Hình ảnh Bác Hồ trong điện ảnh Việt Nam

huongngan |

Mỗi bộ phim là một giai đoạn khác nhau của Hồ Chủ Tịch được khắc họa bằng góc nhìn của điện ảnh.

Làm phim về một nhân vật lịch sử đã khó, mà nhân vật đó lại là vị chủ tịch kính yêu của cả dân tộc thì lại càng khó khăn gấp bội. Các nhà làm phim phải vượt qua những khó khăn cũng như là thử thách để có thể hoàn thành bộ phim một cách tốt nhất.

Hẹn Gặp Lại Sài Gòn (1990)

Năm sản xuất và phát hành: 1990

Quốc gia: Việt Nam

Đạo diến: Long Vân

Kịch bản: Sơn Tùng

Diễn viên: NSƯT Tiến Hợi (Nguyễn Tất Thành) và NS Thu Hà

NSƯT Tiến Hợi (Nguyễn Tất Thành) trong một cảnh quay

Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cấp kinh phí đầu tư sản xuất bộ phim truyện nhựa màu đầu tiên về tuổi trẻ của Bác Hồ lấy tựa đề  Hẹn Gặp Lại Sài Gòn.

Trong bộ phimHẹn Gặp Lại Sài Gòn, hình ảnh Bác Hồ thời trẻ gây ấn tượng sâu sắc với diễn xuất của NSƯT Tiến Hợi và NS Thu Hà. Bộ phim kể về những năm tháng Bác Hồ cùng gia đình sống và học tập ở Huế giai đoạn 1895 – 1901 và 1906 – 1909, sau đó Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết dạy học và vào Sài Gòn tìm cách ra nước ngoài để tìm đường cứu nước.

Với nội dung kịch bản kể lại câu chuyện về cuộc đời chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi 20 tuổi với đầy hoài bão, đầy ước mơ và chất chứa nỗi đau giống nòi, nỗi đau mất nước. Việc tìm kiếm diễn viên đảm nhận vai chính khá khó khăn, đoàn làm phim mất nhiều tháng trời mà chưa chọn được diễn viên như ý. Sau đó, đạo diễn Long Vân nhận được thông tin, diễn viên Tiến Hợi vừa vào vai Bác Hồ trong vở kịch nói “Đêm Trắng” có ngoại hình và tác phong khá giống Bác. Và cuối cùng, diễn viên Tiến Hợi đã thuyết phục được vị đạo diễn khó tính không chỉ bởi ngoại hình, tác phong mà còn bởi tình cảm yêu kính chân thành của người nghệ sỹ dành cho nhân vật và cho vai diễn Bác Hồ.

Hà Nội - Mùa Đông 1946 (1997)

Năm sản xuất và phát hành: 1997

Quốc gia: Việt Nam

Đạo diến: Đặng Nhật Minh

Biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm

Diễn viên: NSƯT Tiến Hợi (Nguyễn Tất Thành), Quốc Tuấn, Võ Hoài Nam

"Hà Nội Mùa Đông 1946" lại chú trọng vào một thời khắc quan trọng khác trong lịch sử Hà Nội. Cuộc đàm phán trong Hội nghị Phông-ten-nơ-blô tại Pháp thất bại, Hồ Chủ tịch ký tạm ước với Pháp để tranh thủ thời gian chuẩn bị đối phó với tình hình. Cả mùa đông năm 1946 là một mùa đông vô cùng căng thẳng, khi"chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết cướp nước ta một lần nữa".

Nội dung phim tập trung vào những hoạt động đối nội và đối ngoại đầy trí tuệ của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo chính quyền cách mạng, cảnh Bác Hồ lặng lẽ suy nghĩ cân nhắc tình thế cách mạng, cảnh cuộc họp chính phủ Bác Hồ hỏi vị tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang:"Có thể giữ Hà Nội được bao lâu?". Và cuối phim, cảnh Bác Hồ và Trung ương, Chính phủ rời Hà Nội trở lại Việt Bắc lần thứ hai trong cái đêm Hà Nội bắt đầu nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc 19 tháng 12 năm 1946. Phía sau lưng Bác, cả một Hà Nội bốc cháy, bom đạn. Đó là một cảnh bi hùng, cái giờ khắc người lãnh tụ vĩ đại mỗi bước mỗi rời xa Hà Nội, trong tâm hồn Bác đầy xúc động, đầy quyết tâm. Bác ra đi là để trở về.

Mùa đông năm 1946, cái giờ phút ngặt nghèo bi tráng 19 tháng 12 năm 1946 đã vào phim. Đó là một khoảnh khắc đã từng đi vào thi ca, nhạc họa, đã in hằn trong sử sách, và nó còn là cảm hứng sáng tạo của các nhà làm phim không chỉ hôm nay, mà cả về sau.

Nguyễn Ái Quốc Ở Hồng Kông (2003)

Năm sản xuất và phát hành: 2003

Quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc

Đơn vị sản xuất: Hãng phim Hội Nhà văn, Hãng phim Châu Giang

Đạo diến: Nguyễn Khắc Lợi (Việt Nam), Viên Thế Kỷ (Trung Quốc)

Kịch bản: Nguyễn Hữu Mai

Diễn viên: Trần Lực (vai Nguyễn Ái Quốc), Hoàng Phúc (vai Lê Duy Điếm - bảo vệ Bác Hồ ở Hồng Kông) và Quang Hải (vai Hồ Tùng Mậu)

Trọng tâm của bộ phim là vụ án Hồng Kông, thực dân Anh cố tình khép tội Nguyễn Ái Quốc, muốn giao Nguyễn Ái Quốc cho thực dân Pháp ở Ðông Dương xét xử ( trong khi đó năm 1930 Nguyễn Ái Quốc bị kết án tử hình vắng mặt ở Ðông Dương ). Vụ án này được coi là một trong hai vụ án điển hình của phong trào cộng sản quốc tế thời kỳ 1930-1940.

Thời gian này, phong trào cách mạng non trẻ ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố trắng, một số cơ sở cách mạng của ta bị tan rã, nhân dân bị đàn áp. Phong trào cộng sản ở Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyễn Ái Quốc bị giam trong nhà tù Victoria.

Ðồng chí Hồ Tùng Mậu, đang ở Hồng Công đã nhờ ông Loseby, luật sư nổi tiếng người Anh bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyễn Ái Quốc. Với ý chí và nghị lực phi thường, đặc biệt là sự giúp đỡ của vợ chồng luật sư Loseby, cùng các chiến sĩ cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi nhà tù Victoria. Người đã rời khỏi Hồng Công trở về Việt Nam tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng non trẻ.

Lời thoại của bộ phim có ba bản khác nhau: tiếng Việt, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.

Vượt Qua Bến Thượng Hải (2010)

Năm sản xuất và phát hành: 2010

Quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc

Đơn vị sản xuất: Hãng phim Hội nhà văn

Đạo diến: Triệu Tuấn (Việt Nam) và Phạm Đông Vũ (Trung Quốc)

Biên kịch: Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh

Diễn viên: Minh Hải (Nguyễn Ái Quốc), Mỹ Duyên, Lê Thái Hoà, Nguyễn Tiến Thỏa (Nguyễn Lương Bằng)...-Việt Nam, Chương Diễm Mẫn (Tống Khánh Linh), Tào Ngu (Lưu Mạo An)…- Trung Quốc.

Bộ phim ban đầu có tênHành Trình Qua Ba Bể, là phần 2 của phim Nguyễn Ái Quốc Ở Hồng Kông về quãng đời hoạt động của Bác trong thời gian ở nước ngoài. Bối cảnh lịch sử diễn ra vào cuối năm 1933 đầu 1934 của thế kỷ 20, là câu chuyện tiếp nối cuộc hành trình đầy gian nan, thử thách của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Hồng Kông đến Hạ Môn, Thượng Hải để tìm đường sang Liên Xô sau khi “thoát hiểm” khỏi vụ án ở Hồng Kông.

Để tránh sự truy lùng của mật thám Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch, Nguyễn Ái Quốc và người cộng sự tên Hổ tạm lánh trong tư dinh của ông Long - một người Hoa giàu có, tốt bụng tại khu phố Hạ Môn.

Tại đây, Người được chăm sóc và bảo vệ bí mật của nữ bác sỹ Phương Thảo (người gốc Việt, Hội An) để bắt liên lạc với các đồng chí của mình là Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng... và được sự giúp đỡ tận tình của bà Tống Khánh Linh (phu nhân cố lãnh tụ Tôn Trung Sơn của phong trào cách mạng Tân Hợi).

Tuy nhiên, lúc này mật thám Pháp đã bí mật thuê sát thủ tên Ngũ Lang tìm cách ám sát Nguyễn Ái Quốc trước khi Người có cơ hội sang Liên Xô.

Nhìn Ra Biển Cả (2010)

Năm sản xuất và phát hành: 2010

Quốc gia: Việt Nam

Đơn vị sản xuất: Hãng phim truyện Việt Nam

Đạo diến: Vũ Châu

Kịch Bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát

Diễn viên: Nguyễn Minh Đức (Nguyễn Tất Thành), NSƯT Thu Hà (vai bà Hương Bình), NSƯT Trung Anh (vai cụ Nguyễn Sinh Sắc), NSƯT Mạnh Cường (vai ông Hồ Tá Bang – tổng lý Công ty nước mắm Liên Thành ), NSƯT Trung Hiếu (Hiệu trưởng trường Dục Thanh).

Phim đã khắc họa chân dung tuổi trẻ của Hồ Chủ Tịch giai đoạn 1908 - 1910 khá sinh động và chân thực qua sự thể hiện của diễn viên trẻ Minh Đức.

Nhìn Ra Biển Cảkể về giai đoạn từ một học sinh Quốc học Huế do tham gia biểu tình giúp bà con nông dân, tiểu thương chống sưu cao thuế nặng nên bị buộc phải thôi học. Bước ngoặt này khiến Nguyễn Tất Thành bắt đầu một cuộc dấn thân mới. Người dời Huế và đã đi khắp dải đất miền Nam Trung Bộ. Nơi dừng chân của Người giai đoạn này là việc dạy tại trường Dục Thanh – trường do ông Hồ Tá Bang – tổng lý Công ty nước mắm Liên Thành sáng lập.

Tại đây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã tâm huyết dạy học và truyền bá chữ quốc ngữ cũng như những tư tưởng dân ta phải nói tiếng ta cho nhiều học trò. Mặc dù chỉ dạy trong thời gian 2 năm, nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã để lại một dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí những người cộng sự, cũng như các học trò của thầy Thành về cách sống, cách hành xử cũng như cách giảng dạy nhằm nâng cao Trí, Đức, Thể, Mỹ cho thế hệ trẻ nước nhà những năm đầu thế kỷ 20.

Kết thúc bộ phim cũng là mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đời của Hồ Chủ Tịch, đó là thầy giáo Nguyễn Tất Thành lên thuyền vào Nam để bắt đầu một cuộc hành trình mới.

Theo Afamily

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại