưng cả năm nay, “đèn đỏ” chỉ xuất hiện hai lần.

Nhiều bạn trẻ coi thuốc tránh thai khẩn cấp như "thuốc tiên"

Chị Lê kể chị và bạn trai yêu nhau 3 năm và quan hệ tình dục đã lâu. Do không thuyết phục được bạn trai dùng “áo mưa”, cũng không muốn uống thuốc tránh thai hàng ngày vì sợ gia đình, bạn bè phát hiện nên Lê dùng thuốc TTKC “dễ mua, dùng nhanh lại kín đáo”. Cẩn thận hơn Hoa, chị Lê kết hợp cả phương pháp tính ngày, thời điểm rụng trứng mới dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Tuy nhiên, do “yêu” quá nồng nhiệt nên trong khoảng thời gian 5-10 ngày, chị dùng thuốc tới 3-4 lần.

Thời gian đầu, chị thường buồn nôn, rong kinh, chóng mặt, mệt mỏi nhưng nghĩ tuổi trẻ, sức khỏe tốt nên không để ý. Một năm nay, vòng kinh Lê lại đột ngột ngắt quãng. Sau khi xác định cưới, hai người đã “thả” nhưng hơn 1 năm vẫn chưa dính bầu. Đi khám thì các bác sĩ cho biết do sử dụng quá nhiều thuốc TTKC nên chị Lê rối loạn kinh nguyệt, phải khám lại rất kỹ mới có thể đưa ra biện pháp khắc phục.

“Không chỉ em mà bạn trai em cũng đang chán nản, sợ cưới về không có con. Anh ấy bảo nếu em không có thai thì sẽ không cưới” – Lê cho biết.

Có thể vô sinh, ung thư vú

Bác sĩ Lương Thị Thanh Bình – Trưởng Phòng khám Sản phụ Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình RaFH - cho biết không ít bạn trẻ đến phòng khám phàn nàn về chuyện đã uống thuốc TTKC mà vẫn có thai hoặc rong kinh, buồn nôn kéo dài.

Hỏi ra đều thấy các bạn dùng thuốc “khẩn cấp” như cơm bữa hoặc dùng sai thời gian chỉ dẫn. Có người quan hệ tình dục sau 4-5 ngày mới sực tỉnh rồi vội vàng tìm mua thuốc, có người dùng đến 5-7 lần/tháng hoặc dùng bao cao su nhưng vẫn uống thuốc cho chắc ăn, có tháng trên 4 lần.

Tư vấnsức khỏe sinh sản tại Trung tâm sức khỏe sinh sản Hà Nội.

“Thuốc ngừa thai khẩn cấp chỉ dùng trong những trường hợp cấp bách như tuột, rách bao cao su, bị cưỡng hiếp, bạn tình lâu ngày mới gặp hoặc quên dùng 1-2 viên thuốc tránh thai hàng ngày. Thuốc có loại dùng 1 hoặc 2 viên nhưng đều phải dùng sau quan hệ tình dục tối đa 72 giờ. Càng dùng muộn, tác dụng tránh thai càng giảm. Các hãng sản xuất thuốc đều đã khuyến cáo người sử dụng không dùng quá 2 liều/tháng” – bác sĩ Bình cho biết.

Cũng theo bác sĩ Bình, việc sử dụng thuốc TTKC như biện pháp tránh thai thông thường, quá 2 liều/tháng sẽ để lại nhiều hậu quả về sức khỏe, ảnh hưởng hạnh phúc tương lai. Bạn gái không những không tránh thai được mà còn ảnh hưởng nghiệm trọng đến nội tiết tố buồng trứng, gây rối loạn kinh nguyệt, vô kinh hoặc rong kinh. Thậm chí, thuốc có thể gây vô sinh, tăng nguy cơ ung thư vú.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình - cho biết các sai lầm tránh thai thường xảy ra ở các thanh thiếu niên 15-17 tuổi. Do quan hệ tình dục bồng bột, thụ động, các em không chuẩn bị được các biện pháp tránh thai an toàn, lâu dài. Ngoài ra, các em cũng ngại chia sẻ, không dám khám phụ khoa, sản khoa nên thường tránh thai bằng kinh nghiệm truyền miệng từ bạn bè hoặc tra trên Google. Tuy nhiên, việc học hỏi lại nửa vời, không đầy đủ nên các em dễ hiểu sai, dùng sai.

“Điều nguy hại là không ít bạn trẻ coi thuốc thuốc TTKC như “thuốc tiên” có thể chấm dứt mọi lo lắng. Sau đó, nếu lỡ có thai, các em lại coi phá thai như một biện pháp kế hoạch hóa. Hậu quả, cơ quan sinh sản bị ảnh hưởng nặng nề” – bác sĩ Đức khẳng định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại