Giáo án huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Nga - Ấn có gì khác?

Tuấn Hưng |

Hôm 31/8, 60 thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Việt Nam đã hoàn thành khóa học sáu tháng tại trường huấn luyện tàu ngầm INS Satavahana của Ấn Độ.

Theo một số thông tin từ phía Hải quân Ấn Độ, khóa đào tạo 6 tháng của 60 sĩ quan và thủy thủ tàu ngầm vận hành tàu ngầm Kilo thứ 6 của Hải quân Việt Nam mới chỉ được tiếp cận những khóa học cơ bản.

Tàu ngầm lớp Kilo 636 được trang bị ngư lôi, mìn và tên lửa diện tàu chiến và các cơ sở trên mặt đất, đây là loại trang bị có thể giúp quốc gia sử dụng buộc kẻ thù phải trả giá đắt với một lực lượng nhỏ và vừa với chiến thuật du kích trên biển.

Tuy nhiên, việc vận hành tàu ngầm trong chiến thuật đánh địch không hề đơn giản. Hải quân Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ có một lực lượng tàu ngầm mới hiện đại như hiện nay, nhưng các kỹ năng chiến thuật tác chiến tàu ngầm thì phía Việt Nam đang ở mức gần bằng không. Do đó phía Việt Nam đang tìm tòi và học hỏi các kỹ năng này.

Vậy, cách đào tạo thủy thủ tàu ngầm của Nga và Ấn Độ có gì khác nhau? Dù toàn bộ quy trình huấn luyện thủy thủ tàu ngầm luôn được giữ bí mật, nhưng quy trình tuyển chọn được thực hiện một cách công khai và giáo trình huấn luyện thủy thủ cho cùng loại tàu ngầm là tương đối giống nhau, theo tờ Times of India.

 Giáo án huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Nga - Ấn có gì khác?  - Ảnh 1.

Tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam

Quy trình tuyển chọn

Để trở thành thủy thủ tàu ngầm, các ứng viên thực hiện bài kiểm tra sức khỏe gồm 4 vòng rất khó khăn. Vượt qua tất cả các vòng này, ứng viên sẽ được lựa chọn.

Vòng thứ nhất là kiểm tra sức khoẻ bên ngoài. Ở vòng này, các ứng viên sẽ được kiểm tra chiều cao, cân nặng, thị lực, sẹo, răng, lợi. 

Vòng thứ hai là xét nghiệm máu và xác định các bệnh án ban đầu. Thủy thủ tàu ngầm không được có các tiền sử bệnh như động kinh (đau đầu, chóng mặt, choáng, ngất), đau dây thần kinh, thiếu máu, viêm gan B, giang mai, viêm khớp, viêm xoang…

Vòng thứ ba là tiến hành đo huyết áp, điện não, điện tâm đồ, siêu âm, nội soi (thường là nội soi dạ dày). 

Ở vòng thứ tư, thí sinh phải thực hiện bài kiểm tra tiền đình (khả năng giữ thăng bằng) và khả năng chịu được áp lực lớn. Bài kiểm tra nặng nề hơn đó chính là kiểm tra khả năng chịu áp lực lớn. 

Như đã biết, mọi vật chìm xuống nước đều chịu áp suất của nước. Áp suất này tỷ lệ thuận với độ sâu tức là khi độ xuống sâu 10m, áp suất sẽ tăng thêm 1 atm (áp-mốt-phe). Nghĩa là mỗi diện tích 1 cm mét vuông sẽ tăng thêm áp lực là 1 kg. Nếu thợ lặn xuống độ sâu 30 m, trên thân người đó sẽ chịu một áp lực lên tới 45.000 kg.

Tàu ngầm cũng vậy. Do đó, thủy thủ phải đủ sức khỏe và thể trạng tốt để có thể chịu được áp lực lớn bên trong tàu ngầm khi tàu ngầm lặn ở độ sâu lên tới hàng trăm mét dưới lòng đại dương (tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể lặn sâu tối đa 300 m).

Để tiến hành kiểm tra, thí sinh (khoảng 3 đến 5 người một lượt) sẽ được đưa vào một cái thùng kín như thùng phuy thường được gọi là lò áp suất hay lò ép. Người ngoài có thể nhìn vào trong thùng qua một tấm kính nhỏ. Khí sẽ được đưa vào thùng liên tục tương đương với áp suất ở dưới nước và thí sinh sẽ có cảm giác ngày càng đau rát nhất là ở khu vực lồng ngực.

Không khí trong bình sẽ trở nên quánh đặc nếu như tiếp tục được bơm vào và khi đó các thí sinh thay vì hít thở anh ta phải “uống” từng luồng khí. Nếu quá sức chịu đựng, thí sinh có thể bấm nút xin ra ngoài.

Điều kiện để đạt yêu cầu trong bước kiểm tra áp lực đó là thí sinh phải chịu được áp suất tới 3 atm (tương đương áp suất ở độ sâu 30m). Thông thường, khi chịu được áp suất ở độ sâu 12 m (1,2 atm) gọi là “ngưỡng đau” thí sinh sẽ không cảm thấy đau nữa vì anh ta đã làm quen được với cảm giác đó.

Bước ra khỏi lò “bát quái” sau khi thắng được áp lực 3 atm, thí sinh sẽ được lựa chọn và chính thức trở thành lính tàu ngầm. Tất nhiên, việc lựa chọn sẽ tiếp tục được thực hiện sau một thời gian huấn luyện ngắn hạn, và khi đó điều kiện để vượt qua bài kiểm tra cuối cùng không phải là 3 atm mà có thể là 7 atm hoặc thậm chí là lớn hơn thế nữa.

Huấn luyện thoát hiểm

Huấn luyện kỹ năng chiến đấu giành lại sự sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất trong chương trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm. Khi tàu ngầm bị chìm do sự cố và không nổi lên được, thủy thủ có thể thoát ra khỏi tàu ở phía mũi (thông qua ông phóng lôi) và phía đuôi (thông qua nắp khoang sinh tồn).

Cửa khoang sinh tồn được trang bị một phao sơn màu trắng và đỏ được nối với một sợi dây cáp gắn trong các hầm tàu. Ngoài ra, phao còn được gắn các đèn báo hiệu và phía dưới nắp phao có điện thoại để liên lạc với tàu thuyền.

Để có thể thực hiện được những kỹ năng bày, toàn bộ thủy thủ được trang bị những thiết bị đặc biệt: Thiết bị thở xách tay PDU - PDU được thiết kế để bảo vệ cơ quan hô hấp khẩn cấp. Thiết bị này không thể làm việc dưới nước nhưng có thể giúp thủy thủ bảo vệ cơ quan hô hấp khỏi các loại khí độc hại.

Túi thở: IDA-59 (59M) là thiết bị thở cá nhân giúp thủy thủ lặn đến độ sâu 20m. Một thiết bị thở cá nhân khác là ISP-60 có thể giúp các thủy thủ thoát khỏi tàu ngầm bị chìm ở độ sâu 100m, và tới 120m nếu tàu ngầm được bổ sung một bình chứa khí hê-li.

Ngoài ra, mỗi thủy thủ còn được trang bị một bộ quần áo lặn (áo liền quần) SGR. Bộ quần áo làm bằng cao su với mặt nạ phòng vệ. Trên mũ bảo hiểm, ngay trên trán, là van cứu trợ.

Cả IDA và SGR đều được cất trong một túi đặc biệt. Để chống chọi với cái lạnh dưới lòng biển, các thủy thủ còn được trang bị một bộ đồ lặn toàn thân bao gồm: áo săng đay, quần nịt, bít tất và găng tay.

Có hai cách cơ bản để thoát khỏi tàu ngầm bị chìm đó là phương pháp khô và phương pháp ướt. Phương pháp khô là phương pháp các nhân viên của lực lượng cứu hộ hải quân sử dụng thiết bị lặn hay tiềm thủy khí để giải cứu các thủy thủ khỏi tàu ngầm bị chìm.

Trong trường hợp này, tiềm thủy khí sẽ theo dây phao cứu hộ tiếp cận và đậu ngay trên nắp khoang tàu ngầm gặp nạn. Sau khi thực hiện liên kết với tàu, nước được bơm ra khỏi tiềm thủy khí, cân bằng áp suất, mở nắp, và lần lượt đưa các thủy thủ từ tàu ngầm bị chìm vào tiềm thủy khí. Số lượng thủy thủ phụ thuộc thể tích của tiềm thủy khí.

Phương pháp này cho phép giải cứu ê-kíp ở độ sâu bằng độ lặn sau lớn nhất của tàu ngầm. Như vậy phương pháp khô giúp các thủy thủ thoát khỏi tàu ngầm một cách an toàn mà không phải tiếp xúc với nước.

Phương pháp ướt có thể hiểu là quá trình thoát khỏi tàu ngầm buộc các thủy thủ phải tiếp xúc với nước. Có hai cách để thoát khỏi "cỗ quan tài sắt bị chìm" bằng phương pháp ướt là nổi lên tự nhiên và theo cáp phao tiêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại