Giám đốc CA Nghệ An kể chuyện bị chất vấn "ai cho phép dùng quả nổ tấn công vào dân"

Hoàng Đan |

"Chúng tôi tấn công là thực hiện quyền phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật là để ngăn chặn và bắt giữ người phạm tội chứ không phải là nhân dân", ông Cầu nêu rõ.

Phát biểu thảo luận về luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại Quốc hội, là người phát biểu mở đầu, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) đã kể lại câu chuyện thực tế gặp phải.

"Đó là, khi các vụ tấn công, trấn áp đối tượng chống người thi hành công vụ đã có một số phóng viên và cán bộ trong Ban thường vụ Tỉnh ủy chất vấn, ai cho phép dùng quả nổ, quả khói tấn công vào dân.

Tôi giải thích rằng, ranh giới giữa tội phạm và không phải là tội phạm rất mong manh và rõ ràng, do đó ranh giới giữa người tốt và kẻ xấu cũng rất mỏng manh và rõ ràng.

Bình thường anh là người tốt nhưng do quá khích, anh dùng giáo mác, gậy gộc tấn công làm người thi hành công vụ bị thương thì anh lập tức thành người phạm tội.

Chúng tôi tấn công là thực hiện quyền phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật là để ngăn chặn và bắt giữ người phạm tội chứ không phải là nhân dân", ông Cầu bày tỏ.

Bàn về Điều 21 dự thảo Luật quy định việc nổ súng, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, điều luật còn khá dài, một số nội dung chưa hợp lý, nhất là khái niệm nổ súng còn có cách hiểu khác nhau.

"Như khoản 3 Điều 21 quy định trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên để cảnh báo, vậy bắn chỉ thiên có phải là nổ súng không...", đại biểu Cầu đặt vấn đề.

Vẫn theo Đại biểu Cầu, căn cứ vào tính chất, vào mức độ của hành vi nguy hiểm và tính chất quan trọng của đối tượng bị xâm hại cần thiết phải cho người thi hành công vụ tiến hành phòng vệ sớm, nếu phòng vệ muộn sẽ gây hậu quả khôn lường.

"Theo đó các hành vi như sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để tấn công đối tượng cảnh vệ, để củng cố cướp chính quyền, để cướp phá trại giam, bắt cóc con tin, tội phạm ma túy có vũ trang thì cần thiết phải phòng vệ sớm để tiêu diệt đối tượng", Giám đốc Công an Nghệ An nêu.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đánh giá, Điều 21 của dự thảo Luật quy định việc nổ súng là khá rõ ràng, đầy đủ.

Tuy nhiên với các đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để tấn công, chống trả hay đe dọa tính mạng sức khỏe người thi hành công vụ hay người khác thì cần cho phép nổ súng ngay chứ không cần phải sau khi đã cảnh báo.

"Bởi đây là hành vi hết sức nguy hiểm và manh động, nếu không nổ súng kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ...", đại biểu Tám nói.

Góp ý theo hướng tranh luận, đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương, Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục An ninh) cho rằng, cần phải quy định rõ nổ súng vào đối tượng.

Tướng Quân phân tích, có một số quy định của pháp luật nói rất rõ trường hợp phương tiện vi phạm bỏ chạy thì lực lượng chức năng được bắn thẳng vào phương tiện nhưng trong quy định về người vi phạm pháp luật lại không thấy quy định về trường hợp được bắn vào đối tượng.

"Trong thực tiễn xảy ra rất nhiều trường hợp, nhiều khi cán bộ, chiến sĩ phải xin ý kiến của cấp trên, thậm chí rất nhiều lãnh đạo, chỉ huy lúng túng trong việc này. Cần phải quy định rất rõ để tạo cơ sở hành lang pháp lý, cơ sở thực hiện, thứ hai cũng là răn đe tội phạm", ông Quân kiến nghị.

Giái trình trước Quốc hội, Thượng tượng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, quy định về nổ súng là một nội dung đặc biệt quan trọng trong dự thảo Luật.

Bởi nó có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

"Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tu chỉnh các quy định về nổ súng nhằm đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan, nhất là quy định của Bộ luật hình sự", tướng Lâm nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại