Giám đốc Sở GDĐT Nam Định lên tiếng vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man

HUYÊN NGUYỄN |

“Ngoài việc kỷ luật học sinh vi phạm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Nam Định đang làm rõ trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường và những người có liên quan để có hình thức xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, Sở GDĐT tỉnh cũng sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và lấy đó làm bài học cho các địa phương”, ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định cho biết.

Liên quan đến việc nam sinh Nguyễn Hà T. - lớp 7 Trường THCS Nghĩa Trung (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) bị nhiều học sinh khóa trên đánh dã man ngay tại lớp học, ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định cho biết, sau khi nắm bắt sự việc, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định đã yêu cầu Phòng GDĐT trực tiếp vào cuộc và xử lý vụ việc.

Trước hết, tổ chức hai bên gia đình gặp gỡ để trao đổi, kịp thời ngăn chặn các sự việc tiếp theo; đưa học sinh bị đánh đi kiểm tra sức khỏe, ổn định tâm lý cho các em.

Bên cạnh đó, đề nghị các học sinh, giáo viên, cán bộ có liên quan đến sự việc viết kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân; thành lập Hội đồng kỉ luật để có hình thức xử lý đảm bảo đủ răn đe.

Giám đốc Sở GDĐT Nam Định lên tiếng vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man - Ảnh 1.

Ông Cao Xuân Hùng cho biết, từ vụ việc này cần có biện pháp nghiêm khắc và rút kinh nghiệm tới các nhà trường trong giáo dục học sinh

Từ thực trạng đó, ông Cao Xuân Hùng yêu cầu Phòng GDĐT các huyện, thành phố; các trường THPT và các đơn vị trực thuộc rút kinh nghiệm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường.

Nêu cao tinh thần phối hợp giữa nhà trường với gia đình và giữa học sinh với các thầy cô giáo; vai trò của các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tổ giám thị, tổ đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ trong trường phát huy tích cực vai trò của mình.

Đặc biệt, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an địa phương trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cần phải được quan tâm.

Cần xem xét và giáo dục kịp thời tới học sinh về bạo lực học đường, về thái độ vô cảm của các học sinh khác trong lớp khi thấy đánh nhau; về ý thức thiếu xây dựng của những học sinh tung clip.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn trong việc ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống và các hành vi bạo lực học đường.

Giáo viên chủ nhiệm cần theo dõi sát diễn biến tư tưởng trong học sinh; giải quyết từ những mâu thuẫn nhỏ để tránh việc mâu thuẫn phát sinh kéo dài dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại