Giáp mặt “thợ săn” tôm càng xanh trên sông Đồng Nai

Xuân Lượng |

Nhu cầu lớn và những kiểu đánh bắt “tận diệt” khiến tôm càng xanh trên sông Đồng Nai ít dần, những người làm nghề lặn tôm cũng thưa vắng hơn...

Chỉ bằng những dụng cụ khá thô sơ, người thợ lặn nhỏ thó dìm mình dưới đáy sông sâu, lần tìm từng hốc đá, gốc cây…, thu về “chiến lợi phẩm” là những chú tôm với đôi càng xanh thẫm.

Với kỹ năng "thượng thừa", người thợ lặn trở thành “sát thủ” săn tôm càng xanh trên dòng sông Đồng Nai.

Giáp mặt “thợ săn” tôm càng xanh trên sông Đồng Nai - Ảnh 1.

Tôm càng xanh sông Đồng Nai rất được ưa chuộng.

Dòng sông Đồng Nai khi tới TP. Biên Hòa thì tách làm đôi, ôm lấy Cù lao Phố (tức xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Nếu như nhánh sông Cái còn là dòng nước dữ thì nhánh nhỏ nằm giữa cù lao và phường Tân Mai con nước lại hiền lành hơn.

Nơi đây nổi tiếng với làng cá bè Tân Mai – một điểm nhấn cho dòng Đồng Nai chảy qua mảnh đất Biên Hòa – nhưng không nhiều người biết rằng cũng nơi đây còn có một nghề độc đáo: nghề lặn bắt tôm càng xanh.

Khoảng 10h sáng, sông Đồng Nai bắt đầu vào “nước lửng”, tức dòng nước cân bằng giữa dòng chảy từ thượng nguồn và thủy triều, nước lặng chứ không trôi, trong chứ không đục. Nước trong cũng là lúc thích hợp nhất để thợ lặn tôm bắt đầu công việc của mình.

Anh Đoàn Văn Duy (37 tuổi, ngụ phường Tân Mai, TP. Biên Hòa) là một trong số ít những thợ lặn tôm còn lại ở làng Tân Mai.

Dáng người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, nước da, mái tóc cháy vàng vì thường xuyên phơi nắng trên mặt sông, anh Duy thoăn thoắt thoắt chuẩn bị đồ nghề cho một chuyến lặn.

Giáp mặt “thợ săn” tôm càng xanh trên sông Đồng Nai - Ảnh 2.

"Thợ lặn" Đoàn Văn Duy chuẩn bị cho một chuyến lặn.

Trên chiếc xuồng cũ kỹ là một máy sục khí “chế” từ động cơ xuồng máy, một bình ga cũ làm “bình dưỡng khí” dự phòng, một sợi ống nước dài hàng chục mét nối với “bình dưỡng khí”, một kính lặn và một đèn pin “chống nước”. Tất cả đều là đồ “tự chế”.

Anh Duy nổ máy, đeo kính lặn, một tay cầm đèn pin “chống nước”, miệng ngậm đầu ống dưỡng khí đã được cuốn nhiều vòng và đeo vào cánh tay để không bị tuột ra khi lặn.

Cũng chẳng cần khởi động làm nóng người, anh Duy nhanh chóng chìm xuống dòng nước sâu. Một chuyến lặn bắt tôm bắt đầu.

Suốt một đoạn sông dài bắt đầu nổi lên những bọt khí lớn – dấu hiệu cho thấy vị trí của người thợ lặn. Lúc này nước lớn, đáy sông đoạn nông cũng 3 đến 5 mét, sâu thì hơn chục mét.

10 phút, 20 phút, 30 phút, dòng khí vẫn không ngừng nổi lên, nghĩa là người thợ lặn vẫn đang say sưa với công việc của mình.

Khoảng 50 phút sau, anh Duy mới ngoi lên khỏi mặt nước, trên tay là chú tôm càng xanh to bằng nửa cổ tay với hai càng rất to màu xanh thẫm– “chiến lợi phẩm” của một cuộc “săn” tôm.

Một ký tôm càng xanh sông hiện bán được khoảng 500.000 đến 700.000 đồng/kg tùy kích thước, nên dù vất vả nhưng nghề lặn tôm vẫn mang lại thu nhập đáng kể cho người “thợ lặn”.

37 tuổi, anh Đoàn Văn Duy không nhớ mình biết lặn sông từ khi nào, chỉ nhớ rằng từ hồi còn rất nhỏ, anh đã theo nghề chài lưới của cha rồi gắn bó với sông nước từ đó. Thấy người lớn lặn bắt tôm, anh cũng học theo rồi thành nghề lúc nào không hay.

Anh Duy kể, thời xưa tôm càng xanh ở sông Đồng Nai nhiều lắm, nên cánh thợ lặn tôm cũng nhiều, có lúc cả vài chục người ngày ngày ngụp lặn giữa dòng tìm tôm.

Thời đó còn “lặn vo”, tức là chỉ cởi áo ra rồi lặn xuống chứ không có công cụ hỗ trợ như bây giờ, mỗi lần lặn vo chỉ được khoảng 2 phút là phải trồi lên, ấy thế nhưng một thợ lặn giỏi một ngày vẫn có thể bắt được hàng chục ký tôm, lại toàn tôm to, có còn 2, 3 lạng.

Bây giờ nghề lặn cũng “công nghệ” hơn với nhiều dụng cụ hỗ trợ dù đa phần là tự chế giúp người thợ lặn có thể ở dưới nước lâu hơn.

Một ngày thợ lặn có thể ở dưới nước 6, 7 tiếng là chuyện bình thường, đói thì ngoi lên ăn mì gói hoặc ổ bánh mì rồi lặn tiếp.

Nhưng nghề này cũng đầy rẫy rủi ro. Người thợ lặn thường xuyên đối mặt với hiểm nghèo.

Tôm càng xanh thường sống trong những hang, hốc đá hoặc gốc cây mục chìm sâu dưới nước, nên trong lúc lặn va vào đá, bị mảnh chai cắt, thậm chí bị kẹt vào lùm cây là chuyện bình thường.

Có khi bị kẹt ống dẫn khí hoặc máy nổ đặt trên xuồng bị chết máy, người thợ lặn phải ráng sức ngoi lên làm rồi lại từ đầu.

Đáng sợ nhất là đang lặn mà có tàu hay sà lan đi qua cuốn vào ông dẫn khí có thể kéo theo cả người đang lặn sâu phía dưới, nếu không bình tĩnh xử lý thì mất mạng như chơi.

“Lặn có khi máy móc ở trên nó bị tắt, hư máy chẳng hạn hoặc là ghe xuồng đi qua nó cán đứt dây hơi, hoặc nó cuốn dây hơi nó kéo mình lên.

Trước có một người khi lặn thì xà lan đi qua nó cuốn dây hơi nó kéo lên cuốn vào chân vịt. Rồi chết, chết mà không còn nhận ra hình hài nữa”, anh Đoàn Văn Duy chia sẻ.

Tôm càng xanh là một sản vật của dòng sông Đồng Nai. Thơm ngon, giàu dinh dưỡng lại sống trong môi trường tự nhiên nên tôm được nhiều người ưa thích, giá cũng cao ngất ngưởng.

Thế nên dù đã được nuôi trồng thành công nhưng tôm sông tự nhiên vẫn được săn đón.

Nhưng, cũng vì “có giá” mà tôm càng xanh sông Đồng Nai cũng ngày một ít đi. Trong giới thợ lặn tôm có “luật” là chỉ bắt tôm to, tôm nhỏ để lại, nhưng trong “giới khác” thì không cần.

“Giới khác” ở đây là những người làm nghề câu, cào lưới bằng điện (dù bị cấm), thậm chí dân làng chài còn nghi ngờ rằng có cả những người đánh tôm bằng “thuốc” bởi có nhiều khi tôm nổi chết hàng loạt, phải vài tháng sau mới thấy có tôm trở lại.

Nhu cầu lớn và những kiểu đánh bắt “tận diệt” khiến tôm sông Đồng Nai ít dần, những người làm nghề lặn tôm cũng tương tự.

“Như hồi xưa tôm cá còn nhiều, còn bây giờ thì người ta đánh bắt triệt để quá, thuốc rồi kích điện nên nó không còn nhiều như hồi xưa. Hồi xưa lặn 4, 5 ký một ngày là bình thường, giờ thì không thể có chuyện đó.

Xóm này giờ còn một vài người lặn đếm trên đầu ngón tay, 2,3 người lặn chuyên nghiệp kiếm được 2, 3 ký cũng mất cả ngày rồi…”, anh Đoàn Văn Duy bộc bạch.

Có lẽ vì vậy mà trước đây làng bè Tân Mai lúc nào cũng có hàng chục thợ lặn tôm làm nghề, thì giờ những người làm nghề này chỉ còn vài ba người.

Đa phần đã lên bè nuôi cá, hoặc lên bờ làm đủ thứ nghề khác. Những người còn lại mặc dù vẫn còn lặn vì đam mê nhưng đa phần cũng cầm chừng. "Thợ săn" tôm càng xanh ngày một vắng bóng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại