“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí

Khánh Đặng |

Get Out có đủ mọi yếu tố để lôi cuốn khán giả, khiến họ cảm thấy đây là một bộ phim rất đáng xem và không hề lãng phí tiền khi quyết định đến rạp.

Đầu tiên, điều làm mình khá bất ngờ là dù đã chọn suất chiếu lúc 14h vào ngày đầu tuần nhưng khi vào rạp mình thấy nhiều bạn cũng đi xem (nhẩm được hơn 30 bạn).

Trước khi đi xem mình có dạo qua nhiều bài review để nắm được tình hình chung thì nhận thấy có hai luồng ý kiến chính: một cho rằng Get Out là phim kinh dị có ý tưởng đột phá, mạch phim lôi cuốn người xem từ đầu đến cuối; một lại đánh giá phim khá lê thê, các tình tiết kinh dị làm không tới, hiệu ứng không có gì là đặc sắc cả.

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 1.

Mình rất thích câu nói của một người em: "Để hiểu được một tác phẩm, bạn phải đặt mình vào bối cảnh của tác phẩm đó".

Để thấy được hết cái hay của Get Out đòi hỏi người xem phải hiểu được vấn nạn phân biệt chủng tộc – racism và dạng phim hài đen - humour noir (những vấn đề nhạy cảm về chính trị, tôn giáo... được phim đem ra châm biếm và đả kích).

Một số phim humour noir nổi tiếng mà chắc chắn các bạn có thể từng xem qua hay nghe đến là: The Great Dictator (của Charles Chaplin đấy), Birdman (đạt giải Oscar 2014 hạng mục phim hay nhất), Django Unchained (bản 2012, giành 2 giải Oscar với một dàn diễn viên toàn sao)...

Nói đơn giản là dạng phim humour noir này giống như show Táo Quân của nước mình vậy, xuyên suốt bộ phim đều cài cắm các tình tiết cực kì thời sự và châm biếm. Mình sẽ liệt kê ra những điều thú vị trong bộ phim, nếu bạn nào phát hiện thêm thì góp ý giúp mình nhé!

Về cốt truyện

Get Out có cấu tứ quen thuộc của một bộ phim kinh dị. Mở đầu với tình huống bí hiểm khơi gợi sự tò mò cùa người xem, sau đó tăng dần cường độ kinh dị qua các tình tiết và kết thúc bằng các cảnh hành động bạo lực, máu me.

Ở đầu bộ phim, người xem sẽ thấy một người đàn ông da đen bị bắt cóc khi đang trên đường đến nhà bạn gái. Chiếc xe hơi của tên bắt cóc khi đó đang mở bài Run Rabbit Run.

Đây là một bài nhạc Anh rất phổ biến vào thời kì Chiến tranh thế giới lần 2 và thường được mọi người thường sửa lại lời để chế giễu chủ nghĩa phát xít – chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của nước Đức lúc bấy giờ: Run Adolf, Run Adolf, Run, Run, Run... Bây giờ bạn hãy thử nhìn lại tình hình Brexit và Đỗ Trung hiện giờ xem.

Ngoài ra, bài hát còn như dự báo trước một "cuộc đi săn" đang sắp diễn ra. Tên đầy đủ của nhân vật chính là Chris Washington khéo mỉa mai đến tổng thống đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kì và bản Tuyên Ngôn Độc Lập của họ "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng".

Nếu các bạn để ý đến các bức ảnh trắng đen do Chris chụp và treo trong phòng mình thì sẽ thấy bức ảnh con chó màu trắng bị xích cổ và có một bàn tay màu đen nắm lấy sợi dây đó, điều này giải thích về tính cách dè chừng, luôn phòng thủ cũng như ý thức rất rõ của Chirs nói riêng và người da màu nói chung về sự phân biệt chủng tộc luôn âm ỉ trong lòng xã hội Mỹ và các nước Châu Âu.

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 2.

Thoạt đầu, người xem dễ bị lầm tưởng đang xem bộ phim tình cảm "trong mơ" giữa một chàng trai da màu và một cô gái (quỷ cái) da trắng và họ chuẩn bị ra mắt gia đình nhà gái.

Thuận lợi không thể nào hơn cho chàng trai khi cô bạn gái (quỷ cái) luôn thể hiện thái độ ân cần và một mực khẳng định gia đình mình "có học thức" và "sẵn sàng bầu cho Obama nếu ông ứng cử lần 3" nên sẽ không có chuyện phân biệt chủng tộc ở đây.

Chi tiết thú vị tiếp theo là lúc chiếc xe của đôi tình nhân vô tình đâm phải một con hươu và thái độ hành xử vô lý của viên cảnh sát với Chris, việc này gợi nhắc đến các vụ cảnh sát bạo hành người da màu khiến bạo lực bùng phát diễn ra tại Mỹ vào tháng 09/2016 và mới đây tại Pháp vào tháng 02/2017.

Các bạn hãy lưu ý hình tượng con hươu nhé bởi vì nó là hình tượng thâm thúy sẽ tiếp tục xuất hiện ở cuối phim đấy. Đoạn hội thoại của ông bố với Chris về đàn hươu "giết hươu là tốt, hươu là loài phá hoại" sặc mùi phân biệt chủng tộc và người nhập cư.

Chi tiết bố Rose nhắc về Olympic 1936 có tính châm biếm cực hay, trong Thế Vận hội mùa hè năm 1936 được tổ chức tại Berlin khi đó dưới thời Đức Quốc Xã, vận động viên người Mỹ gốc Phi Jesse Owens đã xuất sắc mang về cho đội tuyển Mỹ 4 HCV ở 4 nội dung: chạy 100m, chạy 200m, chạy tiếp sức, nhảy xa và lập kỷ lục thế giới.

Điều này chẳng khác nào một đòn giáng mạnh mẽ vào "thuyết ưu sinh" hay "thuyết chủng tộc thượng đẳng" khiến Hitler bẽ mặt vì theo học thuyết này thì người da màu và Do Thái bị xem như những chủng tộc thấp kém gần với loài vượn.

Trớ trêu thay, Jesse Owens tuy lập được kì tích và mang chiến thắng vinh quang về cho Hoa Kì nhưng khi trở về nhà, anh vẫn tiếp tục chịu sự kì thị chủng tộc gần như cho đến cuối đời.

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 3.

Tiếp theo đó, trường đoạn bà mẹ thôi miên Chris thực sự ấn tượng. Bản thân vốn đã cảm thấy rất khó chịu với tiếng muỗng nĩa cà vào chén dĩa nên mình hiểu được cảm giác bức rức của Chris lúc đó.

Bữa tiệc của gia đình Rose chào đón Chris ẩn trong đó sự châm biếm sâu cay. Các vị khách mời luôn săm soi, sờ mó Chris như một món hàng mà đỉnh điểm là câu nói: "Da đen hiện đang là mốt đấy" và tiếp sau đó là màn các khách mời thi nhau "trả giá" anh chàng da đen tội nghiệp (Chris lúc này bị con bồ Rose dụ đi ra bờ sông tâm sự nhẹ nên không hề biết).

Mình nhớ trong bữa tiệc có một gia đình tên là Dray, người vợ tên là April, ghép lại tên của bả là "April Dray" tựa như ngày cá tháng tư ngụ ý sự lừa dối của những người da trắng xung quanh Chris.

Duy nhất trong bữa tiệc chỉ có tay chủ phòng tranh là dành những lời khen và coi trọng tài năng nhiếp ảnh của Chris nhưng mỉa mai thay, lão ta bị mù.

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 4.

Twist của phim theo mình là cực kì đột phá, theo một số trang review thì ý tưởng này thực ra đã có một bộ phim trước đó thực hiện là Skeleton Key (2005).

Mình có xem qua cốt truyện của phim này thì thấy Get Out giải quyết twist dễ hiểu hơn và có tính khả thi hơn yếu tố ma thuật trong Skeleton Key.

Twist của Get Out như thế này (ai chưa coi phim mà muốn ra rạp thì lướt qua phần này nha.Gia đình Armitage (nhà của con bồ Rose) thực chất đó giờ chuyên buôn sỉ lẻ người da màu, trong đó Rose là mồi nhử để dẫn dụ con mồi (người da màu) vào bẫy, mẹ ả sẽ thôi miên để cô lập ý thức của họ.

Các buổi tiệc thực chất là sàn đấu giá để bán con mồi cho người ngả giá cao nhất. Sau đó gia đình này sẽ làm bất tỉnh con mồi và bố ả sẽ phẫu thuật để cấy ghép não của người mua vào con mồi, do ý thức của con mồi đã bị cô lập trước đó nên sau khi phẫu thuật thì ý thức của người mua sẽ điều khiển và làm chủ hoàn toàn cơ thể họ, giúp cho người mua tận hưởng một cuộc sống mới với một cơ thể khỏe mạnh.

Tất cả con mồi của nhà Armitage đều là người da màu vì bản thân người da trắng từ lâu vẫn ngầm xem người da màu chẳng hơn gì công cụ, món hàng hóa tuy nhiên họ lại cực kì ghen tỵ và khao khát sự ưu việt về mặt thể chất vốn có của người da màu.

Hai nhân vật người làm vườn Walter, cô hầu gái Georgina đều là hai "sản phẩm" thành công của gia đình và cũng chính là ông bà nội của Rose. Mình buộc phải nêu ra twist của Get Out vì chính chi tiết này đã tạo nên giá trị tuyệt vời cho cả bộ phim và khiến cho mạch phim trở nên liền lạc.

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 5.

Ông nội của Rose vì bị Jesse Owens vượt mặt trong Olympic 1936 nên ông ta luôn bị ám ảnh về sự ưu việt thể chất của người da màu.

Động lực đó đã thúc đẩy ông ta nghiên cứu và thực hiện trò cấy ghép não bệnh hoạn này cùng với gia đình của mình.

Điều này cũng làm rõ các chi tiết như Chris nhìn thấy ông ta (trong cơ thể người làm vườn) tập chạy trong đêm và khi buổi tiệc bắt đầu, chính người làm vườn đã ra ôm hôn và chào đón khách thay vì chủ nhà là ba mẹ của Rose hay lời nói của em trai Rose với Chris "nếu anh chăm chỉ tập luyện, anh sẽ trở thành một con mãnh thú" cũng như câu đáp trả của bố Rose dành cho thắc mắc của Chris về sự mặc cảm của ông nội Rose: "Đừng lo, ông ấy gần như vượt qua rồi".

Chi tiết Chris chụp lại hình của Logan King (mình có cảm giác như ông biên kịch cố tình ghép Logan – siêu anh hùng da trắng với Martin Luther King – nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi như một sự châm biếm) để gửi người bạn thân xem nhưng anh vô tình quên tắt đèn flash và khiến tên này nổi đóa lên và lao vào gầm gừ "Get Out!!!".

Khi xem đến twist này bạn sẽ hiểu ý nghĩa thực sự của câu nói đó như một lời cảnh báo: Chris, hãy mau mà trốn đi.

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 6.

Ở trên mình có nhắc đến hình tượng con hươu, các bạn còn nhớ chứ? Đó không chỉ đơn thuần là biểu tượng của con mồi trong cuộc đi săn người rùng rợn này đâu.

Trong thời kì nạn phân biệt chủng tộc còn diễn ra gay gắt ở Mỹ thì cụm từ "blackbuck" – con hươu đen được người Mỹ dùng để ám chỉ người da màu.

Mình rất ấn tượng với hình ảnh Chris dùng cái đầu hươu treo trong phòng để đâm chết bố Rose giống như sự phản kháng mạnh mẽ của con mồi với kẻ đi săn, sự phản kháng đến cùng của cộng đồng người da màu với nạn phân biệt chủng tộc.

Có một điều mình thấy hầu như chưa có bài review nào đề cập, khi twist của phim được tiết lộ, mình ngay lập tức liên tưởng đến một thuyết âm mưu cực kì nổi tiếng (không biết các nhà làm phim có thực sự lấy ý tưởng từ đây không nữa) là "Celebrities Under Mind Control", đại khái thuyết này cho rằng những nghệ sỹ nổi tiếng tại Mỹ đang bị một thế lực bí ẩn thôi miên và điều khiển nhằm phục vụ cho một mục đích động trời nào đó.

Đã có nhiều video ghi lại việc họ hành xử rất kỳ lạ trên sóng truyền hình mà theo mình khá giống trong Get Out, trong số đó có thể kể đến các trường hợp nổi tiếng của Eminem, Beyonce, Britney Spears... Các bạn có thể Google về thuyết này để tìm hiểu thêm.

Sự châm biếm còn kéo dài cho đến tận cuối bộ phim khi Chris đang nằm sóng xoài trên mặt đất cùng với Rose thì thấy một chiếc xe cảnh sát chạy đến.

Anh chàng da đen tội nghiệp chưa kịp mừng thì ngay lập tức lại tỏ ra lo sợ còn Rose thì rên rỉ ầm ĩ "Hắn bắn tôi". Nó một lần nữa lại gợi nhắc đến sự bạo hành của cảnh sát với người da màu. Ngạc nhiên thay, bước xuống xe là ông bạn thân của Chris, một người da đen.

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 7.

Còn rất nhiều chi tiết và ẩn ý khác nhưng mình không thể nhớ nổi để viết hết ra đây. Các lời thoại và tình tiết trong phim không thừa, không thiếu, tất cả đều liên quan chặt chẽ với nhau.

Thành thật mà nói thì mình cũng đã đoán được phần nào tình tiết của phim sẽ liên quan đến trò thôi miên, tẩy não các kiểu nhưng mình vẫn thực sự bất ngờ về thuyết âm mưu mà bộ phim mang lại, đặc biệt là sự thật về hai người làm da đen trong gia đình Armitage. Đây thực sự là một nhân tố xuất sắc đã mang lại thành công cho bộ phim.

Tuyến nhân vật

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 8.

Dàn diễn viên trong Get Out không nổi tiếng nhưng khả năng diễn xuất của họ rất tốt, bạn sẽ thấy một chàng nhiếp ảnh da màu Chris luôn mặc cảm với sự kì thị chủng tộc, anh bạn thân cảnh sát Rob luôn miệng cảnh báo Chris và kể tội của người da trắng tạo nên những tràng cười thoải mái giảm bớt sự căng thẳng của bộ phim.

Gia đình Armitage thì khỏi nói, từ ông bố cho đến bà mẹ và thằng em trai đều toát lên một sự bí hiểm dù vẻ ngoài cực kì thân thiện, mình khá ấn tượng với vai bà mẹ có trò thôi miên cực kì bá đạo (bả đóng vai trò cực kì quan trọng trong kế hoạch săn mồi của cả gia đình).

Cô bạn gái (quỷ cái) Rose thì xảo trá khỏi nói nhưng tiếc là mình đã nghi con nhỏ này cố tình dẫn dụ Chris về nhà sau đó trở bánh tráng ngay từ đầu rồi nên không ngạc nhiên lắm (coi phim hack não nhiều cũng có lợi chứ nhỉ).

Vai diễn kinh dị nhất phim là cô hầu gái Georgina, ngay từ khung hình đầu tiên mà cô ta xuất hiện cũng khiến mình cảm thấy ơn ớn với vẻ mặt và nụ cười lạnh lùng gượng gạo.

Hầu như các cảnh gây giật mình cho Chris và người xem trong căn nhà này đều có sự góp mặt của Georgina.

Đặc biệt, ám ảnh nhất là lúc Georgina vừa khóc vừa cười trả lời câu hỏi của Chris, với mình đó là một trong những biểu cảm đáng sợ nhất trong các phim kinh dị mà mình từng xem qua trước đây.

Hiệu ứng hình ảnh và âm thanh

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 9.

Mình không có chuyên môn về lĩnh vực này nên chỉ nói đơn giản những gì bản thân cảm nhận được thôi. Hiệu ứng âm thanh và hình ảnh của Get Out theo mình là bình thường, đủ gây cho người xem sự căng thẳng, kinh dị chứ không có điểm nào để gọi là đặc sắc.

Mình hoàn toàn thông cảm về điều này khi phim chỉ có kinh phí sản xuất eo hẹp khoảng 4,8 triệu USD. Hơn nữa, Get Out vốn nặng và kinh dị về tâm lý chứ không phải các yếu tố ma mị nên điều này hoàn toàn chấp nhận được.

Tổng kết

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phim lấy đề tài phân biệt chủng tộc được sản xuất và giành được nhiều giải thưởng danh giá, có thể kể đến The Help (2011), Django Unchained (2012), 12 Years A Slave (2013), Selma (2014) cho đến mới đây là Hidden Figures và sắp tới là Detroit (08/2017).

Điều này chứng tỏ vấn đề phân biệt chủng tộc ngày càng giành được sự quan tâm và trở thành xu hướng làm phim tại Hollywood.

Get Out cũng bàn về đề tài ấy nhưng với chất liệu kinh dị kết hợp hài đen, bộ phim đã thực sự tạo nên đột phá mới mẻ cho dòng phim kinh dị vốn đang đi vào lối mòn.

Cái hay của phim không nằm ở các yếu tố ma quỷ, máu me hay rùng rợn, giật mình mà là những tình tiết, ẩn ý bóc trần sự thật đang nhức nhối và âm ỉ tồn tại lâu dài trong lòng một xã hội được xem là văn minh của con người thông qua màu sắc kinh dị. Nếu bạn hiểu được văn hóa Mỹ thì sẽ thấy Get Out tuyệt vời như thế nào.

“Get Out”: Không xem thì thật lãng phí - Ảnh 10.

Với đánh giá 99% trên trang Rotten Tomatoes, điểm 8.2/10 trên IMDb và hơn hết là doanh thu toàn cầu hơn 183 triệu USD (cập nhật theo Box Office Mojo) so với chi phí thực hiện chỉ 4,8 triệu USD. Mình rất bất ngờ khi biết nhà sản xuất của Get Out cũng chính là Blumhouse.

Cách đây không lâu, hãng đã phát hành bộ phim kinh dị tâm lý Spilt (phim về gã đầu trọc có 24 nhân cách) và nhận được nhiều đánh giá cao cũng như doanh thu phòng vé khả quan. Với những tiêu chí trên, Get Out xứng đáng là phim để bạn xem qua ít nhất một lần. Thật đấy!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại