Gặp 'huyền thoại sống' về ghép tạng

Thanh Trần |

BS Nhật Bản Masatoshi Makuuchi - người được xem như “huyền thoại sống” về ghép tạng trên thế giới vẫn miệt mài với hành trình ấy ở tuổi ngoại thất tuần.

14 năm sau cuộc phẫu thuật ghép gan thành công tại Việt Nam, ông đã quay trở lại. Điểm đến lần này vẫn là những căn phòng mổ có bệnh nhân đang chờ…

Đừng gọi tôi là người già

Bỏ mất cơ hội được gặp ông gần 4 tháng trước, khi ông đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng mổ cắt khối tá tràng đầu tụy cho một bệnh nhân ngoài 60 tuổi, tôi tiếc đến tự trách mình. Tôi đồ rằng, ở cái tuổi ngoài 70 dễ gì ông còn sức để quay lại Việt Nam lần nữa. 

Vậy mà một chiều cuối tháng 11, Bệnh viện Đà Nẵng gọi điện báo ông đang ở đây, vừa tiến hành phẫu thuật xong một ca ung thư gan. Cuộc gặp gỡ chỉ được báo trước vài phút, bất ngờ như chính việc tôi không tin mình còn cơ hội được gặp gỡ con người “huyền thoại” ấy.

Kết thúc ca mổ kéo dài gần 5 giờ, ông ngồi đợi chúng tôi ở phòng họp với vẻ mặt bình thản chẳng hề lộ ra chút mệt mỏi. Trong bộ vest lịch lãm, dáng người thấp nhỏ, mái đầu “muối nhiều hơn tiêu”, ông gật đầu chào với nụ cười thân hiền như đã quen tự bao giờ. 

Gặp huyền thoại sống về ghép tạng  - Ảnh 1.

Không đợi tôi hỏi, ông nói ngay: “Bệnh nhân vừa rồi nhiều tuổi hơn tôi, ông ấy bị u gan phía bên phải và chúng tôi đã lấy khối u to bằng quả cam ra”.

Câu chuyện được ông bắt đầu bằng việc “tua” về năm 43 tuổi. Năm ấy, ông chuyển công tác từ trường Đại học Shinshu sang Trung tâm ung thư quốc gia Nhật Bản. Bệnh nhân ung thư tập trung đến rất đông, tất nhiên có cả bệnh nhân ung thư gan. 

Số lượng ca mổ gan ngày một dày lên, cùng với lời mời phẫu thuật ở các nước khác khiến ông không thể nào nhớ xuể đôi tay mình đã mổ gan cho bao nhiêu người. Tôi nói trên một số báo, người ta có nhắc tới con số 5.000 ca, ông bật cười bảo ông không đếm hết, chỉ chắc chắn một điều là nếu có thể, ông sẵn sàng tới bất cứ đâu bệnh nhân cần. 

Tôi hỏi thêm bác sĩ đã già, việc đi lại hàng ngàn cây số liệu có quá sức không? Ông ngắt lời: “Đừng gọi tôi là người già. Tôi chưa bao giờ muốn mình bị gọi như thế cả!”. 

Bằng tất cả sự dí dỏm của mình, ông định nghĩa người già theo cách khác: “Người ta về hưu ở chừng 60 tuổi, họ nghỉ ngơi và không còn làm việc nữa. Khi đó họ đã già rồi. Còn tôi tới giờ phút này, còn sức khỏe và đầu óc nên cứ làm việc hăng say. Như thế thì tôi chưa hề già”.

Suốt mấy chục năm qua, ông đi rất nhiều nước châu Âu, sang Trung Quốc, đến Việt Nam…dùng đôi tay “huyền thoại” của mình cứu sống bệnh nhân. Mỗi chuyến phẫu thuật dặm trường như thế thường được đặt lịch trước để hai bên cùng sắp xếp, và hẳn nhiên không thể tiến hành trên những ca khẩn cấp bởi khoảng cách địa lý quá lớn. 

Lần phẫu thuật này, ông chỉ kịp dành cho tôi khoảng thời gian trò chuyện ít ỏi, sau đó ngủ một đêm đợi chuyến bay sáng trở về Nhật Bản. Tiếp tục hành trình “mang mật cho đời như con ong cần mẫn”.

Khát khao cống hiến

Năm 1993, ông là người đầu tiên trên thế giới thực hiện ghép gan từ người cho sống. Ca kinh điển trong hành trình phẫu thuật của ông là lấy gan từ người sống ghép cho bệnh nhân dài hơn 30 giờ đồng hồ. Chỉ tính riêng về ghép gan, mỗi năm ông thực hiện từ 100-150 ca. 

Không phải nghiễm nhiên đứng trên đỉnh cao ghép tạng như bây giờ, BS Makuuchi trải lòng bản thân đã dành hết những tháng năm tuổi trẻ để học tập, nghiên cứu và rèn luyện phẫu thuật. “Tôi đã thực hành phẫu thuật ghép gan trên khỉ, heo suốt một thời gian dài, vô số lần để nâng cao tay nghề của mình”, ông nói. 

Với ông, ghép gan không bao giờ dễ dàng. Nhất là trong quá trình ghép thường xảy ra một số phản ứng, như người tiếp nhận không nhận phần gan của người cho. “Điều kiện lý tưởng” chỉ khi bệnh nhân nhận gan từ những người trong huyết tộc. Đúc kết này ông vẫn thường hay truyền đạt cho các y bác sĩ về sau.

Quay trở lại Việt Nam sau 14 năm, GS Makuuchi thấy nhiều đổi khác, từ cơ sở hạ tầng cho đến trang thiết bị y tế mà ông tiếp cận. “Nhớ lần thực hiện ghép gan ở Viện Quân y 103, tôi đã nghe nhiều ý kiến phản đối, đại loại “ngành y tế mới có thế này mà anh dám làm một việc như vậy”. 

Bây giờ thì mọi thứ đã khác. Tôi tin với sự phát triển này, Việt Nam sẽ sớm có sự chuẩn bị đầy đủ về kinh tế cũng như nền tảng y tế để có thể thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật ghép gan hơn nữa”, GS kì vọng.

Bằng y đức thảo thơm của mình, hơn bao giờ hết, ông mong muốn được tổ chức các buổi ghép gan ngay tại Đà Nẵng, nhằm đem thêm nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân, đặc biệt những bệnh nhân miền Trung có hoàn cảnh khó khăn. Hơn thế nữa là chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho Việt Nam. 

Theo tính toán của GS, việc chuyển giao thông thường khoảng 3-4 tháng, tùy thuộc vào tinh thần học tập của các y bác sĩ. Ông sẽ truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức, và để đội ngũ “blouse trắng” học hỏi một cách trực quan sinh động, rèn tay nghề khi theo dõi và cùng tham gia phẫu thuật. “Tôi luôn mong muốn được cống hiến để Việt Nam xây dựng một nền y tế phát triển. 

Ngoài việc truyền đạt kỹ năng, có hai chuyện tôi muốn nhắn nhủ với các y bác sĩ trẻ, cũng là điều tôi thường nói với học trò mình. Thứ nhất, hãy cố gắng tìm tòi, đọc thật nhiều tài liệu, nghiên cứu liên quan đến ghép tạng. Thứ hai, hãy làm hết sức, hết mình vì bệnh nhân. Bác sĩ phải phụng sự bệnh nhân. Y đức chính là như vậy”.

BS Nguyễn Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng - người vinh dự cùng GS Makuuchi phẫu thuật gần 5 giờ đồng hồ chia sẻ rằng, điều quý giá nhất ông học được từ “thầy” là cách làm việc nghiêm túc, cẩn trọng. Tất cả các bước phẫu thuật đều được “thầy” tiến hành rõ ràng, khéo léo. 

“Thầy còn chỉ thêm cho chúng tôi nhiều kỹ năng mới, như phương pháp định vị mạch máu. Đây là yếu tố rất quan trọng trong phẫu thuật gan. Tôi mong có nhiều cơ hội phẫu thuật cùng thầy để tiếp thu thêm kinh nghiệm, kĩ năng, nâng cao tay nghề”, BS bày tỏ.

Tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Y bác sĩ Việt - Nhật đã ký kết với Bệnh viện Đà Nẵng về huấn luyện đội bác sĩ ghép gan chuyên nghiệp. Ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được sang Nhật Bản bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ. 

Các bác sĩ Nhật Bản cũng sẽ đến Đà Nẵng để chuyển giao kỹ thuật và trực tiếp thực hiện phẫu thuật gan. Thật may mắn, “huyền thoại sống” Makuuchi đã nhiệt tình góp mặt trong chương trình đào tạo này.

Năm 2004, GS Masatoshi Makuuchi cùng đội ngũ bác sĩ Viện Quân y 103 thực hiện ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân là bé gái Nguyễn Thị Diệp (9 tuổi, quê Nam Định), nhận gan từ bố đẻ của mình. Ca ghép gan dài 17 tiếng đồng hồ thành công đã đi vào lịch sử của ngành ghép tạng Việt Nam.

“Thật vui mừng khi biết cô bé ấy vẫn khỏe mạnh, nay đã trở thành một thiếu nữ”, ông không giấu được cảm xúc của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại