Giang hồ đòi "bảo kê" cả khăn lạnh, đá lạnh, vỏ lon bia phế liệu

ĐÌNH VĂN |

Tây Nguyên yên bình bỗng "dậy sóng" với nhiều vụ đòi nợ thuê, cho vay tín dụng đen. Các đối tượng côn đồ ngày càng manh động, thách thức pháp luật, công khai trang bị súng, dao, mã tấu... Súng đã nổ, máu đã đổ tại các tỉnh Tây Nguyên.

"Giang hồ" nổi loạn

Liên quan đến các vụ nổ súng giành giật bảo kê, cho vay "tín dụng đen", công an các tỉnh Tây Nguyên đã lần lượt bóc gỡ, bắt giữ nhiều đối tượng.

Tuy thế, nhiều băng nhóm lại tìm cách hoạt động "ngầm", chờ thời điểm xuất hiện. Băng nhóm này bị triệt phá, băng nhóm khác nổi lên. Tại Tây Nguyên, chưa bao giờ, súng lại được các đối tượng tàng trữ dễ dàng như thế.

Giang hồ đòi bảo kê cả khăn lạnh, đá lạnh, vỏ lon bia phế liệu - Ảnh 1.

Các băng nhóm thanh toán nhau chủ yếu... bằng súng.


Giang hồ đòi bảo kê cả khăn lạnh, đá lạnh, vỏ lon bia phế liệu - Ảnh 2.

Nhiều đối tượng bị bắt giữ khai: “Súng là vũ khí thể hiện “số má” và “đẳng cấp”“.


Giang hồ đòi bảo kê cả khăn lạnh, đá lạnh, vỏ lon bia phế liệu - Ảnh 3.

Xung đột mâu thuẫn, các băng nhóm sẵn sàng lao vào huyết chiến, tước đoạt sinh mạng.

Giang hồ đòi bảo kê cả khăn lạnh, đá lạnh, vỏ lon bia phế liệu - Ảnh 4.

Xung đột mâu thuẫn, các băng nhóm sẵn sàng lao vào huyết chiến, tước đoạt sinh mạng.

Ở Kon Tum, Công an tỉnh này đã phải phát đi thông báo "Cảnh giác với thủ đoạn phạm tội mới" trên Cổng thông tin điện tử.

Đã xuất hiện nhóm đối tượng hình sự - từng ra tù về - đi đến các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để "đặt vấn đề" cung cấp khăn lạnh, đá lạnh và thu mua vỏ lon bia.

"Nếu các chủ nhà hàng không chấp nhận, chúng sẽ tìm mọi cách gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, nhằm độc quyền mua vỏ lon bia; cung cấp đá, khăn lạnh với giá cao, chất lượng thấp" .

"Công an Kon Tum khuyến cáo các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn cảnh giác với các hoạt động trên. Tuyệt đối không nên có các quan hệ giao dịch với những người không có uy tín, lạ mặt. Khi phát hiện hiện tượng trên, đề nghị báo ngay cho Công an huyện để phối hợp trong công tác điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng", công an Kon Tum đề nghị cảnh giác.

Tại quán bar WinDow (TP.Kon Tum), một số đối tượng được cho là từ Hải Phòng và Kon Tum lao vào huyết chiến với dao và súng trên tay. Hai đối tượng H. T. T (trú Hải Phòng) và V. V. H (trú Hải Dương) tử vong cùng 3 nạn nhân khác bị thương. Nguyên nhân đậm chất “xã hội đen” khi băng nhóm người tỉnh Kon Tum không muốn các đối tượng du côn tỉnh khác vào lãnh địa tranh phần “làm ăn”.

Tại Tây Nguyên, đã xuất hiện rất nhiều "băng nhóm" từ các tỉnh phía bắc vào tranh giành lãnh địa. Thủ đoạn, đứng ra thu mua vỏ lon bia phế liệu tất cả các nhà hàng, quán nhậu. Trước mặt, chúng trả tiền sòng phẳng, đàng hoàng. Tuy thế, phía sau là tính lượng tiêu thụ đầu lon bia, để đòi tiền "bảo kê". Nhà hàng này, tiêu thụ 1 ngày 1.000 lon bia, chúng đòi tiền "bảo kê" giá thấp, nhà hàng khác, tiêu thụ 3.000 lon bia/ ngày, chúng đòi tiền "bảo kê" giá cao hơn, nhà hàng thứ ba, tiêu thụ 5.000 lon bia/ ngày, chúng đòi tiền gấp đôi, gấp ba...

Khi các đối tượng "giang hồ" người Tây Nguyên, không muốn địa bàn của mình rơi vào tay các đối tượng người phía bắc, tất yếu xung đột mâu thuẫn. Sau các vụ thanh toán tranh giành thị phần, cơ quan chức năng đều thu giữ nhiều vỏ đạn đồng tại hiện trường.

Công an quyết tâm triệt phá

Mới đây (ngày 11.1), Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02, công an Gia Lai) đã phải đang trưng dựng clip ghi cảnh đám "xã hội đen" đánh ông Lê Đình Hữu Phước (SN 1964, tổ 14, phường Hội Phú, TP Pleiku) - người nhận thay nợ cá cược cho người thân - đến tử vong.

Clip do người nhà cung cấp mô tả, ngày 10.1, ông Phước bị hai đối tượng, một áo khoác đen, một áo sơ mi trắng dí súng vào đầu, liên tục đá vào bụng, hông, tung các đòn đấm, làm ông Phước bật ngửa ra sau. Hai đối tượng tay lăm lăm hai khẩu súng uy hiếp. Quá trình đánh đập, súng của đối tượng áo khoác đen nổ tóe lửa.

T.V.D (quê Nghệ An) bị đuổi đánh ngay trên địa bàn tỉnh Gia Lai. D bỏ chạy. Sau đó, đồng bọn của D xuất hiện, đi trên xe ôtô bán tải, dùng súng bắn trọng thương phe đối trọng, làm 3 người phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Tại Gia Lai, súng cũng đã nổ trước Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh Gia Lai làm một thanh niên tử vong và tường nhà dân với 4 vết viên đạn găm vào. Từ tháng 11-12.2018, Phòng Cảnh sát cơ động (PK02, Công an Gia Lai) liên tiếp bắt giữ các đối tượng tàng trữ vũ khí trái phép, ví như vụ bắt giữ hai đối tượng N.M.N và H.T.P (trú TP.Pleiku) mang trên người 2 khẩu súng hiệu Record, 7 viên đạn. Súng là vũ khí thể hiện “số má” và “đẳng cấp” do vậy, được các băng nhóm ưa chuộng, trang bị.

Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai - Thượng tá Trần Ngọc Anh - cho biết: Để ngăn ngừa phải đòi hỏi cả hệ thống các ban, ngành vào cuộc từ việc giáo dục ý thức pháp luật, quản lý chặt các đối tượng cộm cán, tầm nã. Toàn dân cũng phải vào cuộc phối hợp với cơ quan chức năng. Kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ về điều tra và hành chính hài hòa tất cả các biện pháp với phương châm là phục vụ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại, chính sách phải tạo điều kiện thông thoáng trong việc cho vay, sở Văn hóa Thể thao - Du lịch và sở Thông tin - Truyền thông cũng cần "xắn tay" vào quản lý việc dán tờ rơi, quảng cáo cho vay "lãi suất thấp", kèm số điện thoại dán ở trụ điện, bờ tường...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại