Lễ tang nhà văn Tô Hoài sẽ được tiến hành sau 11 ngày mất

Lễ tang nhà văn Tô Hoài sẽ diễn ra vào 7h30 ngày 17/7/2014 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Lễ truy điệu và đưa tang hồi 10 giờ cùng ngày, an táng tại nghĩa trang Thanh Tước, Mê Linh, Hà Nội.

Thành phố Hà Nội chủ trì tang lễ với một ban lễ tang do bà Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên trung ương Đảng, Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố làm trưởng ban.

Được biết, lộ trình tiễn đưa nhà văn Tô Hoài đến nơi an nghỉ sẽ từ nhà tang lễ, qua nhà riêng tại hai địa điểm: số 21B Đoàn Nhữ Hài, quận Hoàn Kiếm và 106 C3 tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, sau đó đến nơi an táng.

Ảnh nhà văn Tô Hoài tiếp nghiên cứu sinh Alec Holcombe (Mỹ) tại nhà con gái ông ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh chụp năm 2008.

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, quê quán thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nhà văn Tô Hoài đã từ trần lúc 11 giờ 35 phút ngày 6-7-2014 tại Bệnh viện Hữu nghị, thọ 95 tuổi. Trong suốt cuộc đời văn nghiệp ông đã để lại hơn 100 tác phẩm văn học gồm nhiều thể loại. Nhiều tác phẩm của ông hiện vẫn còn được đông đảo bạn đọc yêu mến và tiếp tục được các Nhà xuất bản tái bản để chuyển đến những lớp công chúng mới.

Năm 2010, trong lễ chúc thọ nhà văn Tô Hoài 90 tuổi diễn ra tại Hội liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch hội - nhà thơ Bằng Việt nói về nhà văn Tô Hoài: “Ông có sự lao động tỉ mỉ, căn cơ của một người học chữ từ dân gian, từ cuộc sống hàng ngày. Và là người làm việc khoẻ nhất trong chúng ta ở đây. Là người cùng tuổi với dế mèn, tôi cũng như những anh em đồng lứa khác, biết ơn ông!'

Còn nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam thì nói: “Có những nhà văn, nhà thơ làm vinh dự cho chữ Hán, làm vinh dự cho chữ Nôm. Anh Tô Hoài, cùng với Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… làm vinh dự cho chữ quốc ngữ. Tôi được gần các thế hệ đi trước, càng hiểu giá trị của những giây phút sống bên cạnh họ, kể cả khi các anh im lặng”.

Quá trình học tập, công tác, sáng tác: Nhà văn Tô Hoài có các bút danh khác: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa. Ông viết văn xuôi, tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký năm 1940. Từ năm 1945 đến 1952 làm phóng viên báo Cứu Quốc (Tổng bộ Việt Minh). Công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội. Tốt nghiệp trường Nguyễn Ái Quốc khóa 1960 – 1962. Từng là Tổng thư ký, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Nay là Chủ tịch danh dự Hội VHNT Hà Nội.

Tác phẩm đã xuất bản: đã xuất bản và in lại nhiều lần hơn 150 đầu sách cho đối tượng bạn đọc là người lớn và thiếu nhi. Các tác phẩm tiêu biểu: Dế mèn phiêu lưu ký (1941), tái bản nhiều lần, dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới; Quê người (1941); O chuột (1942); Cỏ dại (1944); Nhà nghèo (1944); Truyện Tây Bắc (1953); Mười năm (1957); Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959); Miền Tây (1967); Nhật ký vùng cao (1969); Quê nhà (1969); Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ; Đảo hoang; Chuyện cũ Hà Nội (1980); Cát bụi chân ai (1992); Chiều chiều (2000); Ba người khác (2006)…

Giải thưởng văn học: 1956, Giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn nghệ Việt Nam: Truyện Tây Bắc. 1967, Giải A Hội Văn nghệ Hà Nội: tiểu thuyết Quê nhà. 1970, Giải thưởng Hoa Sen Hội Nhà văn Á – Phi 1970: tiểu thuyết Miền Tây. 1980, Giải thưởng Thăng Long (UBND thành phố Hà Nội): tập hồi ký Chuyện cũ Hà Nội. 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh của Nhà nước về VHNT, đợt I. 2010, Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại