Chuyện hiếm gặp: Một phụ nữ mang thai ở... gan

Một phụ nữ 30 tuổi được phát hiện mang thai ở gan thay vì ở trong tử cung như người bình thường. Ca bệnh được báo cáo tại hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp tổ chức gần đây tại Hà Nội.

Túi thai nằm trong gan

Bác sĩ Đinh Quốc Hưng, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trường hợp này là phụ nữ 30 tuổi, đã có tiền sử mổ chửa ngoài tử cung ở vòi tử cung phải. Bình thường, bệnh nhân có chu kỳ kinh rất đều, vòng kinh 30 ngày. Bệnh nhân bỗng thấy chậm kinh một tháng kèm theo đau bụng vùng hạ sườn phải. Bệnh nhân tới khám tại một bệnh viện phụ sản tại Hà Nội và được nội soi chẩn đoán là nhân chorio ở gan rồi được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Tuy nhiên, khi khám tại BV Phụ sản Trung ương, bác sĩ tá hỏa khi nhìn kết quả siêu âm trong gan của chị không phải là nhân mà là một túi ối 35mm, chiều dài phôi 22mm.

Bác sĩ Đinh Quốc Hưng cho biết, đây là trường hợp rất hy hữu. Chửa trong ổ bụng rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1,4% trong các trường hợp chửa ngoài tử cung. Trong đó, chửa ở gan là một dạng của chửa trong ổ bụng vô cùng hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 0,03% của chửa trong ổ bụng. Trên thế giới, có 15 ca chửa ở gan được công bố trong 36 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao gấp 7,7 lần so với chửa ngoài tử cung.

Một phụ nữ mang thai ở... gan
Chửa ngoài tử cung rất nguy hiểm (ảnh minh họa)

Chửa ở ổ bụng thường là do nứt khối chửa ở vòi tử cung. Khối chửa sẩy vào ổ bụng thường nằm ở hố chậu. Triệu chứng không có sự khác biệt so với chửa ngoài tử cung, đau bụng, ra máu âm đạo. Thường là khó chẩn đoán dù có thể gây chảy máu trong ổ bụng, gây choáng do mất máu, gây tử vong do nhiếu máu, nhiễm độc máu, tắc mạch phổi, rối loạn đông cầm máu và nhiễm trùng.

Gan là nơi có nhiều mạch máu, là môi trường tốt để nuôi thai. Trái ngược với chửa trong buồng tử cung, chửa gan dễ bị sảy trong 3 tháng đầu do không có màng rụng bao bọc thai và tế bào nuôi xâm nhập đâm thủng vị trí rau bám tại gan. Do đó, dẫn tới chảy máu và có thể choáng do mất máu. Khi khối chửa ở gần túi mật và ruột sẽ gây nên các triệu chứng về đường mật và dạ dày ruột.

Vì thế, các bác sĩ buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật, bóc tách túi thai để bảo đảm tính mạng cho người mẹ. Bênh nhân được mổ nội soi, khối chửa có kích thước 3cm, nằm ở cạnh túi mật gần tĩnh mạch cửa.

Nguy hiểm khi chửa ngoài tử cung

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà (Hà Nội), không chỉ chửa ở gan mà tất cả những trường hợp chửa ngoài tử cung đều vô cùng nguy hiểm. Rất nhiều phụ nữ đã bị cắt bỏ một bên hoặc thậm chí cả hai bên vòi trứng.

Chửa ngoài tử cung là một hiện tượng thai nghén bất thường. Trứng đã thụ tinh không làm tổ ở ngoài tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển đến tử cung, dẫn đến chửa ngoài tử cung. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như: vòi trứng (phổ biến nhất, chiếm 90%) hoặc trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí ngay trong ổ bụng như trường hợp của bệnh nhân trên. Nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng chửa ngoài tử cung là do vòi trứng bị hẹp, thu nhỏ lại, bị biến dạng hoặc tắc (do bị viêm nhiễm). Ngoài ra, một số trường hợp thai còn quá bé, chưa vào được tử cung thì đã tiến hành nạo hút thai, dẫn đến thai nằm ngoài tử cung.

Biểu hiện của việc mang thai ngoài tử cung không đặc trưng ngoài ra máu ở âm đạo, trễ kinh và đau vùng bụng dưới. Chính vì thế, rất nhiều chị em đến viện muộn vì tưởng nhầm ra máu là hiện tượng kinh nguyệt bình thường hoặc nghĩ mình bị rong kinh, đặc biệt ở những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Bác sĩ Dung khuyến cáo, chị em có thể chú ý các dậu hiếu sau để đi khám và phát hiện sớm khả năng chửa ngoài tử cung như: phần lớn trường hợp thai ngoài tử cung ra máu chậm so với ngày kinh dự kiến. Cũng có nhiều người xuất huyết sớm hơn hoặc rơi đúng vào ngày kinh. Tuy nhiên, khác với hành kinh, hiện tượng chảy máu do chửa ngoài tử cung sẽ kéo dài hơn, máu ra ít một, màu thẫm. Cá biệt có người không bị xuất huyết.

Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, người bệnh vẫn có thể có thai lại bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát có thể trên 10%. Nếu do bị viêm nhiễm gây tắc hẹp vòi trứng thì khả năng tái phát còn cao hơn”, bác sĩ Dung nói.

Vì thế, để phòng bệnh, chị em nên hạn chế nạo phá thai, sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, giữ gìn vệ sinh tốt, nhất là trong thời gian sau sinh và cho con bú. Khi có viêm nhiễm bộ phận sinh dục, người bệnh nên đi khám để được điều trị thích hợp, tránh biến chứng viêm dính tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau. Đặc biệt khi có hiện tượng chậm kinh, đau bụng dưới ra máu, chị em cần đi khám ngay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại