Giấc mơ của U23 Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ bởi quy định kiểu "ao làng"

Cát Tường |

Với chiến tích lọt vào chung kết VCK U23 Châu Á 2018, U23 Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp mặt ở giải đấu năm 2020 tại Thái Lan và thậm chí tìm một chiếc vé dự Olympic Tokyo.

Hi vọng là vậy, nhưng khả năng đi tiếp của U23 Việt Nam đang rất bấp bênh dù thầy trò Park Hang – Seo đã có hai trận thắng đầu tiên.

Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ những quy định "kỳ lạ" năm nay. Đó là việc Thái Lan - nước chủ nhà của VCK năm sau vẫn tham dự vòng đấu loại (nhưng không bị loại dù bất cứ vị trí nào) và thành tích của các đội với đội cuối bảng sẽ không được tính khi so sánh các đội nhì bảng với nhau.

Vấn đề đầu tiên thật kỳ lạ và khó hiểu. Ai cũng hiểu việc U23 Thái Lan tham dự vòng đấu loại để họ có cơ hội cọ xát. Tuy nhiên việc xuất hiện của Thái Lan khiến cơ hội đi tiếp của Việt Nam và Indonesia bị đe dọa nghiêm trọng.

Giấc mơ của U23 Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ bởi quy định kiểu ao làng - Ảnh 1.

Cửa đi tiếp của U23 Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Thái Lan, đội vốn không cần dự vòng loại vẫn có vé vì là chủ nhà VCK U23 châu Á 2020.

Theo thể thức chọn lựa thì ngoài các đội đứng đầu bảng thì có 4 hoặc 5 đội nhì bảng thành tích tốt nhất được đi tiếp. Thái Lan – ai cũng biết họ có thực lực thật sự. Khi đó hai đội mạnh khác trong bảng là Việt Nam và Indonesia đều có nguy cơ bị đẩy xuống vị trí thứ hai trong bảng.

Tại sao không tính rằng Thái Lan tham dự vòng loại cho vui thì điểm số cũng dẹp qua một bên và trật tự trong bảng chỉ dựa vào thành tích đối đầu giữa 3 đội còn lại? Đó cũng là cách đã từng diễn ra và thuyết phục người hâm mộ.

Thực tế đã chứng minh Thái Lan gây khó khăn cho bảng đấu này ra sao. Indonesia sau trận thua Thái Lan bị sức ép tâm lý và rơi vào thế đường cùng trước khi đối đầu cùng Việt Nam.

Còn Việt Nam, dù đã có 6 điểm như người Thái nhưng hiệu số thua hẳn thì có bao nhiêu phần trăm cơ hội chiếm ngôi đầu bảng để có thể tự quyết số phận của mình?

Ở trận cuối Việt Nam buộc phải thắng mới chắc suất đi tiếp. Vậy thì để cho một đội chủ nhà tham dự kiểu "vô thưởng vô phạt" với họ lại có ảnh hưởng rất lớn đến các đội khác thì liệu có công bằng hay không?

Một điều đáng tiếc nữa là việc thành tích trong các trận đấu với đội cuối bảng không được tính khi so sánh các đội nhì bảng với nhau. Tất cả bắt nguồn từ việc Pakistan rút lui không dự vòng loại. Vòng loại giải đấu năm 2018 cũng từng gặp sự cố tương tự.

Cho nên điều cần làm với U23 Việt Nam lúc này là quyết tử trong trận đấu với Thái Lan với mục tiêu tối thiểu là "không thua". Xin nhắc lại đây là điều thiếu công bằng với chúng ta khi 6 điểm vừa qua chẳng có giá trị trọn vẹn.

Giấc mơ của U23 Việt Nam có nguy cơ đổ vỡ bởi quy định kiểu ao làng - Ảnh 2.

Không dễ để U23 Việt Nam giành kết quả tốt trước Thái Lan

Có cùng 6 điểm sau hai trận nhưng Thái Lan đang được đánh giá cao hơn Việt Nam dù thầy trò Park Hang-seo được thi đấu trên sân nhà. Không những đang trình diễn một bộ mặt thuyết phục về lối chơi mà còn qua cách họ thắng Indonesia tới 4-0 và hủy diệt Brunei với 8 bàn không gỡ.

Trong khi đó Việt Nam quá vất vả mới thắng được Indonesia nên hiệu số thua hẳn người Thái. Tâm lý buộc phải thắng và tâm lý thoải mái "thắng thua đều được" rõ ràng đem tới tác động rất khác nhau.

Tại VCK U23 năm sau 3 đội đoạt thứ hạng cao nhất sẽ được tham dự Olympic tổ chức tại Nhật Bản. Đó là ước mơ và là cái đích mà Việt Nam nhắm đến nhất là sau khi chúng ta đoạt ngôi á quân năm rồi. Nhưng với quy định kiểu "ao làng", U23 Việt Nam có nguy cơ không vào được đến VCK chứ đừng nói đến xa hơn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại