Giải pháp thay thế F-35: Vũng lầy mới của Không quân Mỹ

Thùy Dung |

Máy bay thế hệ 6 sẽ là cứu tinh cho F-35 trong trường hợp bị Tổng thống Trump hủy bỏ. Tuy nhiên, đây có thể là vũng lầy mới Mỹ lún vào.

Vũng lầy mới

Phương án nhằm tiết kiệm chi phí thay thế cho chương trình F-35 là loại bỏ hoàn toàn tiêm kích thế hệ 5 (trừ các chiến đấu cơ F-22 và F-35 đã sản xuất), và tập trung vào nghiên cứu phát triển tiêm kích thế hệ 6.

Thế hệ máy bay chiến đấu mới sẽ tập trung vào các tính năng chủ yếu như tàng hình, siêu hành trình, siêu tốc, khả năng tích hợp mạng, năng lực dùng vũ khí laser, và khả năng hoạt động không người lái.

Không chỉ có Mỹ, một số quốc gia khác hiện cũng đã bắt tay vào nghiên cứu thế hệ máy bay này như Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Pháp, nhằm tạo ra những phi đội bay lớn giống như thời Chiến tranh lạnh.

Việc loại bỏ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 sẽ khiến Mỹ bị hụt hẫng, giảm đội hình phi đội cũng như khả năng chiến đấu, nhưng đổi lại, nó giúp cho Hải quân và Không quân Mỹ đỡ phải gánh chịu những phi phí khổng lồ từ chương trình tiêm kích F-35 gây ra.

 Giải pháp thay thế F-35: Vũng lầy mới của Không quân Mỹ  - Ảnh 1.

Tiêm kích F-35

Do vậy, ý tưởng chờ thế hệ máy bay chiến đấu mới được xem là khả thi và sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, rất có thể máy bay thế hệ 6 sẽ là vũng lầy còn nghiêm trọng hơn mà Không quân Mỹ sẽ lún sâu vào.

Giấc mơ máy bay thế hệ mới giá rẻ của người Mỹ vừa được tờ Sputnik đăng bài trong bài viết với tiêu đề "Giấc mơ viển vông mới của Lầu Năm Góc: Máy bay thế hệ mới với chi phí phải chăng".

Mở đầu bài viết, tờ Sputnik cho biết Không quân Mỹ thường không dự đoán chuẩn xác mức chi phí cần cho các máy bay thế hệ mới tàng hình của họ, cũng như tỏ ra không hoàn toàn đáng tin cậy trong việc chế tạo chúng.

Ví dụ như với máy bay ném bom tàng hình B-2, chi phí dự kiến ban đầu vào năm 1986 là 441 triệu USD mỗi máy bay. Tới năm 1992, chi phí tăng lên 2,2 tỷ USD/chiếc. Và thậm chí với mức giá sang chảnh đó, Không quân Mỹ vẫn không nhận được 132 máy bay theo kế hoạch của họ. Hiện tại, họ chỉ có 20 chiếc B-2.

Tổng chi phí (dự kiến, hiện tại) của chương trình B-2 vẫn không sánh được với con số 400 tỷ USD ném qua cửa sổ (tính tới nay) của dự án F-35 – chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, B-2 lại đánh bay tất cả các máy bay quân sự khác ở mức chi phí cho mỗi giờ bay. Song, Không quân Mỹ tuyên bố rằng "lịch sử sẽ không lặp lại". Họ đang phát triển một mẫu máy bay thế hệ mới với mức chi phí 550 triệu USD/chiếc.

Như vậy, họ chỉ mất khoảng 55 tỷ USD để có được 100 máy bay. Tuy nhiên, những ai đã quen với các thể loại vũ khí "công nghệ cao, đa năng" (như F-35) của Không quân Mỹ sẽ tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này và rất có thể, chiến đấu cơ thế hệ 6 sẽ là vũng lầy mới đang chờ Mỹ.

Giấc mơ xa vời

Hiện nay, cùng với máy bay thế hệ 6, Mỹ cũng bắt tay vào chương trình máy bay ném bom thế hệ mới, tuy nhiên không có nhiều thông tin về những mẫu thiết kế được đề xuất cho chương trình máy bay ném bom - tấn công tầm xa (LRS-B) tối mật của Mỹ.

Hồi giữa năm 2013, lần đầu tiên Không quân Mỹ lên tiếng xác nhận rằng họ đang phát triển một máy bay ném bom - tấn công tầm xa (Long Range Strike-Bomber - LRS-B) có người lái mới, trong đó tiết lộ một vài chi tiết về loại máy bay ném bom này, tạp chí Flight Globe của Anh cho biết.

Tuy nhiên, chương trình phát triển LRS-B của Không quân Mỹ đầy lận đận. Vấn đề đáng chú ý gần đây nhất với LRS-B là giá thành và chi phí phát triển dự án. Các chuyên gia Mỹ trước đây tính toán, giá thành của mỗi máy bay LRS-B là 450 - 500 triệu USD, nhưng đó chỉ là còn số ước đoán, chi phí của toàn dự án vẫn chưa được hé lộ.

Tư lệnh Không quân Mỹ, tướng M. Donley tuyên bố sẽ thường xuyên cập nhật chi phí của dự án. Cụ thể, trong năm 2014, LRS-B đã được phân bổ 350 - 370 triệu USD.

Với giá thành khủng tới trên 2 tỷ USD/máy bay, quân đội Mỹ đã phải giảm số lượng mua máy bay B-2 xuống tối thiểu. Ở thời điểm hiện tại, giới chức không quân Mỹ đã tính tới số lượng máy bay LRS-B cần mua vào khoảng từ 80 tới hàng trăm chiếc.

Như vậy, LRS-B sẽ thay thế hoàn toàn các đơn vị ném bom chiến lược hiện có. Việc này có khả thi hay không, hiện chỉ có Lầu Năm góc mới có câu trả lời chính xác, trong khi dự án tham vọng này chắc chắn sẽ bị Quốc hội Mỹ “hỏi thăm” về vấn đề tài chính và giá thành mỗi máy bay khi xuất xưởng.

Do đóng vai trò là xương sống của không quân chiến lược Mỹ trong tương lai, thông tin về LRS-B rất được săn đón, nhưng giới săn tin mới chỉ có các thông tin rời rạc về dự án này như:

LRS-B áp dụng sâu công nghệ tàng hình để xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương; khả năng mang vũ khí có và không điều khiển; không chỉ có chức năng tấn công mà còn có khả năng trinh sát, viễn thám…

Do chưa có các thông tin chắc chắn, nhiều khả năng yêu cầu và thời điểm cung cấp máy bay LRS-B sẽ còn thay đổi. Theo kế hoạch ban đầu, Không quân Mỹ sẽ cho trình làng LRS-B vào năm 2020 - muộn hơn một năm so với kế hoạch ra mắt máy bay ném bom thế hệ mới PAK DA của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại