Gặp những “người hùng ở Phòng số 7”

Mai Hạnh |

Người ta thường gọi các anh là “những người hùng ở Phòng số 7”. Nghe như tiêu đề một câu chuyện trinh thám vậy, nhưng đó là sự thật. Gặp những người lính chiến đấu với giặc lửa đặc biệt yêu nghề ở Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 7 Hà Nội, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi những điều họ đã làm được cho cuộc sống người dân.

40 lần “ra trận”, 1 lần thành… thương binh

Đến trụ sở của Phòng Cảnh sát PCCC số 7 (Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), anh Lã Tuấn Anh, Phó Đội trưởng PCCC và cứu nạn cứu hộ bảo: “Có lúc đang ăn sáng, nghe tiếng còi hú là quẳng đũa đi ngay.

Có lúc đang tắm dở, bôi dầu gội lên đầu, nghe tiếng báo cháy vội phi ra khỏi nhà tắm, mặc áo cứu hỏa và nhảy lên xe sau 2 phút đồng hồ. Nghề này là thế đấy cô ạ”.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Quang là người mới được công nhận thương binh do bị thương nặng trong vụ chữa cháy xưởng tái chế nhựa tại cụm làng nghề Ninh Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.

Dù mới 2 năm làm lính nghĩa vụ nhưng Quang đã 40 lần trực tiếp giáp mặt với “giặc lửa” và lần đầu bị thương khi cứu hỏa ở xưởng tái chế nhựa ở Ninh Sở.

Trong khi trước đó 4 ngày, Quang đã trở thành người hùng trong vụ cháy khu đô thị chung cư Xa La, phường Phúc La, Hà Đông. Chàng lính trẻ này đã hướng dẫn 30 người xuống đất an toàn.

Trong đó, giải cứu bằng cách cõng hai người từ tầng 18 và tầng thứ 21 ở hai tòa nhà CT4A và CT4B xuống.

Gặp những “người hùng ở Phòng số 7” - Ảnh 1.

Tay phải của chiến sĩ Quang bị thương sau vụ chữa cháy ở xưởng tái chế nhựa Ninh Sở.

Trong vụ chữa cháy xưởng tái chế nhựa, Quang và chiến sĩ Triệu Quang Duy được lệnh cầm lăng (dụng cụ chữa cháy) tiến sâu chống cháy lan sang các xưởng khác.

“Lúc đó, em phát hiện dưới đất có dòng chất lỏng đặc quánh ùn ùn từ trong xưởng chảy ra, không thể vứt lăng xuống đất, em và anh Duy tiếp tục đưa cao dòng nước thì chân bỏng rát không nhấc nổi, em ngã, anh Duy cũng ngã theo”, Quang cho biết.

Duy chống tay đứng dậy được, còn Quang bị ngã sõng soài, cả tay, chân, lưng đã bị dòng chất lỏng của nhựa gây bỏng nặng, Quang bị ngất ngay sau đó.

Ngọn lửa được dập tắt, hai chiến sĩ bị thương là Duy và Quang cũng đã nhanh chóng được đồng đội đưa vào Viện bỏng Quốc gia cấp cứu.

Duy bị bỏng hai tay, còn trường hợp của Quang, bỏng ở chân, lưng, hai tay. Bác sĩ cho biết, do vết bỏng ở bên tay phải bị thương nặng Quang phải phẫu thuật cắt thịt để cứu cánh tay.

Trò chuyện với chúng tôi, Quang chia sẻ: “Bây giờ em không đau nhiều nữa nhưng trời lạnh thì rất buốt và đau nhức lại diễn ra vào những ngày trở trời. Thỉnh thoảng cũng rất ngứa, nhất là vào mùa hè vì mồ hôi không thoát ra được”.

Gặp những “người hùng ở Phòng số 7” - Ảnh 2.

Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng phòng CS PCCC số 7.

Nói về Quang, Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng phòng CS PCCC số 7 giọng đầy trìu mến: “Mới vào nghề được 2 năm nhưng Quang là chiến sĩ rất cần mẫn, dũng cảm trong công việc.

Vụ cháy diễn ra vào ban đêm, điện cắt hết, trong khi lại cháy xưởng vật liệu tái chế nấu nhựa. Khi cháy, nồi nấu bị vỡ, nhựa chảy tràn ra, Quang nhảy ra thì bị ngã, nhựa dính vào tay.

Nhiệt độ nước sôi 100oC chỉ bị phỏng, rộp nhưng nhựa nhiệt độ rất cao lại bị dính vào tay, vết bỏng rất sâu. Tay bị cắt hết thịt, bác sĩ phải lấy thịt ở mông đắp lên, đắp 3 - 4 lần nhưng tay vẫn bị lõm rất nhiều.

Tay Quang sẽ không thể trở lại bình thường được nhưng y bác sĩ sẽ cứu chữa hết sức để đảm bảo tính thẩm mỹ cao hơn”, Trung tá Tuấn kể lại vụ việc.

Cũng theo Trung tá Tuấn, trong tập luyện và trong chiến đấu chỉ cần sơ xuất là khó tránh khỏi thương vong. Như vụ cháy ở Xa La có đồng chí còn bị chấn thương sọ não, có chiến sĩ gãy xương sườn và có cả những người không làm được gì nữa.

Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thương vong là phải tập luyện thật tốt cả thể lực lẫn nghiệp vụ.

Chuyện để đời của lính cứu hỏa

Gặp những “người hùng ở Phòng số 7” - Ảnh 3.

PV trò chuyện với chiến sĩ Nguyễn Văn Quang. Ảnh: T.G

“Nghề căng như dây đàn” nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, những người lính cứu hỏa thổ lộ có rất nhiều chuyện... nghề.

Chẳng hạn, trong vụ chữa cháy ở Xa La, Hà Đông, một trong số lĩnh cứu hỏa thuộc Phòng PCCC số 7 đã bế một phụ nữ từ trong đám cháy thoát ra.

Sau này người phụ nữ đó cứ đến đơn vị để hỏi xem người bế mình ra khỏi đám cháy là ai để trả ơn nhưng anh em kiên quyết không nói.

Rồi những chuyện dở cười, dở khóc từ những cuộc báo cháy “rởm” trong đêm, anh em chiến sĩ phải bật dậy, chạy vội vã nhưng tìm mãi không thấy đám cháy, gọi cho người báo tin thì máy đã tắt…

Tiếp chuyện với Trung tá Tuấn, chúng tôi mới cảm nhận hết những căng thẳng, hiểm nguy.

Làm “sếp” của lính cứu hỏa, khác hẳn với “sếp” ở những lĩnh vực khác, anh vẫn phải lao vào chiến trường để chỉ huy với cường độ công việc căng thẳng nhất.

Nhiệm vụ của anh là quan sát tổng thể đám cháy, bố trận chữa cháy làm sao thật chính xác, hiệu quả. Ngoài việc bao quát, nắm bắt tình hình để kịp thời chỉ đạo điều hành công việc, bản thân anh cũng trực tiếp tiếp cận hiện trường cùng anh em.

26 năm trong nghề nhưng mới 2 năm nay anh được đón giao thừa ở nhà. Còn lại, cứ đến Tết Nguyên đán thì Đội của anh lại trực với quân số 100%.

“Tết bắn pháo hoa là chúng tôi phải trực chiến. Không phải chỉ khi bắn pháo hoa mới đi trực mà ngay từ khi đưa pháo hoa về tập kết đã phải trực an toàn.

Vào ngày 30 Tết Nguyên đán chúng tôi thường phải trực an toàn pháo từ 5h sáng hôm trước cho đến khi bắn pháo hoa kết thúc, hiện trường được dọn dẹp xong xuôi mới trở về nhà lúc 2 – 3giờ sáng ngày hôm sau”, anh Tuấn chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại