Giờ G tại Syria sắp điểm: Chuẩn bị những trận tử chiến cuối cùng ở Aleppo?

Phong Ba |

Nga ra tối hậu tư cho phe nổi dậy tại Đông Aleppo. Trong khi đó lực lượng này kiên quyết không đầu hàng. Trận tử chiến cuối cùng bắt đầu.

Liều mình cố thủ

Reuters đưa tin một quan chức của phe nổi dậy Syria ngày 3/12 cho biết các chỉ huy của lực lượng này ở thành phố Aleppo sẽ không từ bỏ khu vực phía Đông Aleppo cho các lực lượng chính phủ Syria.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nga cho biết, sẵn sàng đàm phán với Mỹ về việc rút toàn bộ lực lượng nổi dậy ra khỏi khu vực này.

Phát biểu từ Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu bộ phận chính trị của cánh quân Fastaqim đặt trụ sở tại Aleppo, ông Zakaria Malahifji nói: ''Tôi đã hỏi các cánh quân, họ tuyên bố ‘chúng tôi sẽ không đầu hàng'.''

Ông này còn nêu rõ các chỉ huy quân sự ở Aleppo cho biết họ sẽ không rời khỏi thành phố này. Theo ông Zakaria, không có vấn đề gì với các hành lang dành cho dân thường rời đi.

Cùng ngày, quân đội Syria tiếp tục triển khai cuộc tấn công ác liệt trong khu vực các quận phía đông thành phố Aleppo, đánh vào khu dân cư Tariq Al-Bab, thành trì và căn cứ địa trung tâm của lực lượng Liên minh Fatah Halab.

Các lực lượng vũ trang Syria, chủ công là lực lượng Tiger tiến hành cuộc tấn công mãnh liệt vào khu dân cư Tariq Al-Bab, tập kích vào các trận địa phòng ngự của lực lượng thánh chiến từ nhiều hướng trong khu vực còn lại của các nhóm chiến binh miền Đông Aleppo.

Kết quả, binh sỹ Syria và các lực lượng đồng minh đã giành lại quyền kiểm soát khu vực Tariq al-Bab thuộc thành phố Aleppo từ tay lực lượng nổi dậy trước khi thúc đẩy một cuộc tổng tấn công nhằm giành lại toàn bộ thành phố này.

Trận quyết chiến đang cận kề

Theo SOHR, với diễn biến trên, Chính phủ Syria hiện đã giành lại kiểm soát khoảng 60% phần phía Đông Aleppo, nơi lực lượng nổi dậy chiếm giữ từ giữa năm 2012.

Bên cạnh đó, quân đội Chính phủ Syria còn giải phóng một con đường nối khu vực phía Tây, nơi chính phủ kiểm soát đến sân bay Aleppo, nơi quân nổi dậy chiếm đóng.

Thời gian gần đây, quân đội Syria liên tục tiến hành bao vây khu vực phiến quân kiểm soát ở Aleppo, đồng thời kêu gọi các tay súng tự nguyện đầu hàng hoặc rời khỏi thành phố đến các khu vực thuộc kiểm soát của phiến quân ở tỉnh Idlib.

Tuy nhiên, điều này đã không được thực hiện, các phiến quân không chấp nhận đầu hàng và kiên quyết ở lại tử thủ với quân đội Syria.

Giới chuyên gia nhận định, nếu như phe nổi dậy tại Đông Aleppo kiên quyết giữ nguyên lập trường cho thới thời điểm quyết định thì quân đội Syria với sự hỗ trợ của Không quân Nga sẽ dốc toàn lực cho một trận quyết chiến nhằm giải phóng phía Đông Aleppo.

Aleppo sẽ là chiến trường quyết định và bên nào chiến thắng sẽ định đoạt các điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Tối hậu thư

Trước đó, ngày 02/12/2016, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất sẽ là các bên trung gian đưa ra một lệnh ngừng bắn, cho phép lực lượng Hồi giáo cực đoan Jabhat Fateh Al-Sham (nguyên al-Nusra Front) 24 giờ để rời khỏi phía đông Aleppo, thông qua hành lang nhân đạo do quân đội Nga tổ chức và bảo vệ.

Theo các phương tiện truyền thông Nga, lực lượng Hồi giáo cực đoan Jabhat Fateh Al-Sham (lực lượng chủ lực phía đông Aleppo) có 24 giờ để di chuyển khỏi các quận phía đông Aleppo.

Nếu tổ chức Jabhat Fateh Al-Sham (chi nhánh Al-Qaeda Syria) bác bỏ đề xuất này, 900 chiến binh thánh chiến còn lại sẽ bị quân đội Syria tiêu diệt. Nội dung chi tiết của đề xuất này không được nêu rõ.

Nếu tình huống này được chứng minh là đúng sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên trong cuộc chiến Thổ Nhĩ Kỳ tự buông tay không giúp đỡ lực lượng thánh chiến chống lại quân đội Syria và lực lượng đồng minh tình nguyện.

Trên thực tế, ngoài việc tự nguyện tháo lui, lực lượng Hồi giáo cực đoan cũng không còn nhiều tiềm lực để chống trả các cuộc tấn công liên tiếp của quân đội Syria trên nhiều hướng khác nhau. Giao chiến tiếp tục cũng sẽ gây tổn thất cho người dân và tiếp tục tàn phá nghiêm trọng hạ tầng cơ sở của thành phố Aleppo.

Thế nhưng, lực lượng Jabhat Fateh Al-Sham (nguyên al-Nusra Front - al Qaeda Syria) được sự hậu thuẫn không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, do đó rất có thể chiến sự vẫn tiếp tục cho đến khi đại diện chính thức của nhóm này tuyên bố đầu hàng.

Tình hình chiến sự tại Mosul

Trong khi đó, ở mặt trận Mosul ngày 3/12, các lực lượng quân đội Iraq đã tái chiếm bốn ngôi làng ở khu vực Tây Bắc thành phố Mosul từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời tiếp tục siết chặt vòng vây từ các ngả nhằm đánh bật các tay súng thuộc nhóm khủng bố này ra khỏi thành trì chủ chốt cuối cùng ở Iraq.

Trong một tuyên bố, Sở Chỉ huy chiến dịch giải phóng Mosul cho biết việc Sư đoàn 16 của Quân đội Iraq giành quyền kiểm soát bốn ngôi làng nằm giữa khu vực Bashiqa và thành pố Mosul sẽ mở đường cho các lực lượng chính phủ tiến vào thành phố này từ hướng Tây Bắc.

Tuyên bố nếu rõ: "Sư đoàn 16 đã giải phóng được bốn ngôi làng ở mặt trận phía Bắc và cắm cờ Iraq trên các tòa nhà sau khi đánh bại kẻ thù."

Với sự trợ của liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, quân chính phủ Iraq ngày 17/10 đã mở màn chiến dịch quân sự được coi là có quy mô lớn nhất kể từ năm 2003 nhằm tái chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai và là thành trì cuối cùng của IS tại Iraq, với sự tham gia của khoảng 100.000 người, bao gồm các lực lượng quân đội và cảnh sát Iraq, các tay súng người Kurd và lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite.

Theo Trung tướng Abdulameer Yarullah, thuộc Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Mosul, kể từ đầu chiến dịch tới nay, các lực lượng Iraq đã tái chiếm tổng cộng 23 quận của thành phố này từ tay IS và tiêu diệt gần 1.000 tay súng của nhóm khủng bố này.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại