Có phải cứ thuốc “cổ truyền”, “tự nhiên” là tốt?

Nguyễn Trịnh Đôn (Nghiên cứu viên chuyên môn sinh hoá tại Anh) |

Vậy theo "tự nhiên", "cổ truyền" là đúng hay sai? Câu trả lời là...

Hầu như ngày nào chúng ta cũng được đọc, nghe về lối sống "thuận tự nhiên", các bài thuốc "từ tự nhiên" hay "cổ truyền" (chủ yếu là thảo dược tự nhiên), hay "năng lượng vũ trụ" (năng lượng tự nhiên) được quảng cáo chữa trị đủ loại bệnh tật.

Nhiều sách báo hay trang web khi nói về những vấn đề này dường như không đưa ra được bằng chứng khoa học nào ngoài việc dùng tràn lan từ "tự nhiên" hay những câu chữ đầy hơi hướng cổ truyền nhưng không minh bạch. 

Ví dụ: "3 đến 5 giờ sáng là giờ dần, đây là giờ của phổi …"; "7 đến 9 giờ sáng là giờ thìn, đây là giờ của dạ dày …"; "tại sao người ta hay chết lúc 3 giờ sáng: hãy cứu gan …".

Có phải cứ thuốc “cổ truyền”, “tự nhiên” là tốt? - Ảnh 1.

Nguyễn Trịnh Đôn (Hiện là nghiên cứu viên chuyên môn sinh hoá các hợp chất tự nhiên từ thực vật tại Trung tâm John Innes (John Innes Centre), Norwich, Anh).

Một cuốn sách về 'minh triết' ẩm thực viết: "Người nào chuyên ăn trái cây lâu dài, khi ra nắng sẽ bị lóa mắt không chịu được. 

Còn động vật ăn huyết nhục thì lại quá dương nên kỵ lửa. Chỉ có sinh vật nào ăn hạt là loại thức ăn không quá dương cũng chẳng quá âm sẽ không sợ và không kỵ lửa …". Rồi các sách về chữa trị bằng năng lượng ("energy healing") cũng khá phổ biến [1], v.v…

Ngược lại, những gì bị chụp cái mũ "phản tự nhiên" đều bị coi là những thứ gây hại, như một quyển sách đang khá phổ biến cho rằng người lớn uống sữa là không tốt vì phản tự nhiên [2].   

Trong một dịp giới thiệu công việc nghiên cứu cây thuốc với công chúng ở nước Anh, người viết bài này cũng bị chất vấn "Tại sao lại phân lập các hoạt chất khỏi cây? Y học cổ truyền dùng cả cây thuốc bao đời, nay tách dược chất này khỏi các chất khác trong cây là phản tự nhiên, là có hại!"

Có lẽ logic này đang được khá nhiều người tin tưởng: Tự nhiên đương nhiên lành, thảo dược ở dạng tự nhiên nếu không chữa được bệnh thì cũng không có tác dụng phụ; còn ngược lại (phân lập hay dùng theo cách "phi tự nhiên") là độc hại.

Niềm tin này không chính xác.

Lợi và hại của thảo dược tự nhiên

Thực tế, không phải cái gì có sẵn trong tự nhiên đều là thuốc lành [3]. Còn kiến thức cổ truyền (ngay cả khi vận dụng bài bản) dựa vào hiểu biết xưa, không phải cái nào cũng còn giá trị.

Một vài ví dụ: Trong tự nhiên có cây thuốc phiện (Papaver somniferum) vừa có chất morphine giảm đau, vừa có chất codeine chữa ho nhưng chúng đều gây nghiện.

Có phải cứ thuốc “cổ truyền”, “tự nhiên” là tốt? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhiều loại thảo dược đúng là có khả năng chữa ung thư như cây thông đỏ Lâm Đồng (Taxus wallichiana) có chất paclitaxel (tên thương phẩm là Taxol) hay cây dừa cạn (Catharanthus roseus) có chất vinblastine, nhưng chúng cũng có tác dụng phụ độc hại như bất kỳ loại thuốc chữa ung thư nào.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy các bài thuốc thảo dược ở Trung Quốc dùng một số loài thuộc họ mộc hương nam (Aristolochiaceae) có chứa chất acid aristolochic gây suy thận, thậm chí ung thư gan [4].

Các ví dụ trên có thể bị xem là cực đoan. Nhưng thực tế là thuốc gì cũng ít nhiều có tác dụng phụ, kể cả thuốc thảo dược tự nhiên.

Ta chỉ nên dùng thuốc khi lợi nhiều hơn hại. Khi dùng "thuốc Tây", ta thường săm soi kỹ thành phần, dược tính, tác dụng phụ. Vậy vì sao khi đến với các liệu pháp "tự nhiên", ta lại bỏ qua tiêu chuẩn nghiêm ngặt này?

Những thầy thuốc nghiêm túc ngày xưa cũng biết mỗi cây chứa nhiều chất khác nhau, họ chỉ thiếu phương tiện kiểm nghiệm chính xác. Khoa học hiện đại phải phân lập để xác định chính xác chất nào có hoạt tính riêng lẻ và phối hợp ra sao ở điều kiện gì. 

Không chỉ có mổ xẻ, khoa học cũng có những ngành nghiên cứu cả cây, cả hệ sinh thái xung quanh cái cây đó để xác định dược liệu trong điều kiện nào thì có dược chất bao nhiêu. Những việc làm như vậy là bổ trợ, tinh chỉnh, phát triển chứ không phải bác bỏ y học cổ truyền hay thảo dược tự nhiên.

Sữa bò cũng vậy, có cả lợi và hại chứ ta không thể chỉ phủ nhận bằng lý lẽ "phản tự nhiên". Sinh hoạt điều độ như một ý trong bài báo "giờ dần – giờ phổi" kia cũng không phải là dở. Nhưng tốt hay xấu, tác dụng ở mức tổng thể hay biệt lập cần có bằng chứng khoa học thay vì đơn thuần viện dẫn "tự nhiên" hay "cổ truyền".

Có phải cứ lời khuyên của chuyên gia thì đều là vàng ngọc?

Các sách báo "cổ truyền", "tự nhiên" mà thiếu khoa học nêu trên toàn của các tiến sĩ hay thầy thuốc. Nhưng sự thật là: chỉ danh xưng hay trình độ học vấn của tác giả thôi thì không phải là đảm bảo chắc chắn cho nội dung khoa học.

Nhận định uống sữa là phản tự nhiên trong quyển sách trên [2] là của bác sĩ nội soi hàng đầu thế giới Shin’ya Hiromi.  Tuy nhiên, có 2 điểm cần lưu ý: sách này không viết về nội soi mà về dinh dưỡng; và tuyên bố của bác sĩ Shin’ya về sữa không thấy kèm trích dẫn nghiên cứu khoa học cụ thể đã công bố cụ thể.

Danh tiếng của bác sĩ Shin’ya lẫn các vị kia chắc chưa bằng tiến sĩ người Mỹ Kary Mullis, người đạt giải Nobel hoá học năm 1993 cho phương pháp sao chép vật liệu di truyền (DNA/RNA) (Nobel chắc là thừa nhận danh giá nhất cho người làm khoa học) [5].

Ông Mullis còn nổi (tai) tiếng vì cho rằng: AIDS không phải do HIV, còn trái đất không phải đang ấm lên [6]. Trái với công trình được giải Nobel, tuyên bố về HIV/AIDS và biến đổi khí hậu của Mullis đi ngược lại các chứng cứ và logic khoa học đã được chấp nhận rộng rãi.

Hay xa hơn trong quá khứ, các triết Hy Lạp cổ đại từ Thales đến Platon đều có những ý tưởng lớn về giới tự nhiên. Nhưng khoa học hiện đại không chấp nhận những ý tưởng này, không phải vì máy móc hiện đại đã chứng minh logic khoa học hay thí nghiệm của các triết gia cổ đại có sai sót, mà vì các vị này không có logic khoa học hay thí nghiệm gì [7].

Đáng ngại là không phải ai cũng đủ thời gian, công sức để thẩm định nội dung các loại sách báo nên đành đánh đồng danh tiếng của tác giả với độ tin cậy.

Có phải cứ thuốc “cổ truyền”, “tự nhiên” là tốt? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khi nào thì "theo tự nhiên" là đúng?

Vậy theo "tự nhiên", "cổ truyền" là đúng hay sai? Câu trả lời là: tùy trường hợp.

Tự nhiên có nhiều thứ độc hại nguy hiểm, nhưng cũng có quá nhiều thứ tốt đẹp. Tương tự, thuốc cổ truyền có thứ kém chính xác, cũng có thứ có ích. Cách để phân biệt chính là nghiên cứu và thẩm định một cách khoa học (không chỉ với "tự nhiên" hay "cổ truyền", mà bất kỳ phương thuốc hay cách điều trị nào) [4].

Người viết bài này trong lần dự một hội thảo về tính đa dạng các cây thuốc ở Kenya năm 2017 có được nghe bà Lydia Matoke, Chủ tịch Hiệp hội thầy thuốc cổ truyền quốc gia, nói về công dụng các bài thuốc dân gian ở nước này. 

Bà Matoke kêu gọi các nhà khoa học ở Kenya và thế giới đến cùng nghiên cứu xem bài thuốc nào có tác dụng trong điều kiện ra sao, nhờ hoạt chất gì. Lý do thành lập các viện trường y học dân tộc ở Châu Á chắc cũng tương tự.

Câu chuyện tích cực điển hình là thanh hao tố (artemisinin) chữa sốt rét, đem lại Nobel sinh y năm 2015 cho bà Đồ U U [Tu You-You | 屠呦呦].

Trong thập niên 1970, bà Đồ lục lọi y văn mấy ngàn năm của Trung Quốc và tìm ra nhiều bài thuốc chữa nghe có vẻ chữa được sốt rét. Bằng hóa học và thử nghiệm lâm sàng, bà cùng đồng nghiệp xác định nước chiết thanh hao hoa vàng [Artemisia annua] ghi trong quyển "Cát Tiên Ông thời hậu bị cấp phương" [葛仙翁時後備急方] mới đúng là có tác dụng, và chứng minh hoạt chất chính là artemisinin [9].

Phương pháp chữa sốt rét bằng artemisinin được Liên hiệp quốc áp dụng. Công trình của bà Đồ và các công trình liên quan được công bố rộng rãi trên các tạp chí khoa học. Quốc tế ghi công bà bằng giải Nobel. 

Giới nghiên cứu sinh học đã dựa vào những hiểu biết này để tạo được chủng nấm men sản xuất tiền chất artemisinin trên quy mô lớn trong phòng thí nghiệm, làm giảm giá thành điều trị sốt rét [10].

Artemisinin là dược chất từ tự nhiên, phần nào đã được y học cổ truyền biết tới. Nhưng chính cách làm khoa học, chứ không chỉ thuần túy dựa vào "tự nhiên", "sách thánh hiền" hay "chuyên gia" nên artemisinin được quốc tế thừa nhận rộng rãi (thật ra bà Đồ khó dựa vào danh tiếng chuyên gia vì không có bằng tiến sĩ, không có kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế, cũng không là viện sĩ của viện hàn lâm nào ở Trung Quốc).

Có phải cứ thuốc “cổ truyền”, “tự nhiên” là tốt? - Ảnh 4.

Bụi dừa cạn [Catharanthus roseus] chụp ở Kenya.

Kiểm chứng, kiểm chứng và kiểm chứng

Tự nhiên là tự nhiên, nó không tồn tại để phục vụ con người và do đó có đủ cả mặt tốt lẫn xấu đối với con người. Khoa học không phủ định sạch trơn mà gạn lọc và phát triển phần nào dựa trên tự nhiên và kiến thức truyền thống về tự nhiên.

Khoa học đáng tin cậy phải là từ quan sát thực tế - đặt giả thuyết- kiểm nghiệm- đối chiếu- được phản biện một cách logic chứ không phải chỉ viện dẫn "cổ truyền", "tự nhiên", hay lời nói của "cây đa cây đề". 

Khi đọc thông tin khoa học, ta cần đặt câu hỏi về logic, cách họ kiểm nghiệm, và số liệu chứ không nên chỉ đọc kết luận. Đồng thời cần kiểm chứng các tài liệu tác giả trích dẫn (tốt nhất là họ trích dẫn kết quả nghiên cứu gốc) [10].

Ví dụ, muốn biết những bài viết trên có logic khoa học nghiêm túc không, ta có thể nghi vấn: Đo cách nào để biết giờ của phổi hay dạ dày? Thống kê nào cho thấy người ta hay chết lúc 3 giờ sáng (và nếu đúng thì liên quan gì đến gan)? Khảo sát nào cho thấy ăn nhiều trái cây thì sợ lửa? Làm cách nào đo được nguồn năng lượng đang được truyền từ vũ trụ vào người bệnh nhân?

Một điểm quan trọng cần lưu ý là những nghiên cứu này được công bố trên các tạp chí hay hội nghị khoa học nào, được cơ quan y tế nào chấp nhận; ai công nhận những viện, trường liên quan. 

Như Barbara A. Brennan, chuyên gia chữa bệnh bằng năng lượng, tự nhận có bằng tiến sĩ ở Đại học Greenwich (Úc) và Đại học Holos (Mỹ) - cả hai trường này đều không được công nhận. Trường chữa bệnh Barbara Brennan (BBSH) của bà cũng không được ai công nhận nốt [11].

Kiểm chứng đúng là mất công (và sự thật đáng ngại là không phải lúc nào cũng kiểm chứng được). Nhưng không kiểm thì biết làm sao? (Xem thêm box)

Hy vọng tương lai sẽ có thêm nhiều địa chỉ để kiểm chứng bằng tiếng Việt.  

Khi tiếp nhận thông tin, ta có thể tự kiểm chứng bằng cách tham khảo những kênh sau:

- Mục "Tin đồn & sự thật" trên trang web "Ruy-băng tím" chuyên cung cấp thông tin về bệnh ung thư: http://ruybangtim.com/danh-muc/tin-don-su-that/

- Tin khoa học trên các báo đại chúng chính thức có trích dẫn nghiên cứu gốc (ví dụ như báo chuyên về thông tin khoa học mà văn phong dễ hiểu cho người ngoài chuyên môn như "Tia Sáng"); tránh những trang mạng trôi nổi (những bài theo kiểu chỉ đưa gọn lỏn "khoa học đã chứng minh …" đi sau đó là một thông tin gây sốc thì cần phải đề phòng).

- Những sách khoa học nghiêm túc, được dịch sang tiếng Việt như quyển "Tế bào gốc – khám phá cùng nhà khoa học" [Stem cells: an insider’s guide]: https://www.facebook.com/TeBaoGocKhamPhaCungNhaKhoaHoc/

- Điểm truy cập mở thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (hiện mới chỉ mở ở Hà Nội): http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/mo-diem-truy-cap-mien-phi-cac-cong-bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-3586117.html

- Cơ sở dữ liệu công bố khoa học của Trung tâm thông tin CNSH quốc gia Mỹ (NCBI) [tiếng Anh]: ở đây có hàng chục triệu công trình nghiên cứu khoa học, gõ từ khóa vào có thể ra các bài báo có liên quan – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed

- Trang web "Theo dõi lang băm" (Quackwatch) [tiếng Anh]: trang web phi lợi nhuận của Bác sĩ Stephen Barrett (Mỹ) với mục đích như tên gọi (nếu thấy tác giả yêu thích của mình có trên trang web này thì phải cẩn thận) – http://www.quackwatch.org/index.html

- Blog của Bác sĩ Ben Goldacre (Anh) chuyên trị các đề tài ngụy khoa học phổ biến [tiếng Anh] – http://www.badscience.net/about-dr-ben-goldacre/

THAM KHẢO:

- [1] Bài "Y học năng lượng – ngụy khoa học dựa trên số liệu nhiễu" [Energy medicine – noise-based pseudoscience] của Bác sĩ Ben Goldacre: https://sciencebasedmedicine.org/energy-medicine-noise-based-pseudoscience/

- [2] Giới thiệu sách "Nhân tố enzyme" [The enzyme factor] của Bác sĩ Shin'ya Hiromi. http://sachnhantoenzyme.blogspot.co.uk/2016/12/5-ly-do-nen-mua-sach-nhan-to-enzim.html; và http://www.enzymefactor.com/?page_id=88

Bác sĩ Shin’ya nói ông đã quan sát đường ruột 300.000 bệnh nhân để rút ra các kết luận trong sách. Nếu ông viết thành bài báo khoa học, trong đó mô tả cách quan sát, cách chọn mẫu, các thông số ghi nhận cụ thể, các phương pháp thống kê so sánh, v.v… để cộng đồng khoa học phản biện thì chắc sẽ được chấp nhận rộng rãi.

- [3] Sách "Mẹ thiên nhiên đang tìm cách giết bạn" [Mother Nature is trying to kill you] của Daniel K. Riskin, nhà sinh học tiến hóa và biên tập viên truyền hình Canada. Sách này dùng những bằng chứng từ nghiên cứu thiên nhiên để cho thấy nếu dùng đạo đức của xã hội ngày nay làm hệ tham chiếu thì thiên nhiên là thứ "vô đạo đức, trần trụi, vô cùng độc ác". https://www.goodreads.com/book/show/18143774-mother-nature-is-trying-to-kill-you

- [4] Bài "Trung y truyền thống cần phải được kiểm chứng bài bản" [Traditional Chinese medicine needs proper scrutiny], Tạp chí Tự Nhiên [Nature] (2017). https://www.nature.com/articles/d41586-017-07650-6?WT.ec_id=NATURE-20171201&spMailingID=55471256&spUserID=MTA3NDk1MTQ1OTE1S0&spJobID=1285361346&spReportId=MTI4NTM2MTM0NgS2

- [5] Kary Mullis phát minh ra phản ứng chuỗi dùng enzyme polymer hoá tổng hợp DNA [đoạn gene] trong ống nghiệm [PCR: polymerase chain reaction]. Những ai có động chạm ít nhiều đến sinh học phân đều được hưởng thành tựu này Mullis.

- [6] Sách "Múa khoả thân giữa chốn tư duy" [Dancing naked in the mind field] (1998) của Kary Mullis, được tạp chí ‘Nature’ tóm lược tại đây: https://www.nature.com/nature/supplements/collections/cycling/pdf/1999supp-csl-14b.pdf

- [7] Sách "Giải thích thế giới: quá trình khám phá ra khoa học hiện đại" [To explain the world: the discovery of modern science] (2015) của Steven Weinberg, giáo sư Đại học Texas (Mỹ), Nobel vật lý năm 1979. https://www.theguardian.com/books/2015/feb/22/to-explain-the-world-steven-weinberg-history-great-thinkers

- [8] Bài "Khám phá thanh hao tố và những món quà từ Trung y", Tạp chí ‘Nature’ (2011). http://www.nature.com/nm/journal/v17/n10/full/nm.2471.html

- [9] Tóm tắt cụm công trình kết hợp sinh tổng hợp và hoá tổng hợp để sản xuất artemisinin chống sốt rét, phụ san ‘Tổng quan vi sinh vật học’ của Tạp chí ‘Nature’ (2014). https://www.nature.com/articles/nrmicro3240

- [10] Sách "Khoa học dỏm" [Bad science] (2008) của Bác sĩ Ben Goldacre, bản tóm tắt trên Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Bad_Science_(book)

- [11] Danh sách các viện trường đáng nghi ngờ được ghi nhận trên trang ‘Theo dõi lang băm’ [Quack Watch]. https://quackwatch.org/04ConsumerEducation/nonrecorg.html

- Bụi dừa cạn [Catharanthus roseus] người viết chụp ở Kenya. Dừa cạn có nguồn gốc từ Châu Phi, đã được sử dụng làm thuốc dân gian ở Châu Phi và Châu Á từ lâu. Khoa học hiện đại xác nhận dừa cạn có các chất vinblastine và vincristine có tác dụng chữa ung thư (đồng thời cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bất kỳ loại thuốc chữa ung thư nào).

Thông đỏ, dừa cạn và thanh hao hoa vàng là vài ví dụ tích cực cho việc kết hợp kiến thức truyền thống về thảo dược tự nhiên với khoa học hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại